'Gạn' nỗi sợ, kể chuyện đời mình

Chỉ cần vài thao tác trên máy tính hoặc điện thoại, người xem có thể thưởng lãm triển lãm “Gạn” ngay bất cứ đâu
Chỉ cần vài thao tác trên máy tính hoặc điện thoại, người xem có thể thưởng lãm triển lãm “Gạn” ngay bất cứ đâu
TP - Ngậm ngùi huỷ triển lãm ở bảo tàng để mở triển lãm online vào phút chót, tưởng là bại, hoá lại thành công với Đặng Hữu. Nhiều người xem bảo: Sướng quá! Dịch dã thế này, được nằm ườn trên ghế sofa mà các tác phẩm hội hoạ vẫn “bay” tới trước mắt, tha hồ “đi dạo” trong không gian ảo, ngắm tranh và thẩm tranh.

“Gạn” là tên triển lãm cá nhân đầu tiên của Đặng Hữu sau hơn mười mấy năm chinh chiến với hội hoạ. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Hữu đành huỷ bỏ triển lãm đã dự định ngày khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật. Tất cả tranh được anh trưng bày trong phòng tranh online. Muốn xem tranh của Hữu chỉ cần có chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh, thế là tha hồ vuốt, ngắm.

“Mặc dù cũng buồn khi phải huỷ triển lãm ở bảo tàng nhưng sự an toàn của bản thân, gia đình, bạn bè và những người yêu nghệ thuật vẫn quan trọng hơn cả. Cách đây 2 tuần, khi thấy dịch bệnh bùng trở lại, tôi đã chuẩn bị thêm phương án có thể phải trưng bày online, nên mọi thứ cũng chủ động và vận hành khá suôn sẻ. Tuy mọi người không được ngắm trực tiếp nhưng cũng thuận lợi vì ở đâu cũng xem được mà không phải lo dịch bệnh”, Đặng Hữu chia sẻ. 

'Gạn' nỗi sợ, kể chuyện đời mình ảnh 1 Hoạ sĩ Đặng Hữu

“Gạn” gồm 26 bức tranh với nhiều đề tài khác nhau, được Hữu vẽ liên tục trong 2 năm nay. Bên cạnh chủ đề phong cảnh quen thuộc, anh đã mạnh dạn quay lại vẽ người, như một cánh cửa khác để mở tâm hồn mình cho khán giả.

Lý giải về tên gọi triển lãm, Hữu bảo: “Mọi thứ ta nhìn thấy là nhờ ánh sáng, ta cảm nhận được là nhờ không khí nên với tôi không khí và ánh sáng là đối tượng quan trọng nhất trong sáng tác, là khao khát của tôi được ghi lại và lột tả. Khi vẽ trực họa dù là người hay phong cảnh, ánh sáng và không khí thay đổi liên tục, mọi thứ xung quanh tạo ra một nguồn năng lượng dẫn dắt cảm xúc của tôi. Và vì cảm xúc có thể quá nhiều, quá dữ dội, nên tôi cần “gạn” lấy những gì rõ rệt và sâu sắc nhất”.

Gạn đi những nguyên tắc thông thường, những quy ước về khoảng lùi, đường chân trời trong bố cục, vẽ với những rung cảm chân thành của mình là nét đặc trưng trong các tác phẩm của Đặng Hữu. Nó khiến người xem nhận ra sự tươi đẹp, thi vị của thiên nhiên, những cảnh vật thân thuộc mà ngày thường không để ý đến. Đó là góc bến thuyền, đoạn sông, bãi đê ngoại thành hay con đường nhỏ với bóng nắng…

Gạn còn là gạn bỏ tư duy cũ mòn, để không bị lặp lại, không thành thói quen trong sáng tạo nghệ thuật. Để làm được điều đó, Hữu thường tự mình đặt ra những câu hỏi: Phải truyền đạt như thế nào cái tươi nguyên của ấn tượng, cái rực rỡ của vẻ đẹp mà chúng ta nhìn thấy trong cuộc sống? Phải diễn đạt bằng cách nào các sắc thái của ánh sáng đang nhảy nhót trên tường, trên lá cây, trên gương mặt con người? Phải nắm bắt ghi lại thế nào khi ánh sáng chiếu trên không khí? Phải nắm bắt bằng được màu sắc của buổi sớm ban mai hay màu sắc của một ngày mù trời, ảm đạm như thế nào? Trong khi không khí mỗi lúc một khác, sự phản xạ và chiếu sáng cũng khác…

