Biểu tượng nhỏ kể về Việt Nam to

Một phần trong chuỗi emoji thể hiện 54 dân tộc VN
Một phần trong chuỗi emoji thể hiện 54 dân tộc VN
TP - Tranh thủ thời gian 4 tháng mắc kẹt dịch Covid tại Singapore, Nguyễn Minh Ngọc đã hoàn thành phần 1 dự án cá nhân “Nhỏ to Việt Nam”. 54 dân tộc anh em VN với sắc phục tiêu biểu khắc họa bằng emoji (ngôn ngữ biểu tượng) được cộng đồng mạng nhiệt tình đón nhận.  

Nhỏ to Việt Nam sử dụng những emoji “nhỏ” để nói về một Việt Nam “to” với bề dày lịch sử và đa dạng văn hóa. Đấy là nguồn gốc tạo nên tên của dự án. Nhỏ to còn có một ý tứ phụ nữa, nó giống như tác giả và người xem đang cùng thầm thì trò chuyện, trao đổi với nhau về những chuyện liên quan đến văn hóa Việt Nam, Minh Ngọc lý giải.

Mới đây trên trang cá nhân, họa sĩ thiết kế đồ họa Nguyễn Minh Ngọc đã trình làng chuỗi emoji thể hiện 54 dân tộc Việt Nam (VN). Mỗi dân tộc là một cặp emoji nam-nữ với trang phục đặc thù. Tác giả ngỏ lời nhờ bạn bè từ mọi miền Tổ quốc xem và đóng góp ý kiến chỉnh sửa để thông tin về trang phục (cũng như tên gọi) của từng dân tộc có độ chính xác nhất có thể.

Mong muốn dân tộc anh em hiểu về nhau

Kể về động lực sáng tạo “emoji made in Việt Nam” đầu tiên. Minh Ngọc chia sẻ: “Mình sử dụng điện thoại và instagram nhiều, thấy mọi người đặc biệt là giới trẻ sử dụng emoji như ngôn ngữ tượng hình của thời đại mới. Nhưng khi mình muốn nói về Việt Nam thì lại thiếu từ vựng”. Danh sách emoji hiện tại chỉ có duy nhất lá cờ VN là liên quan đến nước ta. Họa sĩ thiết kế 9X mong muốn tạo thêm dấu ấn Việt Nam trong kho tàng ngôn ngữ emoji toàn cầu. Thông qua emoji, anh muốn giới thiệu văn hóa Việt Nam đến cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế.

Biểu tượng nhỏ kể về Việt Nam to ảnh 1 Thông qua emoji, Nguyễn Minh Ngọc muốn giới thiệu văn hóa Việt Nam đến cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế

Tác giả coi dự án “Nhỏ to Việt Nam” như một cơ hội để tìm hiểu thông tin, trước hết là cho bản thân rồi mới đến phổ biến các thông tin đó cho mọi người. Công việc này giống như thử thách cho sự kiên trì, tính ổn định và quyết tâm đi đến cùng một dự án. Bốn tháng qua, làm công việc của nhà nghiên cứu sưu tầm, tự làm mọi thứ một mình là dịp để Ngọc rèn luyện bản thân. Sắp tới Ngọc sẽ hợp tác với những bạn khác để dự án có thể nâng tầm về hình ảnh, độ phủ cũng như độ chính xác và thú vị của thông tin.

Trong quá trình nghiên cứu trang phục truyền thống các dân tộc miền núi, Minh Ngọc từng phàn nàn về sự “Kinh hóa trang phục”. “Cái khiến mình ngao ngán là rất nhiều cửa hàng trang phục dân tộc bán ra những trang phục làm từ vải chất lượng rất thấp, phom dáng, chi tiết chắp vá vô cùng cẩu thả”. 

Trong quá trình làm dự án, Ngọc bị ấn tượng đặc biệt bởi vẻ đẹp của trang phục dân tộc Pà Thẻn, Lô Lô (nhóm Hoa) và Cor. Về tập tục có lễ hội nhảy lửa kỳ bí của người Pà Thẻn ở Hà Giang và tục “cướp giọng gà” đón năm mới của người Pu Péo ở Đồng Văn.

Dân tộc bí ẩn nhất với tác giả emoji đầu tiên của Việt Nam có lẽ là dân tộc Chứt (Rục). Đến những năm 50 của thế kỷ trước, họ vẫn sống trong những hang đá ở Quảng Bình. Họ không có trang phục truyền thống chính vì thế mà trong emoji tác giả để người Rục mặc áo thun (nam có cổ, nữ cổ tròn) như thực tế hiện tại – họ ăn mặc giống người Kinh.

