'Ròm': Kết đẹp cho hành trình bầm dập

“Ròm” thắng giải cao nhất tại LHP Busan trước khi ra rạp Việt Nam
“Ròm” thắng giải cao nhất tại LHP Busan trước khi ra rạp Việt Nam
Ròm đi tới cái kết viên mãn sau chừng ấy thăng trầm. Từng chịu phạt hành chính và phạt tiêu hủy rồi một bước lên đỉnh vinh quang ở Busan, nay nhà sản xuất ấn hành ngày ra mắt Việt Nam vào tháng tới.

BA CHÌM BẢY NỔI

Giấy phép do Cục Điện ảnh cấp cho nhà sản xuất Ròm hôm 31/3 vừa rồi là phép màu với ê kíp làm phim. Tháng 9 năm ngoái, lãnh đạo Cục Điện ảnh khẳng định Ròm “thi chui”. Là do nhà sản xuất chưa được cấp giấy phép phổ biến đã nhanh nhảu gửi dự thi LHP quốc tế Busan. Đây không phải trường hợp phim Việt duy nhất gặp khúc mắc. Điều 41 Luật Điện ảnh 2009 nêu rõ: Phim tham gia liên hoan phim quốc tế, hội chợ phim quốc tế, những ngày Việt Nam ở nước ngoài phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh, hoặc có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình.

Nhà sản xuất giải trình và cam kết rút phim dự thi. Nào ngờ, đại diện Ban tổ chức (BTC) Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Busan bất chấp thư xin rút, vẫn cho chiếu vì vé bán ra từ trước. Ròm và phim Haifa Street (Iraq và Qatar) cùng được giải New Currents trong hạng mục tranh giải-giải thưởng cao nhất tại liên hoan phim này.

Là phim Việt đầu tiên thắng giải thưởng lớn ở Busan, nhưng nhà sản xuất nhận ngay trát phạt. Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ký văn bản phạt nhà sản xuất vì hành vi “phát hành phim khi chưa được phổ biến”. Mức phạt 40 triệu đồng, trong quyết định còn nêu rõ hành vi có tình tiết tăng nặng “tiếp tục thực hiện hành vi dù được Cục Điện ảnh yêu cầu chấm dứt”.

Những tưởng đường đến với khán giả nội khép lại, nhưng nhà sản xuất không lùi bước. Họ chỉnh sửa và xin duyệt phim bằng được. Khoảng 5 tháng phấp phỏng chờ đợi, hội đồng duyệt phim cuối cùng cũng gật đầu để phim ra rạp với nhãn dán C18-dành cho khán giả từ 18 tuổi trở lên. Để có được tấm giấy thông hành trong nước, đạo diễn bỏ qua loạt LHP quốc tế lớn như Berlin, Tokyo dù vào được vòng tranh giải chính thức, thậm chí bỏ qua nhiều cơ hội phát hành quốc tế. “Tôi là người Việt Nam nên cần làm đúng luật, không những để giúp bản thân mà còn giúp chính những người bỏ tiền ra giúp đỡ tôi”, đạo diễn Trần Thanh Huy nói.

KẾT ÐẸP

Đạo diễn Trần Thanh Huy mất 8 năm sản xuất. Ròm được phát triển từ phim ngắn 16h30, từng thắng giải Cánh Diều Vàng 2012, được chiếu trong hạng mục Góc phim ngắn của LHP Cannes 2013.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh sau khi ký quyết định cấp phép cho Ròm nói rằng, phim phải chỉnh sửa nhiều cảnh quay. Điều đó không có nghĩa phim bị cắt một nửa. “Trong phim có một số cảnh được đánh giá là chưa phù hợp nên Huy đã tìm cách thay thế hoặc gia giảm thời lượng của một số phân đoạn. May mắn hội đồng duyệt vẫn thông qua phần câu chuyện chính của phim. Hành trình của hai nhân vật chính vẫn nguyên vẹn, những cảnh rượt đuổi khắp Sài Gòn được giữ lại. Hai bản phim chiếu ở Việt Nam và Busan có thời lượng không chênh nhau”.

Một vài đạo diễn từng chịu thua ở khâu này bởi họ không đủ chất liệu điều chỉnh cách kể chuyện. Huy tự tin vì có tới 27 bản dựng phim do “thích thử nghiệm nhiều cách kể khác nhau”. Ròm có thời gian ghi hình gấp gần ba lần thời gian trung bình của phim điện ảnh Việt. Vì thế Huy có kho tư liệu ngồn ngộn hình ảnh, thích thú với việc ngồi chọn từng khung hình để dựng phim.

