Việt Nam gỡ thẻ vàng hải sản: Khó khăn

Tàu cá tại Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: CK
Tàu cá tại Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: CK
TP - Việc bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng hải sản đã gây nhiều hệ lụy cho ngành hàng này của Việt Nam, công tác khắc phục hơn 2 năm qua còn nhiều khó khăn, thậm chí đối diện nguy cơ bị thẻ đỏ.

Tổn thất lớn

Theo tài liệu về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam công bố gần đây, tính đến hết năm 2019, có 26 quốc gia đã bị EC áp dụng hình thức phạt thẻ. Trong đó, 16 nước và vùng lãnh thổ đã được thu hồi do hệ thống quản lý được cải thiện hiệu quả; còn lại 3 nước đang bị thẻ đỏ, 7 nước bị thẻ vàng (có Việt Nam).

Trong thời gian bị thẻ vàng, 100% container hàng hải sản xuất khẩu (XK) từ nước bị thẻ vàng sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, khiến việc vận chuyển mất thêm thời gian, thậm chí tới 3-4 tuần/container. Chi phí cho kiểm tra “nguồn gốc” khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. Nhưng rủi ro nhất là tỷ lệ lớn các container hàng sẽ bị từ chối, trả lại, gây tổn thất nặng nề về kinh tế (như Philippines có đến 70% số container bị trả lại). Tổn thất cho việc XK hải sản từ Việt Nam sang EU khi bị thẻ vàng, tính trung bình có thể lên đến 10.000 euro/container.

Sau 2 năm bị cảnh báo thẻ vàng, XK hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đã giảm 6,5% năm 2018 và 5% năm 2019. Riêng năm 2019 giảm 10,3% so với năm 2017, trong đó giảm sâu nhất là mực, bạch tuộc (giảm 37%). Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, EU đã xuống vị trí thứ 5 và thị phần giảm từ 18% xuống 13%. Thẻ vàng đã tác động xấu và trực tiếp tới XK hải sản. Nhiều khách hàng truyền thống tại EU e ngại việc bị phạt theo quy định chống khai thác IUU nên giảm hoặc ngừng nhập khẩu hải sản của Việt Nam.

Cần khắc phục triệt để tồn tại

Sau hơn 2 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, việc giải quyết tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài hiện vẫn là một khó khăn, cản trở lớn đối với Việt Nam nhằm gỡ bỏ thẻ vàng. Năm 2018, lực lượng Biên phòng đã tiếp nhận, điều tra, xác minh 155 ngư dân và 4 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ được trao trả về nước; xử lý vi phạm hành chính 14 trường hợp tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài với số tiền hơn 586 triệu đồng.

Riêng tại Kiên Giang, UBND tỉnh này cho biết, năm 2019, Chi cục Thủy sản đã phát hành 95 văn bản cảnh báo đối với 110 tàu cá vượt ra khỏi vùng biển Việt Nam và tắt thiết bị giám sát hành trình. Lực lượng chức năng đã kiểm tra 889 phương tiện, quyết định xử phạt 125 phương tiện, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 536 triệu đồng; xử phạt hành vi đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài 43 vụ với 56 tàu, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3,7 tỷ đồng… 

Hạn chế lớn là chưa ngăn chặn được triệt để tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; chưa hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, vẫn còn nhiều tàu mất tín hiệu kết nối với hệ thống. Việc xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là các hành vi vi phạm nghiêm trọng theo Nghị định số 42/2019, các lực lượng chức năng chưa thật sự kiên quyết; kinh phí chi cho các nhiệm vụ về phòng, chống khai thác IUU vẫn chưa được bố trí kịp thời…

Từ 1/1/2019 đến nay, cả nước có 2.781 giấy chứng nhận thủy sản khai thác được cấp với khối lượng 35.475 tấn. Bộ NN&PTNT có 4 đợt công bố về 61 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguyên liệu thủy sản, ban hành danh sách 70 cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, trước khi đón đoàn thanh tra thứ 3 của EC sang làm việc thì những tồn tại, hạn chế của công tác chống khai thác IUU của Việt Nam vẫn chưa được khắc phục triệt để. Mục tiêu gỡ bỏ thẻ vàng sẽ khó hoàn thành và có thể đối diện với nguy cơ bị cảnh báo thẻ đỏ.

MỚI - NÓNG