Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Coi ca nghi mắc COVID-19 ở Đà Nẵng có khả năng lây nhiễm cao

TPO - Chiều ngày 24/7, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Ngay sau khi Bộ Y tế nhận thông tin về trường hợp nghi nhiễm ở Đà Nẵng, chúng tôi coi đây là trường hợp có khả năng lây nhiễm cao. Do đó, Ban chỉ đạo đã triển khai tất cả các biện pháp cần thiết về phòng chống dịch bấy lâu nay đã áp dụng với các địa phương”.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã bàn thảo các nội dung: Đón công dân Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch về nước; kiểm soát cửa khẩu, đường biên giới, đường mòn, lối mở; triển khai công tác phòng chống dịch tại Đà Nẵng,...

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Coi ca nghi mắc COVID-19 ở Đà Nẵng có khả năng lây nhiễm cao ảnh 1  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp chiều ngày 24/7

Liên quan đến ca nghi mắc COVID-19 tại Đà Nẵng, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là cơ sở xét nghiệm COVID-19 hàng đầu Việt Nam - nơi khẳng định kết quả cuối cùng, hỗ trợ các địa phương xét nghiệm những mẫu xét nghiệm khó. 8 giờ 30 phút sáng nay (24/7), Viện đã nhận được mẫu bệnh phẩm từ Đà Nẵng gửi ra để xét nghiệm thẩm định. Đến 12 giờ trưa nay đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn là bệnh nhân có bị nhiễm COVID-19 hay không. Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư sẽ làm trong đêm nay, dự kiến đến sáng mai (25/7) sẽ có kết quả chính thức.  

GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin, Ban chỉ đạo đã yêu cầu TP Đà Nẵng và thành phố này đã tiến hành lập danh sách toàn bộ những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Tổng cộng có 102 trường hợp tiếp xúc gần và rất gần (như người thân trong gia đình).

“Bệnh viện C Đà Nẵng cũng tiến hành phong toả toàn bộ bởi đây là nơi bệnh nhân đã khám và điều trị. Ngay chiều nay, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác dày dặn kinh nghiệm nhất do GS.TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - làm trưởng đoàn. Đây là người trực tiếp chỉ huy việc cách ly tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội), hay Bình Thuận”, ông Long thông tin.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Coi ca nghi mắc COVID-19 ở Đà Nẵng có khả năng lây nhiễm cao ảnh 2 Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Bộ Y tế đã chuyển bệnh nhân từ Bệnh viện C Đà Nẵng sang Bệnh viện Đà Nẵng, tiến hành hội chẩn liên viện trong điều trị bệnh nhân. “Đây là bệnh nhân viêm phổi cấp tính, có dấu hiệu rất nặng, diễn biến rất nhanh. Tất cả chuyên gia của Bộ Y tế trưa nay đã hội chẩn trực tuyến đưa ra phác đồ tối ưu nhất” – GS.TS Nguyễn Thanh Long cho hay. Bộ Y tế cũng cử kíp cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) ra Đà Nẵng để hỗ trợ điều trị bệnh nhân này; Cử lãnh đạo Bộ y tế trực tiếp vào chỉ đạo điều trị tại TP Đà Nẵng.

Báo cáo về công tác bảo hộ công dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, tính đến thời điểm này chúng ta đã tổ chức khoảng 60 chuyến bay, đưa khoảng 15.000 công dân Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài về nước (một số địa bàn dương tính nhiều như: Nga, UAE,…). Dự kiến thời gian tới sẽ đưa người từ Guinea xích đạo về nước, chuyến bay này dự kiến có khoảng 130 người mắc bệnh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang xây dựng kế hoạch tiếp tục đưa công dân về nước.

Sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và thành phố Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chúng ta đã xác định cuộc chiến chống dịch còn rất dài. Bởi dịch thực sự chỉ hết khi nào thế giới có vắc-xin và thuốc đặc trị. Do đó, tinh thần của chúng ta là luôn luôn sẵn sàng bất kỳ lúc nào cũng có thể xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng.

“Chúng ta vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt, có kế hoạch đón người Việt Nam về phù hợp với khả năng điều trị, kiểm soát dịch bệnh trong nước. Đặc biệt là ngay khi phát hiện ra các chỗ “rò rỉ” thì phải lập tức bịt lại, xử lý gọn ngay từ đầu. Không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cho dù quả xét nghiệm có âm tính hay dương tính thì chúng ta vẫn phải tiếp tục triển khai các biện pháp giống như ca bệnh đã bị dương tính để xử lý...

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.