Ứng dụng hỗ trợ tâm lý trực tuyến của sinh viên Bách khoa TPHCM nhận giải thưởng từ Google

Ứng dụng hỗ trợ tâm lý trực tuyến của sinh viên Bách khoa TPHCM nhận giải thưởng từ Google
TPO - Với ứng dụng mô hình nhóm hỗ trợ tâm lý trực tuyến có tên Shareapy, nhóm sinh viên Đại học Bách khoa TPHCM vừa nhận được giải thưởng từ Google.

Ứng dụng Shareapy là sản phẩm do nhóm sinh viên Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) phát triển. Nhóm vừa được Google công bố là 1 trong 10 đội chiến thắng cuộc thi Solution Challenge 2020, diễn ra từ tháng 1/2020 và hết hạn nhận đề tài dự thi ngày 30/4.

Sản phẩm ứng dụng này được sáng tạo bởi nhóm gồm 4 sinh viên: Võ Ngọc Khánh Linh, Trần Lâm Bảo Khang (sinh viên khoa Quản lý công nghiệp), Nguyễn Đăng Huy và Nguyễn Thành Nhân (khoa Khoa học máy tính). Đây là nhóm đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tính đến nay giành chiến thắng ở cuộc thi quy mô toàn cầu này.

Võ Ngọc Khánh Linh cho biết, nhóm bắt đầu thực hiện dự án từ tháng 2, kết thúc hồi cuối tháng 4. Vì tham gia cuộc thi trong thời gian cách ly xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các thành viên làm việc với nhau hoàn toàn thông qua môi trường trực tuyến, bằng công cụ Google Meet và Figma.

Ứng dụng hỗ trợ tâm lý trực tuyến của sinh viên Bách khoa TPHCM nhận giải thưởng từ Google ảnh 1 Chân dung 4 bạn trẻ tài năng vừa nhận được phần thưởng của Google (Ảnh: NVCC)
“Sản phẩm của nhóm xuất phát từ việc mình nhận thấy vấn đề sức khoẻ tinh thần chưa được quan tâm đúng mức trong cộng đồng ở nước ta. Khi đã hoàn thành sản phẩm, nhóm tiến hành thử nghiệm với người dùng. Tụi mình còn phải viết báo cáo dự án, lên kế hoạch và điều phối dự án nữa”, Khánh Linh nói.

Khánh Linh cũng cho hay, vì phát triển một sản phẩm công nghệ có yếu tố chuyên môn y tế nên trong quá trình thực hiện các thành viên gặp một số khó khăn. Nhưng rồi các bạn xoay sở bằng cách nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của các mentor và chuyên gia ngành y tế.

“Sản phẩm là đóng vai trò như một mô hình nhóm hỗ trợ mà các cựu chiến binh Mỹ hay các hội nhóm cai nghiện ở nước ngoài hay sử dụng. Thay vì gặp mặt ở bên ngoài, ứng dụng có thể giúp con người kết nối, chia sẻ cùng nhau. Mặt khác, sản phẩm còn có thể xem là cộng đồng một chiều để người dùng sử dụng như một cuốn nhật ký online”, Khánh Linh mô tả.

Theo kế hoạch, 10 đội chiến thắng sẽ nhận được lời mời đến gặp gỡ, giao lưu với nhân viên của Google tại Sunnyvale, California (Mỹ). Nhưng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kế hoạch bị hoãn lại. Các đội chiến thắng được nhận giấy chứng nhận và quà từ Google.

Solution Challenge là cuộc thi thường niên được tổ chức với mong muốn cùng sinh viên phát triển, tìm ra giải pháp giải quyết các vấn đề của cộng đồng địa phương bằng cách sử dụng một hoặc nhiều sản phẩm hoặc nền tảng của Google.

Mỗi giải pháp sẽ được chấm trên thang điểm 100, dựa trên ba tiêu chí: tác động (50%), công nghệ (40%), khả năng mở rộng (10%).

MỚI - NÓNG