Người phụ nữ Sơn La mang bướu giáp khổng lồ suốt 10 năm

Các bác sĩ BV Nội tiết Trung ương thực hiện ca mổ bướu cổ cho bệnh nhân M. Ảnh: BV cung cấp
Các bác sĩ BV Nội tiết Trung ương thực hiện ca mổ bướu cổ cho bệnh nhân M. Ảnh: BV cung cấp
TPO - Ca bệnh bướu cổ 'khủng' vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương phẫu thuật là chị C.T.M (57 tuổi), sinh sống tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Kết quả Chị M. được chẩn đoán basedow – bướu giáp khổng lồ và được chỉ định phẫu thuật.

Ca bệnh bướu cổ 'khủng' vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương phẫu thuật là chị C.T.M (57 tuổi), sinh sống tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La được chẩn đoán mắc basedow 10 năm nay và đang điều trị theo đơn thuốc tại Bệnh viện tỉnh.

Tuy nhiên, trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, chị M. thấy cổ to dần, đặc biệt cổ to nhanh trong khoảng 1 năm nay khiến chị luôn cảm thấy mệt mỏi, nuốt khó, vướng nghẹn, gầy sút cân. Chị C. đã cùng người nhà đi khám và được chẩn đoán bướu cổ và được chuyển viện xuống Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Người phụ nữ Sơn La mang bướu giáp khổng lồ suốt 10 năm ảnh 1 Bệnh nhân M ở Sơn La để khối bướu phát triển quá lớn. Ảnh: BV cung cấp
Tại đây, sau khi chị M. được các bác sỹ thăm khám và tiến hành các chỉ định cận lâm sàng cho kết quả siêu âm kích thước thùy trái và thùy phải đều rất to, kích thước khoảng 128x110x98mm, nhu mô nhiều khối tỷ trọng hỗn hợp, giới hạn khối không đều, có vôi hóa nhỏ, kích thước khối lớn nhất là 100x85mm. Kết quả Chị M. được chẩn đoán basedow – bướu giáp khổng lồ và được chỉ định phẫu thuật. Tiếp nhận và hội chẩn cùng kíp mổ ca bệnh bướu giáp khổng lồ, TS. Đinh Văn Trực, Trưởng khoa Ngoại chung, Bệnh viện Nội tiết Trung ương nhận định: Tại khoa thường xuyên tiếp nhận và tiến hành phẫu thuật cho những ca bệnh có bướu giáp lớn như trường hợp của chị M.
Đối với những trường hợp này việc tiến hành phẫu thuật phải được cân nhắc hết sức cẩn trọng vì sẽ gây khó khăn cho việc đặt nội khí quản trong quá trình gây mê. Đặc biệt khối u có kích thước quá lớn, rất khó bóc tách, các mạch máu trong u nhiều, quá trình bóc rất dễ chảy máu. Bên cạnh đó, xung quanh có các mạch máu lớn, thần kinh, khí quản, thực quản... nên việc bóc tách dễ gây tổn thương và biến chứng.
Người phụ nữ Sơn La mang bướu giáp khổng lồ suốt 10 năm ảnh 2 Bệnh nhân M trước khi đi phẫu thuật. Ảnh: BV cung cấp
Ca phẫu thuật được thực hiện trong hơn 1 giờ đồng hồ, kíp mổ đã tiến hành bóc tách thành công khối u của chị M. mà không làm tổn thương tới các cơ quan lân cận. Bệnh nhân mất máu ít và cũng không gặp biến chứng trong quá trình phẫu thuật. BS.Trực cho biết. Sau phẫu thuật chị M. tỉnh táo, tình trạng sức khỏe ổn định.

Bướu cổ là bệnh lý tuyến giáp phổ biến, gây không ít ảnh hưởng đến sức khỏe tới người mắc. Bướu cổ được chia làm ba nhóm là: bướu cổ lành tính, ung thư và rối lọan chức năng nội tiết tuyến giáp. Trong đó bướu cổ lành tính là hay gặp nhất.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, các trường hợp bướu cổ lành tính hầu như không phải can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên khi bướu quá lớn gây nuốt vướng, nuốt khó, khó thở và lồi ra phía trước gây mất thẩm mỹ hay bướu cổ nghi ngờ ung thư …gây ảnh hưởng nặng nề thì sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bướu.

Phẫu thuật cắt tuyến giáp là phẫu thuật không phức tạp tuy nhiên nếu để muộn, khối u tăng trưởng kích thước lớn hoặc thòng trung thất thì phẫu thuật tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tai biến. Vì vậy các bác sỹ khuyến cáo bệnh nhân có bướu đa nhân, bướu kích thước lớn, hoặc có biểu hiện chèn ép, khàn tiếng… nên thường xuyên tới các cơ sở y tế để tiến hành kiểm tra sức khỏe, khi thấy có các dấu hiệu bất thường sẽ được điều trị phẫu thuật sớm, hạn chế tai biến và biến chứng nguy hiểm.

MỚI - NÓNG