GS Bùi Văn Ga: Nên có hai phương án cho địa phương có dịch

GS Bùi Văn Ga
GS Bùi Văn Ga
TP - Theo GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ÐT, đối với những địa phương thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội do dịch COVID-19 nên có 2 phương án thi tốt nghiệp THPT trong thời gian tới.

GS Bùi Văn Ga cho biết, trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT luôn yêu cầu ban chỉ đạo thi các tỉnh có phương án sẵn sàng ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, trong đó có phương án ứng phó với dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Vì thế, hiện nay các địa phương đều đã có phương án dự phòng để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn.

Tuy nhiên, đối với các địa phương đến ngày thi vẫn đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ như ở Đà Nẵng, GS Bùi Văn Ga khẳng định không thể tổ chức thi được vì không thể thực hiện đầy đủ các qui định của qui chế thi trong lúc phải đảm bảo các qui định về phòng chống dịch.

“Theo tôi, tình hình dịch bệnh như hiện nay không thể thay đổi nhanh được trong những ngày tới, vì vậy Chính phủ nên cho phép Đà Nẵng và các địa phương đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng hoãn tổ chức thi theo kế hoạch”, nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.

Những địa phương không có dịch, không phải thực hiện cách ly xã hội theo qui định vẫn tổ chức thi bình thường theo kế hoạch nhưng cần triệt để tuân thủ các chỉ đạo mới đây của Bộ GD&ĐT cũng như của ngành Y tế về đảm bảo an toàn và phòng chống dịch. Với tình hình hiện nay, GS Bùi Văn Ga cho rằng thí sinh của phần lớn các tỉnh thành phố có thể dự thi tốt nghiệp THPT và tham gia xét tuyển vào các trường ĐH theo kế hoạch.

Theo GS Bùi Văn Ga, đối với những thí sinh thuộc vùng đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng không thi trong đợt này, Bộ GD&ĐT có thể tổ chức cho thí sinh thi trong thời gian thích hợp nếu dịch bệnh qua nhanh. Tuy nhiên, nguyên thứ trưởng Bộ GD& ĐT cũng đưa ra phương án trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, Bộ GD&ĐT có thể xem xét áp dụng xét tốt nghiệp đặc cách cho những thí sinh này như là thí sinh gặp sự cố bất khả kháng đã qui định trong qui chế để thí sinh có đủ điều kiện tham gia xét tuyển vào ĐH.

“Đối với các trường ĐH, theo tôi, Bộ GD&ĐT nên có chỉ đạo về việc xét tuyển những thí sinh ở các địa phương không may rơi vào vùng dịch đợt này để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, đặc biệt đối với những ngành mà trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT”, GS Bùi Văn Ga nêu quan điểm.

Bộ GD&ÐTđề xuất thi tốt nghiệp THPT 2 đợt

Chiều 2/8, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ đề xuất chia kỳ thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt.

  Cụ thể, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề xuất đối với địa phương không có nguy cơ cao về dịch thì vẫn thi theo kế hoạch vào ngày 9 và 10/8; Các địa phương có nguy cơ cao như: Đà Nẵng, Quảng Nam… sẽ tổ chức thi vào đợt 2 sau đó. Trước đó, 2 địa phương này đề nghị xin lùi kỳ thi, hoặc dừng thi và xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho thí sinh. “Khi chia kỳ thi thành 2 đợt, Bộ GD&ĐT vẫn  chỉ đạo các trường ĐH xét tuyển đảm bảo lợi ích tối đa cho thí sinh. Những thí sinh thi tốt nghiệp đợt sau vẫn được xét tuyển vào các trường như đợt 1”, ông Nhạ nói.

Theo Bộ trưởng Nhạ, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã hoàn tất, đề thi đã gửi về các địa phương in sao. Mục tiêu của Bộ là tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn tuyệt đối không chỉ về chuyên môn mà còn cả về sức khỏe cho thí sinh, giáo viên và các lực lượng tham gia kỳ thi. Bộ GD&ĐT đã họp với các địa phương và hầu hết đã đồng ý với phương án thi chung, chỉ có 2 địa phương đề xuất dừng hoặc lùi kỳ thi.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đồng tình với đề xuất của Bộ GD&ĐT là nên tổ chức kỳ thi theo kế hoạch. Theo ông Chung, Hà Nội đã chuẩn bị tất cả mọi phần việc, tình hình này có thể tổ chức thi bình thường nhưng sẽ làm tốt việc phòng chống dịch như: đo thân nhiệt, sát khuẩn phòng thi, xịt khử khuẩn tay thí sinh trước khi vào phòng thi…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Dương Anh Đức cho biết, nếu thí sinh F1 bị cách ly tập trung mà vẫn đi thi sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, đề nghị xem xét những thí sinh thuộc diện này được đặc cách xét tốt nghiệp trong kỳ thi từ 8 đến 10/8.

Về giải pháp an toàn cho kỳ thi, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID -19, các chuyên gia giáo dục và thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, công bằng. Dù có dịch hay không, vẫn phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, bởi đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của thí sinh. Trước ý kiến cho rằng, các thí sinh thi vào đợt sau được lợi là có thời gian ôn thi nhiều hơn, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng cần coi đây là sự nhân ái của xã hội để chia sẻ với các thí sinh không may mắn ở trong vùng dịch,…

Phụ huynh, thí sinh muốn tổ chức thi

Sau khi Đà Nẵng, Quảng Nam đề xuất phương án dừng, lùi kỳ thi tại địa phương, đã xuất hiện một ý kiến cho rằng, nên dừng kỳ thi này trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, không ít thí sinh, phụ huynh ở các địa phương khác cho rằng, vẫn nên tổ chức thi, vì chỉ có tổ chức kỳ thi mới đánh giá công bằng, khách quan để làm căn cứ xét tuyển đại học. Nếu không thi, sắp tới, các trường ĐH lại tổ chức thi tuyển, sử dụng bài đánh giá năng lực để tuyển sinh, thí sinh sẽ phải bước vào cuộc đua khác kéo dài thời gian, mỏi mệt thêm.

Trần Ly Hà My, học sinh lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh chia sẻ, rất mong được tham gia kỳ thi này để công sức học, ôn tập 12 năm không “đổ sông đổ biển”. Nếu không thi, học sinh sẽ hoang mang hơn vì không biết các trường ĐH đưa ra phương án tuyển sinh ra sao.

Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng là phụ huynh có con dự kỳ thi năm nay cho biết, cả con và phụ huynh mong muốn được thi. “Năm nay dù dịch bệnh, các thầy cô, học sinh đều đã nỗ lực để học trực tuyến, tự học trang bị kiến thức, sẵn sàng tâm lý cho kỳ thi đặc biệt. Học sinh vào phòng thi đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng dịch khác, chưa kể các em vào phòng thi làm bài trong im lặng, thí sinh F1, F2 đã được cách ly nên không có nhiều nguy cơ lây bệnh như mọi người vẫn lo ngại”, bà Hồng nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Hữu Ðộ cho biết, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường đảm bảo vệ sinh dịch tễ tại các điểm thi, phân loại thí sinh theo 4 nhóm. Kết quả rà soát đến thời điểm này cho thấy thí sinh thuộc diện F1, F2 rất ít (chủ yếu ở Ðà Nẵng).

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.