Cuộc chiến công hàm về biển Đông ở Liên Hợp quốc

Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hoá. (Ảnh: CSIS)
Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hoá. (Ảnh: CSIS)
TPO - Mỹ vừa gây chú ý với việc gửi công hàm lên Liên Hợp quốc để phản đối các yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông. Trước đó, một cuộc chiến công hàm đã diễn ra, bắt đầu từ báo cáo của Malaysia.

Ngày 12/12/2019, Malaysia gửi lên Uỷ ban ranh giới thềm lục địa Báo cáo ranh giới thềm lục địa mở rộng tại khu vực phía bắc biển Đông. Ngay trong hôm đó, Trung Quốc gửi công hàm phản bác báo cáo của Malaysia. 

Công hàm của Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền đối với 4 nhóm đảo là Hoàng Sa, Trường Sa (của Việt Nam), Trung Sa, Đông Sa (gọi chung là Nam Hải chư đảo); Trung Quốc có các vùng biển (nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) từ các nhóm thực thể và; Trung Quốc có quyền lịch sử ở biển Đông. 

Ngày 6/3/2020, Philippines gửi lên Tổng thư ký LHQ công hàm phản đối công hàm của Trung Quốc, khẳng định tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Philippines cũng gửi một công hàm nữa để nêu ý kiến về báo cáo của Malaysia. 

Ngày 23/3/2020, Trung Quốc gửi công hàm phản bác các công hàm của Philippines. Trung Quốc nêu ra yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa (của Việt Nam), bãi Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) và các vùng biển lân cận; yêu sách quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan cũng như vùng đáy biển và vùng đất dưới đáy biển. Trung Quốc cũng tiếp tục nhắc lại yêu sách quyền lịch sử ở biển Đông.

Trong bối cảnh đó, ngày 30/3/2020, Việt Nam gửi Công hàm số 22/HC-2020 lên Tổng thư ký LHQ để phản bác 2 công hàm của Trung Quốc. 

Công hàm của Việt Nam đưa ra 4 luận điểm quan trọng: Việt Nam phản đối yêu sách của Trung Quốc, các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại biển Đông; Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế; UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; Việt Nam phản đối các yêu sách ở biển Đông vượt quá những giới hạn quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử; các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý.

Ngày 31/5, quyền Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah xác nhận nước này đã gửi công hàm cho TTK LHQ và các cơ quan liên quan đến vấn đề hàng hải của LHQ, tái khẳng định lập trường của Indonesia bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông theo điều 9D/quyền lịch sử của luật pháp quốc tế.

Indonesia xác nhận, bản đồ “đường 9 đoạn” hàm ý yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc tại biển Đông không có cơ sở pháp lý quốc tế nên đã vi phạm UNCLOS 1982. Là một quốc gia thành viên tại UNCLOS 1982, Indonesia kêu gọi tuân thủ hoàn toàn luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Indonesia tuyên bố không ủng hộ các yêu sách trái với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 mà phía Trung Quốc đưa ra. Lập trường nhất quán của Indonesia là bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc tại biển Đông.

MỚI - NÓNG