Trần Đăng Khoa tiết lộ về tập thơ đầu tay tặng Bác Hồ

Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể lại kỷ niệm tặng thơ Bác Hồ. Ảnh: VTV3
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể lại kỷ niệm tặng thơ Bác Hồ. Ảnh: VTV3
TPO - Trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Hồ Chí Minh-Hành trình khát vọng 2020” nhân dịp sinh nhật thứ 130 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ về tập thơ đặc biệt sau này trở thành hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Cơ duyên để tập thơ tới tay Bác Hồ là nhờ phong trào viết thư gửi Bác năm 1968, để báo cáo thành tích, kể chuyện người tốt việc tốt với Bác. Cậu bé Trần Đăng Khoa khi ấy nói với cô giáo chưa làm được gì tốt. Cô khuyên Khoa nên viết thư kể chuyện làm thơ cho Bác nghe.

“Tập thơ đầu tay của tôi “Từ góc sân nhà em” sau này tập thơ tiếp theo “Góc sân và khoảng trời”. Tôi gói tập thơ đầu tay được chép cẩn thận vào giấy báo và cắt mảnh giấy dán vào đó đề địa chỉ: Kính gửi Bác Hồ kính yêu, địa chỉ: Hà Nội. Phong bì được dán tem, tôi đưa vào hộp thư vốn là thùng sắt tây treo ở Ủy ban xã”, ông nhớ lại.

Những bài thơ đầu của Trần Đăng Khoa viết về Hồ Chủ tịch khá nhiều trong đó có “Ảnh Bác”. “Ảnh Bác là bài thơ đầu tiên tôi viết về Bác vào ngày 19/5/1966 in trên báo Văn nghệ, mục Nhi đồng làm thơ. Ở dưới ghi rõ: Trần Đăng Khoa, 8 tuổi, lớp 2, học sinh cô giáo Cúc”, Trần Đăng Khoa nhớ lại. Sau này báo Nhân dân cũng in lại bài thơ “Ảnh Bác”. Tập thơ ấy đến tay Bác, được Người đọc và sau này trở thành hiện vật được trưng bày trong Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trần Đăng Khoa tiết lộ về tập thơ đầu tay tặng Bác Hồ ảnh 1

Trần Đăng Khoa được tôn là thần đồng thơ từ năm 8 tuổi

Từng có cơ hội được gặp Bác nhưng duyên chưa đến. Ngày 30/5/1969, Trần Đăng Khoa và một số thiếu nhi được về Hà Nội. “Cô Thu Trà bấy giờ là Phó Chủ tịch Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương có báo cáo với Bác. Bác nói cho Khoa đến gặp nhưng không đi riêng sợ cháu kiêu, nên cho Khoa đi lẫn với các cháu thiếu nhi trường Nhạc viện Hà Nội”, Trần Đăng Khoa nhớ lại.

Nhóm thiếu nhi này được gặp Bác vào 1/6/1969, sau có bộ phim “Bác Hồ của chúng em”. Trần Đăng Khoa không được đến do các cô giáo lo cậu phải đi một mình cùng các bạn. “Hôm sau tôi mới biết chuyện khi cả đoàn kéo vào gia đình nhà thơ Tố Hữu. Chú nói Bác tiếc không được gặp cháu, nhưng Bác nhờ chú nhắn lại cháu phải chịu khó học tập, làm con ngoan của bố mẹ và cháu ngoan Bác Hồ. Hãy làm cháu ngoan Bác Hồ trước rồi làm nhà thơ giỏi sau”, ông kể.

Trần Đăng Khoa tiết lộ về tập thơ đầu tay tặng Bác Hồ ảnh 2

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong chương trình giao lưu nghệ thuật mừng sinh nhật Bác. Ảnh: VTV3

Câu chuyện này được chia sẻ trong chương trình “Hồ Chí Minh-Hành trình khát vọng 2020”, phát sóng tối 16/5 trên VTV1 do nhà báo Tạ Bích Loan chỉ đạo sản xuất. Hai hai tuyến nhân vật xuất hiện trong chương trình: những nhân chứng của ngày hôm qua. Đó là những người có vinh dự được gặp Bác. Những tấm gương điển hình của ngày hôm nay - đang sống, học tập, lao động, làm theo lời Bác dạy.

Họ có chung một “hành trình gặp Bác”, đi chung một con đường là đi theo khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khát vọng độc lập, tự do, khát vọng xây dựng một đất nước ấm no, hạnh phúc.

Nhiều khách mời xuất hiện trong chương trình như trung tướng Nguyễn Xuân Mậu - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương- kể về bài học làm hết trách nhiệm với nhân dân. Đó là câu chuyện của ông Bùi Ngọc Oánh, từng là Giảng viên của trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội với kỷ niệm gặp Bác từ khi còn là cậu bé 8 tuổi, vào tối 30 Tết năm 1960. Ông vẫn luôn nhớ đến lời Bác Hồ dặn “hãy làm người có ích”. Và đó là câu chuyện xúc động của cậu bé Hoa Xuân Tứ được gặp Bác Hồ năm 1966 và được Người truyền cho tinh thần lạc quan để sống một cuộc đời nghị lực, vượt mọi gian khó để tự lập.

Trần Đăng Khoa tiết lộ về tập thơ đầu tay tặng Bác Hồ ảnh 3

Nhiều tấm gương và câu chuyện kể trong "Hành trình khát vọng 2020". Ảnh: VTV3

Những tấm gương ngày nay trở thành điển hình tiên tiến, viết tiếp khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Vũ Trụ Xanh kể về câu chuyện sáng tạo “ATM gạo” mà đến nay đã có 100 điểm, giúp đỡ gần 1 triệu người.

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cùng các đồng sự của mình ngày đêm quên ăn, quên ngủ đã tiến hành nuôi cấy và phân lập chủng virus Corona mới thành công sau 72 giờ. Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) kể về việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, về những giây phút nguy hiểm khi các nhân viên y tế phải ghé sát miệng, mặt bệnh nhân để đặt ống thở.

Câu chuyện thượng tá Trịnh Quốc Việt, là bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, 34 năm xa nhà, dấn thân vào công việc nguy hiểm, gian nan chống nạn buôn ma túy, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc khiến nhiều người cảm phục.

MỚI - NÓNG