Đặng Hữu sinh năm 1986 tại Hoà Bình. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, anh tiếp tục học Đại học Mỹ thuật Việt Nam và ra trường năm 2012. Biệt danh Hữu “Gồ” là tên bạn bè thường gọi anh do cách quệt màu đặc trưng, không bao giờ đi nét mà chỉ đắp mảng. Xem tranh Đặng Hữu, rất khó để nhận biết thứ thực sự hiện diện trong tranh là thác nước, đỉnh núi, hay là cả hai. Bút pháp này giúp anh thể hiện được sự phóng khoáng, tự do, xoá đi các đường nét, cô đọng, tối giản các chi tiết rườm rà.

Hữu chọn con đường khá gai góc: “Vẽ trực họa”. Gai góc là bởi, nếu không khéo sẽ bị các chi tiết dẫn dụ, lôi kéo, dẫn đến lệ thực. Trực hoạ không đơn thuần chỉ là “sao chép” lại thiên nhiên. Trực hoạ là đánh thức cảm xúc của nghệ sỹ, là chất xúc tác để đào sâu những cảm nhận về tạo hình, bố cục và màu sắc từ thiên nhiên. Bởi vậy, Hữu quan niệm, cái quý giá nhất trong nghệ thuật không chỉ là ý tưởng, tạo hình mà là sự chân thực của cảm xúc.

Hữu hiền lành, ít nói, thậm chí hơi rụt rè khi chuyện trò. Dường như, thế giới nhiều màu sắc nhất của Hữu chính là ở xưởng vẽ. Nơi anh ngày ngày lặng lẽ tìm tòi bố cục, chắt lọc tạo hình, hướng đến sự tự do trong sắc màu và bút pháp. Anh tự nhận mình là người chăm chỉ. Cứ rảnh ra là dành thời gian vẽ trực hoạ để rèn luyện kỹ năng nhìn hình, để có bút pháp phong phú, và học hỏi tỉ mỉ cách hoà sắc từ thiên nhiên. Mỗi tuần, dù bận kiểu gì, anh cũng dành 2 ngày để lang thang lấy cảm xúc. Có điều kiện thì vác con xe phân khối lớn, lên rừng rồi xuống biển, rong ruổi cùng giá vẽ. Mà không đi xa được thì  trốn ra cánh đồng chỉ cách nhà vài cây số.

Hữu vẽ những gì vốn có và luôn bộc lộ bản chất con người anh. Dù trải qua nhiều giai đoạn thực hành nghệ thuật khác nhau, các tác phẩm có thể mang những xu hướng như: Ấn tượng, biểu hiện, trừu tượng… nhưng nó luôn xuất phát từ hiện thực trong cảm nhận của Đặng Hữu. Một bức tranh hoàn thiện, với anh luôn phải có đầy đủ những yếu tố căn bản quan trọng như: bố cục, tạo hình, nhịp điệu, màu sắc, bút pháp, mọi thứ luôn phong phú và tự do, không lặp lại, không thành lối mòn và luôn phải chất chứa nội tâm, những trăn trở của chính mình. Có lẽ vì thế mà Hữu có một số nhà sưu tập trung thành. Một nửa số tranh trong triển lãm “Gạn” đã được đánh dấu đỏ (ký hiệu tranh đã bán). 

“Triển lãm solo là một sự kiện đáng sợ. Bạn phải đối diện với công chúng cô độc, một mình. Không còn những họa sỹ khác, những tác phẩm khác để giúp bạn cân bằng như ở triển lãm nhóm. Nhưng bạn cũng được thoải mái thể hiện mình hơn, mà không phải cân nhắc đến chủ đề chung. Lần đầu làm triển lãm solo, tôi vừa phải thu hết can đảm để bước qua những nỗi sợ, vừa hào hứng và hồi hộp khi được kể hết câu chuyện của mình”, Đặng Hữu hóm hỉnh nói về “lần đầu tiên”.

Triển lãm “Gạn” kéo dài đến hết ngày 15/8. Xem triển lãm tại địa chỉ website:

https://publish.exhibbit.com/gallery/519235417/long-gallery-30977/


MỚI - NÓNG