Những điểm mới trong chẩn đoán, điều trị COVID-19 đang bùng phát

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Đà Nẵng Ảnh: Nguyễn Thành
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Đà Nẵng Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Bộ Y tế vừa công bố hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới nhất. Đây là bản cập nhật, sửa đổi lần thứ 4 từ khi Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên. 

Trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế lưu ý ngoài xâm nhập vào đường hô hấp, virus có thể tấn công tất cả cơ quan nội tạng cơ thể, đường hô hấp, nhiều lúc gặp bệnh cảnh như nhiễm trùng huyết nhưng bệnh cảnh nặng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, cơn bão Cytokine (hội chứng viêm toàn thân cấp tính) cũng làm bệnh cảnh nặng lên. Đây là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân xâm nhập như virus gây bệnh và dẫn đến phản ứng viêm toàn hệ thống. Cơn bão Cytokine từng khiến bệnh nhân 91 - phi công người Anh suy kiệt.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, một điểm cập nhật là khi nghi ngờ mắc COVID-19, người dân sẽ được xét nghiệm ngay để tránh trường hợp bỏ sót thành nguồn lây nhiễm. Cụ thể, những trường hợp có sốt, ho và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính (không lý giải được bằng các nguyên nhân khác, kể cả những trường hợp được xác định, không cần yếu tố dịch tễ (đi từ vùng có dịch, tiếp xúc với ca bệnh hoặc ca nghi ngờ) sẽ đều được lấy mẫu xét nghiệm.

Riêng với trẻ em, trong phác đồ mới, Bộ Y tế lưu ý các bác sĩ về tình trạng tổn thương viêm đa cơ quan tương tự bệnh Kawasaki, với các biểu hiện sốt, ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, suy tuần hoàn, tổn thương tim, rối loạn đông máu… Dù thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song trong lần cập nhật thứ 4, Việt Nam cho thấy tính hiệu quả của một số thuốc kháng virus như Lopinavir, Ritonavir, Interferon sẵn có trong nước (hết virus sau 7 ngày), Remdesivir (Mỹ)... Riêng Chloroquine, Hydroxychloroquine, Việt Nam ngừng sử dụng hoàn toàn. Thay vào đó, sẽ sử dụng thêm huyết tương của người đã khỏi bệnh.

Với tiêu chuẩn ra viện, thay vì xét nghiệm 2 lần, phác đồ mới phải làm 3 lần. Ông Kính lưu ý các cơ sở y tế nên xét nghiệm mỗi lần cách nhau 24 giờ, sau đó cho bệnh nhân về nhà theo dõi tiếp tại cộng đồng 14 ngày, tự cách ly tại nhà, khi có bất cứ dấu hiệu nào thì đến cơ sở y tế gần nhất. Trong phác đồ mới, ngay khi phát hiện những ca nghi ngờ, không xác định được nguyên nhân, cơ sở y tế cần lập tức xét nghiệm Realtime RT-PCR, tránh bỏ sót.

Hội chẩn quốc gia 39 ca tiên lượng nặng, nguy kịch

Đến tối 4/8, trong số các bệnh nhân nguy kịch, có 4 người phải dùng ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo). Trước khi xảy ra đợt dịch ở Đà Nẵng, cả nước chỉ có 2 ca bệnh phải dùng ECMO.

Chiều 4/8, tại Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19, Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) hội chẩn thứ 7 về tình hình điều trị các bệnh nhân nặng. Bệnh viện T.Ư Huế cơ sở 2 cho biết, Bộ Y tế đã cử nhóm hỗ trợ bao gồm 10 chuyên gia đến bệnh viện, trong đó có PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Hiện bệnh viện này có 6 bệnh nhân đang trong tình trạng rất nặng, có nguy cơ tử vong và 23 bệnh nhân nặng (trong đó có 5 bệnh nhân chuyển đến từ Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam, 18 bệnh nhân được chuyển đến từ các bệnh viện Đà Nẵng). Theo ông Hiếu, qua thăm khám các bệnh nhân đang điều trị, một số người có biến chứng rối loạn đông máu nặng, tiến triển nặng, nguy cơ tử vong cao.

Chiều 4/8, Bệnh viện Đà Nẵng chuyển 3 ca đang chạy thận nhân tạo đến Bệnh viện Hòa Vang; dự kiến sáng nay chuyển 4 bệnh nhân nặng đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi Đà Nẵng. Bệnh viện Đà Nẵng đang điều trị 5 bệnh nhân COVID-19 rất nặng, trong đó 2 người đang sử dụng ECMO. Các bệnh nhân này tiến triển nặng nhanh, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Theo báo cáo của Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam, bệnh viện này đang điều trị 26 bệnh nhân COVID-19, trong đó 3 người có tiến triển nặng lên. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, trong số công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước đã xét nghiệm và phát hiện 21 người mắc COVID-19. Hiện có 18 trong số 20 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính lần 1, chỉ còn 2 bệnh nhân vẫn còn dương tính; phát hiện 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong số 15 trường hợp nghi ngờ. Trong số bệnh nhân đồng nhiễm sốt rét, 7 người đã hết sốt và xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét cho kết quả âm tính.

Tiểu ban điều trị cho biết, đến ngày 4/8, còn 284 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại 27 cơ sở y tế trong cả nước, trong đó 24 người tiên lượng nặng, 4 bệnh nhân nặng đang phải thở oxy, 11 bệnh nhân nguy kịch, nguy cơ tử vong rất cao.

Thêm 28 ca mắc, 2 ca tử vong

Ngày 4/8, Bộ Y tế cho biết, có thêm 28 trường hợp mắc COVID-19, gồm 23 ca ở Đà Nẵng, 1 ca là bác sĩ khoa Ung bướu Bệnh viện Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai), có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng và 1 ca về từ Guinea Xích đạo sau xét nghiệm lần 2 và 3 ca tại Quảng Nam. 
Trong ngày có thêm 2 ca tử vong là bệnh nhân 426 và 496 đều quê ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ca bệnh 426 (nữ, 62 tuổi) bị suy thận mạn tính 10 năm, điều trị tại khoa Nội thận Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh nhân 496 (nam, 65 tuổi) có tiền sử suy thận mạn tính giai đoạn cuối, thận nhân tạo chu kỳ, nhiễm khuẩn huyết. 

MỚI - NÓNG