Ở phần 2, 3… nối tiếp “Nhỏ to Việt Nam”, Minh Ngọc dự định tiếp tục khai thác và sáng tạo thêm các emoji về ẩm thực, trang phục của các ngành nghề đặc trưng ở Việt Nam, danh lam thắng cảnh, nhạc cụ dân tộc… Làm chuỗi “54 dân tộc anh em” trong vòng bốn tháng, những phần tiếp theo của dự án Ngọc ước tính cũng sẽ mất từ bốn đến sáu tháng để có thể hoàn thiện. 9X Hà Nội hy vọng, khoảng sau 1 tháng nữa app (ứng dụng) emoji “54 dân tộc anh em” sẽ đến tay người sử dụng.

Hành trình đến nghệ thuật ký tự

Đam mê hội họa từ nhỏ nên song song học Đại học Ngoại Thương, Ngọc theo học thêm các khóa học thiết kế buổi tối của FPT Arena Multimedia. Ra trường, 9X Hà Nội trở thành người thiết kế đồ họa & họa sĩ minh họa toàn thời gian.

Sau khi đi làm hai năm, với mong muốn hệ thống hóa những kinh nghiệm và kiến thức tự học, Minh Ngọc quyết định sang Singapore học thiết kế tại Đại học Nghệ thuật Lasalle.

Đầu năm 2020, Ngọc đang ở Singapore đợi xin việc thì dịch Covid 19 ập đến. Trên trang Behance (Mạng trưng bày các sản phẩm hình ảnh, đồ họa kỹ thuật) Minh Ngọc đã ra mắt dự án Bộ chữ cái COVID. Mỗi chữ cái (trong bảng alphabet) là một ký họa nhỏ ngộ nghĩnh mang thông tin liên quan đến đại dịch. “Đây là dự án phi lợi nhuận và dự án mình thích nhất, không kể emoji 54 dân tộc”, Ngọc chia sẻ.

Dự án “Kueh Letters” làm về những chiếc bánh truyền thống của Singapore được thể hiện lại dưới dạng bộ chữ cũng thu hút đông đảo người yêu ẩm thực Singapore và Châu Á. Cũng tương tự như “Nhỏ to Việt Nam”, những dự án cá nhân này Ngọc đều tự làm hoàn toàn tất cả các khâu, từ tìm kiếm thông tin, thiết kế hình ảnh đến dàn trang.

Cũng trong tháng 3 đại dịch, Minh Ngọc được Dự án Quốc Tự đợt 2 (đợt 1 năm 2013) mời tham gia cùng 28 nghệ sĩ từ ba miền Bắc Trung Nam. Sân chơi “Quốc tự” tập hợp những nghệ sĩ đam mê trào lưu Unlimited Letters (vẽ chữ theo phong cách nghệ thuật). 29 con chữ được các nghệ sĩ thể hiện “không giới hạn”. Họ kể câu chuyện độc bản, táo bạo và đậm dấu ấn cá nhân của mình. Minh Ngọc thể hiện chữ N với hình ảnh nhà tập thể cũ kỹ thời bao cấp nhưng nên thơ bởi những khóm cây xanh bao phủ.

Định hướng ban đầu của dự án “Nhỏ to VN” là phi lợi nhuận và hiện tại vẫn đang là như vậy. “Mình không có nhà tài trợ và cũng chưa thu được bất kỳ lợi nhuận nào từ dự án này. Trong tương lai mình có thể khai thác thương mại các emoji để có chi phí duy trì và phát triển dự án, nhưng định hướng chính vẫn là giáo dục được ưu tiên hơn mục tiêu kiếm tiền.

Ngọc đang tiếp tục thử nghiệm những thứ mới liên quan đến nghề nghiệp hiện tại (thiết kế và vẽ), nấu nướng thử các công thức món ăn chưa nấu bao giờ và đọc tiểu thuyết, xem phim chủ đề giả tưởng. “Mình thỉnh thoảng cũng viết những đoạn văn ngắn ghi lại cảm nhận của mình về cuộc sống”, 9X đa ngành hào hứng khi nói về những ngày đang tới.

“Làm những thứ nhảm nhí một cách nghiêm túc”, Minh Ngọc đặt ra tiêu chí này để không bỏ sót bất kỳ ý tưởng nào. “Không có ý tưởng nào là hoàn toàn nhảm nhí. Nếu biết cách bạn có thể khai thác chúng theo những hướng mà ít ai ngờ đến”.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.