Bãi Nam Sơn thông xe, nỗi lo khủng hoảng rác còn đó

Rác chất đầy tại các quận nội đô khi bãi rác Nam Sơn bị chặn
Rác chất đầy tại các quận nội đô khi bãi rác Nam Sơn bị chặn
TP - Chiều 17/7, sau cam kết của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, người dân dỡ lều bạt, dời điểm chốt chặn trước lối vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn). Tuy nhiên, nỗi lo khủng hoảng rác thải vẫn hiện hữu.

Gần 14h ngày 17/7, người dân 2 xã Hồng Kỳ và Nam Sơn, huyện Sóc Sơn bắt đầu dỡ lều bạt, dời điểm chốt chặn trước lối vào bãi rác Nam Sơn. Đại diện Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, ngay sau khi người dân dỡ lều bạt, xe chở rác của Cty tiếp tục vận chuyển rác đến bãi rác. Dự kiến, đơn vị sẽ tăng ca, tăng xe để chuyển hết chỗ rác tồn đọng tại các điểm trung chuyển trong 2-3 ngày tới.

Sáng 17/7, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội có buổi đối thoại và cam kết đền bù cho người dân các xã sống cạnh bãi rác. Đây là lần thứ 7 bãi rác Nam Sơn bị chặn. Lần đầu tiên người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn do không đồng tình với phương án phí bồi thường ô nhiễm môi trường cho các hộ dân sống gần bãi rác ngày 26/6/2016.

Cách đây đúng một năm, tháng 7/2019, người dân quanh bãi rác Nam Sơn cũng chặn đường khiến cả Hà Nội chìm trong rác suốt một tuần. Một năm sau, những vấn đề liên quan rác thải vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Sự phản đối, bức xúc không còn tập trung vào người dân quanh khu vực bãi rác Nam Sơn mà còn lan sang các quận, huyện bị ảnh hưởng.

Phóng viên ghi nhận, nhiều người dân tại phố Phúc Diễn (gần bãi trung chuyển rác Cầu Diễn) đã bắc ghế ra giữa đường chặn xe chở rác với lý do xe chở rác về đây quá nhiều, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. Một lãnh đạo Urenco 7 (chi nhánh Cầu Diễn, Cty Môi trường đô thị Hà Nội) xác nhận, xe chở rác phải xếp hàng dài chờ 3 tiếng trên phố Trần Hữu Dực do người dân chặn xe, không cho vào bãi tạm Cầu Diễn.

Ở bãi đất trống tại lô đất quy hoạch Trung tâm Thông tin quốc gia về tội phạm của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm), cư dân chung cư Hateco Apollo Xuân Phương bắt quả tang xe tải 29C-741.49 của Cty Cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân đổ, tập kết rác thải sinh hoạt chưa phân loại tại đây.

Ông Hùng (cư dân Hateco) nói rằng, cư dân nơi đây nhất quyết phản đối việc lấy sức khỏe của 1.400 hộ dân, hàng nghìn đứa trẻ ra để làm “bia đỡ đạn”, hứng chịu mùi rác thải. “Dù được phép tập kết tạm hay không nhưng chỉ vì không giải quyết được vấn đề ở bãi rác Nam Sơn lại khiến cho người dân các quận hứng chịu là không thể chấp nhận được”, ông Hùng nói.

Chưa nhà máy xử lý rác nào hoàn thành

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ năm 2017, thành phố Hà Nội đã kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại, tiêu chuẩn châu Âu (đốt hoặc khí hóa), có thu hồi năng lượng để phát điện, từ đó giảm tỷ lệ sử dụng phương pháp chôn lấp. Thành phố dành cho các nhà đầu tư ưu đãi về thuế, đất đai, hỗ trợ giá mua điện… Các dự án mới phải hội tụ tiêu chí chiếm ít đất, công nghệ hiện đại để tránh đi vào “vết xe đổ” của các dự án đốt rác như tại nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây, Xuân Sơn (Sơn Tây), Phương Đình (Đan Phượng)… Các dự án đều xuống cấp, hỏng hóc do lựa chọn công nghệ chưa phù hợp.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, năm 2017 và 2018, thành phố kêu gọi đầu tư được 3 dự án đốt rác phát điện, trong đó có dự án điện rác tại bãi rác Nam Sơn với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng từ vốn nước ngoài, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2020. Dự án do Cty Cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý là chủ đầu tư, tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện. Dự kiến đi vào hoạt động thử vào tháng 7/2020 nhưng bị chậm trong quá trình thực hiện thủ tục. Việc ký hợp đồng rác chậm dẫn đến các thủ tục về quy hoạch điện chậm theo, sau đó là thủ tục nhập thiết bị vướng vào đại dịch COVID-19…

