NSƯT Thanh Tú vì đâu 'trốn' đóng phim suốt 20 năm sau 'Sao tháng Tám'?

NSƯT Thanh Tú với vai để đời trong "Sao Tháng Tám"
NSƯT Thanh Tú với vai để đời trong "Sao Tháng Tám"
TPO - “Sao Tháng Tám” là một trong số phim kinh điển về đề tài chiến tranh cách mạng, có sức sống lâu bền qua nhiều thế hệ. NSƯT Thanh Tú cắt nghĩa những lí do khiến một tác phẩm neo lại sâu đậm trong tâm trí khán giả đến vậy.

Từ chối đóng phim 20 năm liền vì “sợ” ‘Sao Tháng Tám’
Liên hệ với NSƯT Thanh Tú-đóng vai Nhu của “Sao Tháng Tám” để ôn chuyện ký ức mấy chục năm về trước. Cứ vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 thành công, thế nào nghệ sĩ cũng nhận điện thoại tới tấp từ bạn bè và cánh phóng viên. Ký ức “Sao Tháng Tám” lại được dịp sống dậy.

Soi lại danh sách phim về đề tài Cách mạng Tháng 8, Ngày độc lập 2/9 quả chưa có phim nào nối gót “Sao Tháng Tám”. “Vì thế tôi có đóng phim nữa đâu. Tôi ngừng đóng phim tới 20 năm vì biết có đóng cũng không vượt qua chính mình. Sau mọi người động viên dụ dỗ nhiều quá, tôi lại mủi lòng đi diễn trở lại. Chỉ có điều tôi biết mình không vượt qua được cái bóng ấy nên chuyển sang cách diễn khác. Tôi vào vai các bà già cá tính, tinh quái thôi”, NSƯT Thanh Tú cười.

“Sao Tháng Tám” ngay khi ra mắt năm 1977 là dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 và ẵm Bông sen vàng. Phim cũng mang lại cho nghệ sĩ Thanh Tú giải Nữ diễn viên xuất sắc. Khi phim tham dự Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva, Thanh Tú cũng được nhận bằng khen.

NSƯT Thanh Tú vì đâu 'trốn' đóng phim suốt 20 năm sau 'Sao tháng Tám'? ảnh 1 Chị Nhu của "Sao Tháng Tám" do NSƯT Thanh Tú đảm nhận

Một tiểu thư phố cổ không ngờ lại nhập vai nữ chiến sĩ cách mạng kiên cường, chịu đựng khổ sở ngọt đến thế. Cố đạo diễn, NSND Trần Đắc không hề sai lầm khi chọn Thanh Tú cho vai này, dù ban đầu có người trong hãng phim tỏ ý không bằng lòng. Chị Nhu của Thanh Tú trong phim phải cải trang thành nhiều thân phận để hoạt động cách mạng, từ nông dân, công nhân, tiểu thư, tư sản cho tới nhà sư đòi hỏi nữ diễn viên đủ sức biến hóa.

NSƯT Thanh Tú bảo, hạnh phúc của nghệ sĩ là được người ta nhớ tới mình và có phim để đời. “Đó là niềm hạnh phúc của nghệ sĩ mà không phải ai cũng có được. Tôi thân với NSND Trà Giang. Chị ấy vẫn cứ nói với tôi rằng dù Trà Giang đóng phim nhiều hơn Thanh Tú nhưng chưa có phim nào được chiếu đi chiếu lại nhiều như Sao Tháng Tám”, bà kể.

Khó có được phim theo kịp ‘Sao Tháng Tám’

Kỷ niệm vui nhất về “Sao Tháng Tám” chính là chuyện thi thoảng Thanh Tú lại nhìn thấy mình cầm cờ chạy ở khu Nhà khách chính phủ, không phải trích đoạn phim mà là tư liệu hẳn hoi khi nhắc tới Tổng khởi nghĩa. Thì ra có nơi khi phát tư liệu về Cách mạng tháng Tám lại lấy ngay đoạn phim trong “Sao Tháng Tám” bởi tính chân thật của bộ phim. Có người trêu Thanh Từ, hồi Cách mạng tháng Tám đã cầm cờ chạy thế kia thì phải “chết từ lâu rồi chứ”.

