Nga đi trước thế giới, cấp phép vắc-xin COVID-19

Nga sẽ triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 cho các nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao ngay trong tháng này
Nga sẽ triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 cho các nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao ngay trong tháng này
TP - Ngày 11/8, Nga trở thành quốc gia đầu tiên chấp thuận một loại vắc-xin phòng virus corona và tuyên bố sản phẩm đã sẵn sàng để sử dụng. Tổng thống Vladimir Putin cho biết một trong những con gái của ông đã được tiêm. 

Ông Putin nhấn mạnh vắc-xin do Viện Gamaleya ở Mátxcơva điều chế đã trải qua các thử nghiệm cần thiết và chứng minh hiệu quả, tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài cho con người trước virus corona. 

“Tôi biết nó đã chứng minh hiệu quả và tạo nên miễn dịch ổn định, và tôi muốn nhắc lại rằng nó đã vượt qua tất cả thử nghiệm cần thiết. Chúng ta phải biết ơn những người đã làm nên bước đầu tiên vô cùng quan trọng này cho đất nước ta và cả thế giới”, Sputnik dẫn lời ông Putin nói trong cuộc họp chính phủ hôm qua. 

Nhà lãnh đạo Nga cho biết, một trong số các con gái lớn của ông đã được tiêm 2 mũi vắc-xin, bị sốt 38 độ trong lần đầu tiên và sốt nhẹ sau mũi thứ hai, nhưng nhanh chóng ổn định lại. “Con gái tôi cảm thấy tốt và đã có lượng kháng thể cao”, ông Putin nói. Ông không có cho biết ai trong hai cô Maria và Katerina được tiêm vắc-xin. 

Bộ Y tế Nga nói trong thông cáo đưa ra hôm qua rằng vắc-xin này tạo ra miễn dịch với virus corona trong 2 năm. Ông Putin nhấn mạnh việc tiêm vắc-xin là tự nguyện. Giới chức Nga cho biết các nhân viên y tế, giáo viên và các nhóm đối mặt với nguy cơ cao khác sẽ được tiêm trước. Phó Thủ tướng Tatyana Golikova thông báo việc tiêm phòng cho các bác sĩ có thể bắt đầu ngay trong tháng này. 

GS Alexander Gintsburg, giám đốc Viện Gamaleya cho biết, việc tiêm vắc-xin sẽ diễn ra khi thử nghiệm giai đoạn 3 tiếp tục được triển khai. Ông nói rằng ban đầu sẽ chỉ có đủ liều vắc-xin để tiêm phòng ở 10-15 trong tổng số 85 vùng của Nga, hãng tin Interfax đưa tin. Giới chức Nga cho biết từ tháng 9 sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt, và tiêm chủng diện rộng sẽ bắt đầu ngay từ đầu tháng 10. 

Đến nay Nga đã xác nhận 897.599 ca mắc, trong đó có 15.131 trường hợp tử vong vì COVID-19. Khi đại dịch tấn công nước này, ông Putin chỉ đạo các quan chức rút ngắn thời gian thử nghiệm lâm sàng đối với vắc-xin.

 Trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép vắc-xin là niềm tự hào dân tộc đối với Kremlin trong nỗ lực đưa Nga trở thành cường quốc toàn cầu. Báo chí và truyền hình Nga có nhiều bài viết, tác phẩm ca ngợi các nhà khoa học đóng góp cho thành công này. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 10/8 nói rằng sẽ chấp nhận đề nghị của Nga về việc cung cấp vắc-xin COVID-19 và sẵn sàng trở thành người đầu tiên tiêm vắc-xin để thể hiện lòng tin và sự tôn trọng, Philstar đưa tin.

Trong khi đó, một số nhà khoa học quốc tế bày tỏ hoài nghi rằng việc vội vã đưa vắc-xin vào sử dụng trước khi thực hiện giai đoạn thử nghiệm thứ 3 (thường kéo dài vài tháng và cần sự tham gia của hàng ngàn người) có thể phản tác dụng.

“Tôi biết nó đã chứng minh hiệu quả và tạo nên miễn dịch ổn định, và tôi muốn nhắc lại rằng nó đã vượt qua tất cả thử nghiệm cần thiết”.
Tổng thống Nga - Putin


Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng tất cả các loại vắc-xin cần trải qua đầy đủ các giai đoạn thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng hàng loạt. Các chuyên gia cho rằng vắc-xin chưa được thử nghiệm đủ quy trình có thể gây hại theo nhiều cách, từ tác động tiêu cực với sức khoẻ đến tạo ra cảm giác an toàn sai lầm hay làm giảm lòng tin của người dân đối với vắc-xin. 

Ít nhất 165 loại vắc-xin đang được điều chế ở nhiều nước, trong đó có Mỹ, Anh, Ấn Độ và Trung Quốc. Dù nhiều loại vắc-xin có triển vọng hoàn thành vào năm sau, nhiều chuyên gia nói rằng hiệu quả của vắc-xin có thể không cao lắm. Ngày 10/8, TS Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, nói với báo chí rằng vắc-xin COVID-19 dù được cấp phép cũng chỉ đạt hiệu quả từ 50-60%, nghĩa là các biện pháp bảo vệ y tế cộng đồng vẫn cần thực hiện để khống chế dịch bệnh.

MỚI - NÓNG