25 năm quan hệ Việt -Mỹ: Từ cựu thù thành bằng hữu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫy cờ của hai nước trong cuộc gặp tại Hà Nội vào tháng 2/2019 Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫy cờ của hai nước trong cuộc gặp tại Hà Nội vào tháng 2/2019 Ảnh: Reuters
TP - Các quan chức ngoại giao của Việt Nam và Mỹ đều nhất trí rằng, 25 năm sau khi bình thường hóa (11/7/1995, theo giờ Mỹ), quan hệ hai nước đã có bước tiến dài và lên đến mức tốt nhất từ trước đến nay. Việt - Mỹ chia sẻ tầm nhìn chung về khu vực và có quyết tâm chính trị để tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương.

Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Lê Văn Bàng, nói rằng, những hoạt động hợp tác nhộn nhịp giữa hai nước hiện nay khiến ông nhớ lại thời kỳ khó khăn khi ông là đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ (1995-2001). Ông nói rằng, lúc đó hai nước vẫn thiếu lòng tin và còn thù địch, các nhóm ở hai nước chưa chấp nhận quan hệ này.

Ông Bàng cho biết, một trong những điều mà ông nhớ nhất là sau gần chục vòng đàm phán, Việt - Mỹ định ký Hiệp định thương mại song phương vào năm 1999 nhưng không được, đến năm 2000 phải đàm phán lại và ký vào tháng 7 năm đó. Nhưng đến năm 2001, Mỹ không muốn đón đoàn Việt Nam sang trao đổi công hàm để đưa hiệp định vào thực tế, vì khi đó Mỹ vừa hứng chịu đợt tấn công khủng bố 11/9. Đại sứ Lê Văn Bàng đã phải rất cố gắng vận động phía Mỹ để đoàn Việt Nam sang được.

Nhớ lại giai đoạn nhiều khó khăn đó, ông Bàng nói ông vui mừng khi quan hệ song phương hiện ở mức tốt nhất xét về mọi phương diện. Những điểm sáng là hai bên duy trì trao đổi cấp cao, trong đó có những trao đổi liên tục giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump. Kim ngạch thương mại đã lên đến gần 78 tỷ USD năm 2019. Khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang học ở Mỹ. Việt Nam kịp thời giúp Mỹ về khẩu trang và các đồ dùng y tế khác khi tình hình COVID-19 diễn biến nghiêm trọng. Mỹ đã lên tiếng kịp thời khi nổi lên những vấn đề ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền của Việt Nam. “Có thể chốt lại một câu là hai nước hiện nay đang có lòng tin niềm chiến lược cao với nhau”, ông Bàng nói.

Khi quan hệ Việt - Mỹ đang diễn ra mạnh mẽ, có những ý kiến cho rằng, hai nước có thể sẽ nâng cấp khuôn khổ quan hệ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược để tăng cường mức độ hợp tác. Trả lời báo chí gần đây, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói rằng, tên gọi của mối quan hệ cũng quan trọng vì nó mang ý nghĩa biểu tượng, nhưng người Mỹ quan tâm hơn đến hoạt động và kết quả hợp tác thực chất. Mỹ quan tâm hơn đến việc xây dựng lòng tin, làm sao để quan hệ kinh tế, thương mại song phương cân bằng, tự do và có đi có lại. Mỹ cũng quan tâm đến hợp tác quốc phòng và các ưu tiên của hai nước trên biển Đông và sông Mekong. “Chúng tôi tin rằng quan hệ Việt - Mỹ đang ở mức tốt nhất và mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Sự hợp tác này sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn nữa, bất kể chúng ta gọi tên mối quan hệ đó là gì”, Đại sứ Mỹ nói.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho rằng, quan hệ Việt - Mỹ có nhiều thuận lợi, trong đó có quyết tâm chính trị và sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai bên đối với việc làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương.

Các sáng kiến mang tầm nhìn chung

Sự tin tưởng và chia sẻ lợi ích chung cũng là lý do Việt Nam được mời tham gia những cuộc thảo luận gần đây do Mỹ dẫn dắt để tìm phương hướng cho giai đoạn khôi phục và phát triển hậu đại dịch COVID-19.