Dự án Xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn do Tập đoàn T&T và đối tác Nhật Bản (tập đoàn Hitachi Zosen) đầu tư. Dự án Khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng do Cty TNHH Indovin Power là chủ đầu tư. Cả 2 dự án được đặt ở Khu xử lý rác thải Xuân Sơn và đều chưa triển khai. “Một dự án thì đối tác Nhật Bản nắm công nghệ đã rút lui, nên phải làm lại thủ tục báo cáo lại thành phố. Dự án còn lại thì chưa triển khai gì, chúng tôi đang liên hệ gặp gỡ để tìm hiểu, đề xuất thu hồi dự án”, lãnh đạo Sở KH&ĐT cho hay.

Giao thanh tra giám sát việc đền bù

Ngày 17/7, tại hội nghị đối thoại với người dân vùng ảnh hưởng bởi bãi rác, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, việc chậm đền bù đất nông nghiệp có trách nhiệm chủ yếu của huyện. Việc kiểm đếm các trường hợp thuộc diện đền bù đã được huyện thực hiện xong, nhưng việc lên phương án cần thời gian. “Có một số vị trí khó xác định thời điểm hình thành công trình khiến tiến độ đền bù cho bà con bị chậm”, ông Minh nói.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðào Ðức Toàn nhìn nhận, để xảy ra việc chặn xe chở rác có trách nhiệm của nhiều phía, trong đó có chính quyền địa phương và cả người dân. Ðề nghị các bên cùng chia sẻ, chung tay tháo gỡ. “Thành phố giao thanh tra tiếp tục giám sát việc thực hiện của huyện. Ai không làm được, làm sai thì thanh tra phải tuýt còi. Nếu cán bộ không đủ năng lực để giải quyết thì phải thay thế”, ông Toàn nói. 

Bãi Nam Sơn thông xe, nỗi lo khủng hoảng rác còn đó ảnh 1

Việc đổ rác vào bãi đất trống gần khu dân cư khiến người dân Phương Canh (Nam Từ Liêm) bức xúc

Nước rỉ rác dâng cao, bốc mùi

Sáng 17/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau Kỳ họp 15, HÐND thành phố. Cử tri Ðào Tuyết Thanh (phường Hàng Trống) nêu vấn đề rác thải ùn ứ những ngày qua ở nhiều đường phố tại các quận nội thành Hà Nội. Ông Chung cho biết, trong mấy năm qua, có những vướng mắc căn cơ và đã được thành phố giải quyết dần. Trước đây, quy định hạn mức được bồi thường là 1.000 m2 nhưng việc thực hiện như vậy là sai và hiện nay, quy định là chỉ bồi thường tối đa 400 m2 đất ở, còn lại diện tích trên 400 m2 chỉ được hỗ trợ. Do đó, các hộ có diện tích đất trên 400m2 hiện có mức hỗ trợ thấp hơn nên người dân thắc mắc và thành phố đang nỗ lực đối thoại để xử lý.

Một vấn đề khác là bãi rác hình thành từ 1997, công nghệ chôn lấp cũ, phát sinh nước rỉ rác. Tại khu vực bãi rác Nam Sơn đã có 3 hồ chứa nước rỉ rác. Thành phố đã kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý nước thải. “Từ năm 2019 trở về trước, thành phố đều lên kế hoạch đặt hàng thu gom xử lý nhưng theo Nghị định 32 của Chính phủ, việc này phải đấu thầu. Hiện nay, chúng tôi đã có đề nghị với Chính phủ sửa việc này cho thực tiễn hơn. Trong quá trình đó, lượng nước rỉ rác này còn 150.000 m3 có dâng cao lên, cộng với thời tiết nắng nóng, bốc mùi hôi thối dẫn đến việc người dân kéo ra ngăn chặn xe rác”, ông Chung nói.

Trường Phong
MỚI - NÓNG