Có cán bộ cấp cao nghỉ hưu 10 năm vẫn bám nhà công vụ

Các chính sách vận dụng khác nhau dễ dẫn đến so bì nhà công vụ. Ảnh TP
Các chính sách vận dụng khác nhau dễ dẫn đến so bì nhà công vụ. Ảnh TP
TPO - “Tôi được biết, có những trường hợp đã nghỉ hưu hơn 10 năm nay mà vẫn bám lấy nhà công vụ, chưa chịu trả, mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã có văn bản nhắc nhở nhiều lần”, TS. Bùi Đức Thụ, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội  thông tin với phóng viên.

Vận dụng khác nhau sinh ra so bì

Không chỉ với trường hợp một vị nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT sau nhiều ồn ào đã gọi điện xin trả lại nhà công vụ, mà thời gian qua đã có nhiều ồn ào trong dư luận khi nhiều quan chức đã về hưu nhưng không chịu trả lại nhà công. Có chuyên gia cho rằng nếu cứ để nhờn luật, không cứng rắn với những trường hợp chây ì, thì “nhà công” sớm muộn cũng bị biến thành “nhà ông”.

Trao đổi với Tiền phong, TS. Bùi Đức Thụ cho biết, quỹ nhà công vụ có thể biến động, nếu thiếu có thể bố trí thêm. Nhưng điều quan trọng cần tránh là việc biến nhà công thành nhà tư. Điều đó xuất phát từ chủ trương chính sách không nhất quán. Tạo thành tiền lệ xấu cho việc quản lý tài sản công nói chung và nhà công vụ nói riêng. Cái đó không nên. Còn với cán bộ trước kia, phải rà soát lại, nếu chưa được hưởng cũng có hình thức nào đó để có sự công bằng.

Vừa qua, một thứ trưởng được điều động ra Trung ương, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được khen thưởng. Thế nhưng khi về lại chỉ có nguyện vọng xin được thanh lý gần 100 m2 nhà ở công vụ, vì lý do đã ở đây, đã có đầu tư cải tạo và để đảm bảo sự công bằng giữa các cơ quan Trung ương. Tôi cho đây là điều đáng suy nghĩ về mặt quản lý nói chung.

“Do chính sách nhà ở đối với cán bộ của chúng ta có sự sai lệch, vận dụng khác nhau, nên ảnh hưởng đến quyền lợi người này, người kia, dẫn đến so bì thiệt hơn. Nên họ đề mới nghị thanh lý, nếu không thì tiếp tục cho thuê lại, với lý do còn đang khó khăn về nhà ở. Tất nhiên, mức giá “thuê lại” nhà công vụ thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường”, nguyên Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách đánh giá.

Theo ông, pháp luật đã chuẩn hóa, minh bạch công khai rồi, việc tuân thủ pháp luật là một trách nhiệm đương nhiên. Mọi hành vi không tuân thủ đều là hành vi bất tuân. Đây là những việc cần phải làm, cơ chế chính sách đã có rồi cứ thế thực hiện, tránh tình trạng đối với dân thì nghiêm, thậm chí cưỡng chế rất nặng nề, còn đối với lãnh đạo cao cấp lại nhẹ nhàng, không kiên quyết, tạo ra sự bất bình đẳng, gây dư luận không tốt trong xã hội.

Đáng lưu ý, khi một số cán bộ cao cấp chưa trả lại nhà công vụ, cơ quan quản lý đã có văn bản yêu cầu trả lại để bố trí cho những cán bộ đương nhiệm khác. Nhưng họ vẫn chây ì, không chịu trả lại nhà công vụ.

“Tôi còn được biết, có những trường hợp đã nghỉ hưu hơn 10 năm nay mà vẫn bám lấy nhà công vụ, chưa chịu trả, mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã có văn bản nhắc nhở nhiều lần. Họ đề nghị phải thanh lý để được hưởng chế độ nhà giá rẻ theo quy định”, ông nói.

Đã thực sự công bằng, gương mẫu chưa?

Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng cũng đặt ra vấn đề có nên công khai danh tính những người chây ì không chịu trả nhà công vụ không. Dư luận cũng đòi hỏi yêu cầu phải công khai những trường hợp chây ì đó. Người dân làm sai thì công bố công khai để giám sát, xử lý theo pháp luật.

Vừa qua hơn 10 trường hợp chây ì, Bộ Xây dựng đã công khai, nhưng lại chỉ viết tắt họ tên, như vậy là công khai chưa triệt để. Cái gì anh làm đúng cũng cần công khai để có chế độ động viên, khen thưởng kịp thời. Cái gì không đúng càng cần phải công khai trước đảng, trước dân.

Nhưng theo TS. Thụ, công khai cũng chỉ một phần thôi. Để thu hồi nhà công vụ, chúng ta có nhiều giải pháp, vấn đề ở chỗ cơ quan quản lý nhà nước có làm không, hay vì họ là cán bộ cao cấp nên né tránh.

Trong đền bù giải phóng mặt bằng, với cơ chế giá thu hồi đất, đền bù tài sản của người dân thấp hơn nhiều so với giá thị trường, nhưng nhiều người dân vẫn bị cưỡng chế, thu hồi. Đối với dân như thế, còn đối với những người lãnh đạo chây ì, chúng ta đã thực hiện hết những giải pháp như thế chưa, đã thực sự công bằng, gương mẫu chưa?

Chính sách có rồi, cơ chế có rồi, vấn đề còn lại là phải thực thi công bằng. Mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật, cả quyền lợi và nghĩa vụ trước các vấn đề của xã hội. Lấy việc tuân thủ đạo đức pháp luật là lối sống của công dân mới trong chế độ mới.

“Không nên phân biệt tầng lớp này thì né tránh, cho kéo dài, cho được hưởng, không dám đụng chạm, còn những trường hợp khác lại áp dụng mọi biện pháp cứng rắn”, TS. Bùi Đức Thụ lưu ý.

MỚI - NÓNG