Về những sáng kiến như Mạng lưới thịnh vượng kinh tế hay Mạng lưới điểm xanh, Đại sứ Kritenbrink nói rằng, điều trở nên rõ ràng sau khi COVID-19 xảy ra là nền kinh tế nói chung không nên quá phụ thuộc vào một quốc gia hay một nguồn lực, nếu không sẽ dễ bị tổn thương nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Vì thế, Mỹ tổ chức một số cuộc thảo luận với các đối tác để tìm ra cách phản ứng tốt nhất, xử lý hiệu quả nhất những bài học rút ra từ COVID-19. “Điều chúng ta trải qua trong 6 tháng qua và những năm gần đây là các nước cần làm việc cùng nhau để thúc đẩy các giá trị chung, bao gồm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, nghĩa là các nước hành xử theo luật quốc tế và đối xử với nước khác một cách bình đẳng”, Đại sứ Kritenbrink nói.

Vì thế, một số sáng kiến mà Mỹ thiết kế để làm việc với các nước có chung suy nghĩ là sẽ bảo vệ những lợi ích chung mà các bên cùng quan tâm, đặc biệt là quan tâm về trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Mạng lưới kinh tế thịnh vượng là tầm nhìn của Mỹ về một mạng lưới các nước có chung suy nghĩ, là tập hợp các công ty, các tổ chức xã hội dân sự...hợp tác trong tất cả các ngành nghề như kỹ thuật số, năng lượng, hạ tầng, luân chuyển dòng tiền, giáo dục, nghiên cứu, chuỗi cung ứng, dịch vụ hậu cần... Đại sứ Mỹ giải thích rằng, mạng lưới đó được xây dựng dựa trên những giá trị chung được gọi là tiêu chuẩn đáng tin cậy.

Các quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước Đông Nam Á, có nhu cầu lớn về phát triển hạ tầng. Mỹ cho rằng,điều quan trọng là cơ sở hạ tầng phải mang lại lợi ích cho các nước tiếp nhận và không trở thành gánh nặng để gây suy yếu chủ quyền của những nước đó.Mạng lưới điểm xanh sẽ xác nhận những dự án hạ tầng đạt tiêu chuẩn, thực sự mang lại lợi ích cho nước tiếp nhận. Đó là cách ngăn chặn việc nước nào đó dùng dự án hạ tầng để làm suy yếu chủ quyền của nước khác, Đại sứ Kritenbrink nói.

Hợp tác an ninh quốc phòng mạnh mẽ

Đại sứ Hà Kim Ngọc khẳng định, quan hệ Việt - Mỹ không chỉ có ý nghĩa đối với hai nước mà còn đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và tôn trọng luật lệ tại Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Hai nước đã và đang tích cực phối hợp xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có những vấn đề quan trọng như biển Đông, Mekong, các diễn đàn ASEAN, APEC, Liên Hợp Quốc (LHQ)… Mảng hợp tác này càng thể hiện rõ khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Đại sứ Kritenbrink nhận định,hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ đang phát triển mạnh mẽ và ở mức tốt nhất từ trước đến nay. Ông khẳng định, việc hai quốc gia và hai quân đội hiểu nhau hơn sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, vì những lợi ích chung của hai nước và Mỹ ủng hộ sự đóng góp quan trọng của Việt Nam cho an ninh quốc tế.

Đại sứ Kritenbrink cho biết, từ năm 2012, Mỹ dành hàng trăm triệu USD giúp Việt Nam nâng cao năng lực, trong đó có năng lực bảo đảm an ninh trên biển.“Mỹ tin rằng, các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, cần có năng lực để hiểu rõ điều gì đang diễn ra trên vùng biển của mình, cần năng lực để bảo vệ lợi ích của mình và chủ động đóng góp cho ổn định, an ninh khu vực, khiến chiến tranh ít có nguy cơ xảy ra hơn”, ôngnói.

Về việc 3 tàu sân bay Mỹ cùng đến biển Đông gần đây, Đại sứ Kritenbrink nói điều Washington đang cố gắng làm là thể hiện rằng, lợi ích lâu dài của Mỹ phụ thuộc vào hòa bình và ổn định trên biển Đông.“Chúng tôi tin rằng, ở biển Đông, tất cả các nước đều phải tuân thủ luật quốc tế, đưa ra những yêu sách dựa trên luật quốc tế, hành xử theo luật và các nước dù lớn cũng không được dọa nạt các nước khác".     

Việt Nam và Mỹ vẫn tiếp tục hợp tác xử lý các vấn đề chiến tranh để lại, như tẩy độc ở sân bay Biên Hòa, tháo gỡ vật liệu chưa nổ ở miền Trung, và điều trị cho những người khuyết tật do chiến tranh. Đại sứ Kritenbrink thông báo, hai bên đã tìm được 773  bộ hài cốt của quân nhân Mỹ. Phía Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Điều này sẽ giúp xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.