Trần Thanh Huy nói nhiều tới đời sống tự nhiên, gần gũi được đưa vào Ròm. Nhịp điệu phim vì thế cũng dồn dập, vội vã đúng tính chất công việc của cậu bé Ròm và những mối quan hệ xung quanh. Phim không thiếu cảnh hành động, xô xát giữa hai đứa trẻ, những màn rượt đuổi từ hẻm chật chội ra đến phổ xá đông đúc. “Tôi đã trải qua một chặng đường dài cảm xúc với Ròm, từ điểm đáy đến đỉnh cao châu Á. Nhưng cảm giác nôn nao chờ đợi khán giả quê nhà đón nhận bộ phim vẫn rất khác, bởi đây là tác phẩm được tôi tâm huyết xây dựng dựa trên những gì gần gũi và quen thuộc nhất với người dân Việt Nam”, đạo diễn nói.

Không muốn nhắc tới đắng cay, cực khổ trong hành trình đưa Ròm ra rạp, đạo diễn nói đã đến lúc nói lời cảm ơn và thấy mình quá may mắn. Đạo diễn Trần Anh Hùng đứng tên nhà sản xuất Ròm là cách Thanh Huy tỏ bày lòng biết ơn. Đạo diễn nổi tiếng không ngại ngồi bày dạy cho Huy cách kể sao cho đúng đường với 27 bản dựng. Ròm thử thách Huy bao nhiêu thì cũng mở ra cơ hội được giúp đỡ bấy nhiêu. Nhờ danh tiếng từ giải thưởng ở Busan, phim được làm âm thanh và nhạc phim ở Pháp. Chi phí hậu kỳ của Ròm cao nhất điện ảnh Việt, nhưng nhiều nghệ sĩ và ê kíp chỉ lấy tiền tượng trưng. Nhiều nhà làm phim, nghệ sỹ và anh em trong ê kíp giúp đỡ Huy hoàn thành phim dài đầu tay trọn vẹn nhất.

“Tôi hy vọng Ròm mang lại luồng gió mới với điện ảnh Việt Nam. Nếu phim thành công, các nhà phát hành và sản xuất sẽ có định hướng cho nhiều phim thú vị và xứng tầm hơn nữa. Khán giả có nhiều lựa chọn, điện ảnh cũng vì thế phát triển và tạo công ăn việc làm nhiều hơn nữa. Tôi biết ơn những người giúp đỡ tôi, mong rằng sau này các bạn trẻ làm phim cũng có may mắn tương tự”, Trần Thanh Huy nói.

Ròm khai thác chủ đề về người lao động nghèo, đặc biệt là trẻ em, thiếu niên đường phố. Phim lấy bối cảnh một khu chung cư cũ đang chờ giải tỏa tại TPHCM, kể câu chuyện về cuộc sống của những người dân lao động nơi đây. Họ đều chơi số đề với hy vọng kiếm được khoản tiền lớn để đổi đời.
Nhân vật chính Ròm là cậu bé làm “cò đề” kiếm sống qua ngày, chuyên tư vấn cho người dân những con số may mắn để họ có cơ may trúng đề. Tuy nhiên, Ròm phải cạnh tranh sống còn với Phúc- được coi là một tay cò đề giang hồ cùng khu, để giành giật “khách hàng”. Dù có cuộc sống vất vả nhưng Ròm rất lạc quan. Cậu luôn say mê tính toán các con số với mong ước kiếm được nhiều tiền để tìm lại cha mẹ.

“Tôi hy vọng Ròm mang lại luồng gió mới với điện ảnh Việt Nam. Nếu phim thành công, các nhà phát hành và sản xuất sẽ có định hướng cho nhiều phim thú vị và xứng tầm hơn nữa. Khán giả có nhiều lựa chọn, điện ảnh cũng vì thế phát triển và tạo công ăn việc làm nhiều hơn nữa. Tôi biết ơn những người giúp đỡ tôi, mong rằng sau này các bạn trẻ làm phim cũng có may mắn tương tự”. 
Đạo diễn Trần Thanh Huy 

'Ròm': Kết đẹp cho hành trình bầm dập ảnh 1 “Ròm” thắng giải cao nhất tại LHP Busan trước khi ra rạp Việt Nam
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.