Hơn 300 đại biểu Quốc hội muốn cấm dịch vụ đòi nợ 'xăm trổ, dao kiếm'

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang)
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang)
TPO - Hơn 77,5% đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có báo cáo kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) về quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính đến chiều 28/5, đã có 409 đại biểu hồi âm sau khi được xin ý kiến.

Trong đó có 317/409 đại biểu (chiếm 77,51%) chọn phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, 91 vị chọn phương án không cấm và 1 người không thể hiện chính kiến. Phần "ý kiến khác" có đại biểu cho rằng, các luật hiện hành cũng đã quy định hình thức cho vay và hình thức phải trả nợ, nên không cần quy định ngành nghề này trong Luật Đầu tư, tạo ra một hành vi “đòi nợ” trái pháp luật.

Có hai đại biểu đề nghị đổi tên là “kinh doanh dịch vụ thu hộ nợ" để đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời có những điều kiện kinh doanh cụ thể quản lý, chế tài, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để ngành nghề này lành mạnh không biến tướng, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội. Chính phủ cần quy định rõ những biện pháp, hành vi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này không được làm.

Đây là một trong số những nội dung nhận được nhiều sự tranh luận nhất tại diễn đàn Quốc hội trong các lần cho ý kiến. Gần đây nhất tại kỳ họp thứ 9, khi cho ý kiến về Luật Đầu tư sửa đổi, tiếp tục có hai luồng ý kiến khác nhau về quy định đòi nợ trong dự thảo.

Tuy nhiên, ý kiến đồng tình với việc không quy định loại hình đòi nợ chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Thậm chí, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) còn thẳng thắn, gay gắt khi nhấn mạnh đến việc không thể không cấm dịch vụ đòi nợ thuê.

“Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ có lao động chủ yếu là người xăm trổ, công cụ lao động để đạt mục đích là dao kiếm, phương thức hoạt động là dùng vũ lực, đe doạ. Nếu tiếp tục để dịch vụ này thì gây hoang mang xã hội, dẫn tới mất niềm tin của nhân dân với lực lượng quản lý xã hội”, ông Bộ nhìn nhận.

Ở chiều ngược lại, ông Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn tỉnh Quảng Trị cho rằng, không nên cấm loại hình dịch vụ đòi nợ thuê. Theo ông, chỉ nên cấm khi không có phương án nào khác. “Nếu cấm thì không khác gì chúng ta nhảy từ thái cực này sang thái cực khác, tức là từ chỗ gần như không quản sang cấm tuyệt đối. Ở đây thực chất không phải không quản được thì cấm mà chưa quản đã cấm”, ông Đồng nêu.

Theo báo cáo đánh giá tác động với loại hình kinh doanh này của Chính phủ, đến hết tháng 8/2019, cả nước có 29 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký, trong đó 84 doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, 62 tại Hà Nội.

Quá trình kinh doanh, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh, dẫn tới phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực với xã hội. Những vi phạm phổ biến, là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện biến tướng hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” gây mất an toàn xã hội”.

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dịch vụ đòi nợ thuê còn nhiều ý kiến khác nhau nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án.

Phương án 1, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ như dự thảo Chính phủ trình vì thời gian qua có nhiều biến tướng dịch vụ này thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực với con nợ, mất trật tự xã hội.

Phương án 2, dịch vụ đòi nợ là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do dịch vụ này xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống.

Việc biểu quyết thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) dự kiến được tiến hành vào chiều 17/6, khi Quốc hội họp tập trung tại Hà Nội.

MỚI - NÓNG