Thi tốt nghiệp THPT 2020: Kỳ thi hai nỗi lo

Giảng viên trường ĐH Hà Nội nhận nhiệm vụ làm công tác kiểm tra thi tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh Bùi Toàn
Giảng viên trường ĐH Hà Nội nhận nhiệm vụ làm công tác kiểm tra thi tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh Bùi Toàn
TP - Bộ GD&ĐT huy động hơn 7.000 cán bộ, giảng viên các trường đại học làm công tác kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Năm nay, với các địa phương miền núi, kỳ thi diễn ra trong nỗi lo kép: thiên tai và dịch COVID-19.

Trường ĐH Y Hà Nội năm nay được Bộ GD&ĐT phân công kiểm tra, giám sát tại tỉnh Điện Biên. GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng cho biết do đường xa nên đoàn cán bộ, giảng viên đã di chuyển lên Điện Biên từ ngày 6/8.

Trường có 31 cán bộ tham gia công tác thi đợt này. Theo GS Văn, ngoài nhiệm vụ được giao, đoàn cán bộ của trường còn làm công tác từ thiện, giúp đỡ các trường khó khăn của tỉnh Điện Biên. “Qua những lần đi “dò đường”, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các thầy cô ở điểm trường, các giảng viên của trường đã cùng nhau quyên góp, giúp đỡ những vật dụng mà học sinh rất cần như mũ, giày dép”, GS Tạ Thành Văn nói.

Năm nay, kỳ thi diễn ra vào đúng dịp COVID-19 bùng phát trở lại, trường ĐH Y Hà Nội không chỉ phân công nhân lực tham gia kỳ thi mà còn chia lửa với miền Trung. GS Văn cho hay, mới đây, trường đã cử 1 ê-kíp xét nghiệm hoàn chỉnh vào hỗ trợ Đà Nẵng, 1 đoàn bác sĩ hồi sức cấp cứu vào hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, phó hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải cho biết 20 cán bộ, giảng viên của trường nhận nhiệm vụ kiểm tra giám sát tại 7 điểm thi của tỉnh Bắc Kạn. Điểm thi xa nhất là tại huyện Na Rì. Theo PGS Chương, năm nay, các trường làm công tác thi tại các địa phương miền núi vừa lo bão lũ, thời tiết cực đoan, vừa lo chống dịch. Tại Bắc Kạn, những thí sinh ở xa điểm thi đều được yêu cầu về trọ gần, hạn chế di chuyển. 

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay nhận nhiệm vụ làm thi tại tỉnh Sơn La. Đoàn cán bộ của trường cũng di chuyển lên tỉnh Sơn La từ ngày 6/8. Tuy nhiên, có những điểm thi quá xa nên một số cán bộ giảng viên phải nghỉ lại tại thành phố, sáng 7/8 mới di chuyển tiếp.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết trường vừa nhận được quyết định điều chỉnh phân công tham gia đoàn kiểm tra công tác coi thi kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT chuyển từ Đắk Lắk sang Gia Lai. “Hai trường được phân công phụ trách địa bàn Đắk Lắk đều chuyển sang Gia Lai, gồm trường chúng tôi và Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TPHCM với gần 120 người. Tất cả cán bộ tham gia đoàn kiểm tra đều phải thi online kiến thức về thanh tra thi và phải đạt yêu cầu” - ông Dũng cho hay.

Cũng theo ông Dũng, do thay đổi địa bàn phụ trách nên hai trường phần nào gặp khó khăn, nhiều người đã đặt vé máy bay đi Đắk Lắk nhưng giờ chót chuyển sang Gia Lai nên mất tiền vé. Trong khi vé máy bay tuyến TPHCM - Gia Lai rất ít nên đa số chuyển sang đi xe, bắt đầu lên đường từ trưa 6/8. Một khó khăn nữa là địa bàn Gia Lai khá rộng, phải di chuyển rất xa, nhiều điểm sát biên giới. Nhà trường hỗ trợ mỗi cán bộ tham gia chuyến công tác này 700.000 đồng chích ngừa vắc-xin bạch hầu và 900.000 đồng tiền xe.

Vừa coi thi, vừa phòng dịch

Trường ĐH Văn Hiến và Trường ĐH Sài Gòn được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ thanh, kiểm tra công tác thi tại tỉnh Đồng Tháp. Ngay từ 4h30 sáng 7/8, cán bộ cả hai trường lên đường đi Đồng Tháp. Trường ĐH Văn Hiến có 30 cán bộ, giảng viên tham gia kỳ thi này. ĐH Sài Gòn cho biết, tất cả cán bộ đi làm nhiệm vụ thi đều đã được tập huấn, trang bị các vật dụng phục vụ kỳ thi cũng như đảm bảo an toàn chống dịch.

Sáng cùng ngày, hơn 40 cán bộ giảng viên Trường ĐH Luật TPHCM cũng lên đường đến Sóc Trăng làm nhiệm vụ. Theo PGS. TS Trần Hoàng Hải - Phó hiệu trưởng, đây là các cán bộ đã trải qua công tác sàng lọc, rà soát, đảm bảo đủ sức khỏe, năng lực phục vụ kỳ thi. “Ngoài việc trang bị nước rửa tay sát khuẩn và 10 khẩu trang/người, trường bố trí xe giường nằm có giãn cách 20 người/xe 45 chỗ. Trường cũng bố trí mỗi cán bộ giảng viên ở riêng từng phòng thay vì 2 người/phòng như các năm trước”, ông Hải nói.

Tối 6/8, 37 cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM lên đường làm nhiệm vụ tại Gia Lai đi bằng máy bay. Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng cho biết, ngoài các biện pháp sàng lọc người từ vùng dịch về, nhà trường còn thực hiện chích ngừa vắc xin bạch hầu cho toàn bộ những người tham gia làm nhiệm vụ để chủ động phòng tránh bệnh bạch hầu. ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng đã chích ngừa vắc xin bạch hầu cho 85 cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ thi THPT tại hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai, do hai địa phương này đang có dịch bạch hầu.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.