Bộ phim thành công nhất về đề tài Cách mạng Tháng Tám hẳn không phải nhờ ăn may. NSƯT khoe, chuyên gia ẩm thực Dzoãn Cẩm Vân mới gọi điện để “buôn” về “Sao Tháng Tám”. “Vân tâm sự nhớ Thanh Tú, nhớ phim, nhớ Hà Nội quá. “Sao tháng Tám” là những gì rất Hà Nội, phản ánh tâm tư và những góc khuất sâu thẳm của con người Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến giành độc lập. Cô ấy còn bảo giờ may có Youtube, muốn xem là lục lại còn thích hơn xem truyền hình vì khỏi phải ngắt mạch vì... quảng cáo”, NSƯT Thanh Tú nói.

NSƯT Thanh Tú vì đâu 'trốn' đóng phim suốt 20 năm sau 'Sao tháng Tám'? ảnh 2 "Sao Tháng Tám" là tác phẩm kinh điển về đề tài chiến tranh cách mạng

Sức sống lâu bền là do đâu? Vừa nghe dứt câu hỏi, Thanh Tú thẳng thừng nói giờ có cho gấp 10 lần tiền so với ngày xưa cũng không thể làm được phim như thế. “Giờ làm sao có thể dựng lại nạn đói năm 1945, rồi nhà máy điện, cảnh cướp chính quyền chân thật đến thế. Là bởi ngày xưa, chúng tôi làm phim bằng cái tâm với nghệ thuật, với đất nước và cuộc cách mạng này. Tôi còn nhớ chúng tôi mất nguyên ngày chỉ để quay 1 cảnh tôi đứng trên nóc nhà máy điện Yên Phụ rải truyền đơn và diễn thuyết”, bà nói. Phim quay trong khoảng 6 tháng, bối cảnh chủ yếu ở nội đô Hà Nội, chỉ có ít cảnh ở ngoại thành.

Làm phim trong điều kiện khó khăn nhưng không vì thế mà ẩu. NSƯT Thanh Tú lấy ví dụ, ông phó đạo diễn cứ đi đường hễ thấy ai gầy gầy lại mời tham gia thậm chí bắt cởi áo để “duyệt” vào vai... người chết đói. “Tôi còn nhớ có những người con chạy tới khóc ầm lên vì nuôi mẹ bao năm để cho bà đi đóng cảnh chết đói. Ấy thế mà họ lại vui vẻ làm... người chết đói chỉ với vài đồng bồi dưỡng còi”, bà nói.

Họa sĩ thiết kế Ngọc Linh là người khó tính và kỹ lưỡng. Chẳng hạn người ta đưa bừa cho diễn viên đóng Quan huyện chiếc quần trắng của phụ nữ, họa sĩ liền phản đối vì quần của đàn ông thì từ chất vải tới cái gấu quần cũng khác biệt.

NSƯT Thanh Tú vì đâu 'trốn' đóng phim suốt 20 năm sau 'Sao tháng Tám'? ảnh 3 "Sao Tháng Tám" tái hiện tư liệu chân thực và sinh động về Tổng khởi nghĩa

Họa sĩ dựng lại toàn bộ cảnh phá kho thóc, cướp chính quyền khiến NSƯT Thanh Tú hào hứng và xúc động. Sinh sau Cách mạng nhiều năm mà Thanh Tú vẫn được chứng kiến hình ảnh sống động như vừa hôm qua khi nhìn bối cảnh phố huyện, cảnh phá kho thóc. Thậm chí, Thanh Tú còn được giao cho khẩu súng bắn đạn thật với lời dặn lúc nào cũng phải chĩa súng lên trời, chỉ chờ hiệu lệnh là diễn.

“Mỗi lần nhắc “Sao Tháng Tám” tôi lại xúc động mạnh. Đồng nghiệp của tôi mất gần hết rồi. Đây là phim màn ảnh rộng đầu tiên, phim hai tập đầu tiên của Việt Nam. Sao Tháng Tám cũng làm nên Thanh Tú từ đấy”, bà rưng rưng. Đạo diễn NSND Trần Đắc, nghệ sĩ Đức Hoàn giờ cũng thành người thiên cổ.

Vài năm gần đây truyền hình cũng thưa dần chiếu lại “Sao Tháng Tám”, nhưng phim vẫn được các thế hệ xem đi xem lại trên các trang mạng để nhớ có một ký ức Tổng khởi nghĩa như thế.

MỚI - NÓNG