EU trông đợi Nga có giải pháp cho Belarus

Tổng thống Nga Vladimir Putin đón Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đến Mátxcơva hồi tháng 6. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin đón Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đến Mátxcơva hồi tháng 6. Ảnh: Reuters
TP - Ba cuộc điện đàm của các lãnh đạo châu Âu ngày 18/8 cho thấy sự công nhận tầm ảnh hưởng của Mátxcơva đối với Tổng thống Lukashenko và nền kinh tế Belarus.

Lãnh đạo phe đối lập ở Belarus hôm qua kêu gọi các lãnh đạo châu Âu không công nhận kết quả “cuộc bầu cử gian lận” đã giúp kéo dài thời gian cầm quyền của Tổng thống Alexander Lukashenko và châm ngòi cho làn sóng biểu tình chưa từng thấy ở nước này.

Trong một tuyên bố bằng video đưa ra trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh khẩn cấp của các lãnh đạo EU, chính khách đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya kêu gọi châu Âu ủng hộ “sự thức tỉnh của Belarus”.

Ông Lukashenko, nhà lãnh đạo đất nước từng thuộc Liên Xô cũ với 9,5 triệu dân, giành chiến thắng với 80% phiếu trong cuộc bầu cử ngày 9/8 để bước vào nhiệm kỳ 6. Còn bà Tsikhanouskaya, một chính trị gia xuất thân là giáo viên tiếng Anh, đã đoàn kết các nhóm chia rẽ và tập hợp được hàng chục ngàn người xuống đường ủng hộ, chỉ giành được 10% phiếu.

Bà Tsikhanouskaya không công nhận kết quả này và yêu cầu kiểm phiếu lại, nhưng bà đột ngột rời sang Litva mà các trợ lý của bà nói là do “bị ép”. Bà tuyên bố sẵn sàng lãnh đạo đất nước để tạo điều kiện cho việc tổ chức bầu cử lại. Còn ông Lukashenko nhiều lần bác bỏ yêu cầu từ chức hay đàm phán với phe đối lập. Đợt biểu tình tập hợp hàng trăm ngàn người bắt đầu từ ngày 9/8 và kéo dài 10 ngày liên tục dù bị cảnh sát dùng vũ lực để giải tán, khiến 2 người chết, gần 7.000 người bị bắt và hàng trăm người bị thương, AP đưa tin.

Giới chức phương Tây từ chối công nhận cuộc bầu cử diễn ra công bằng hay tự do, đồng thời chỉ trích hành động dùng bạo lực để dẹp biểu tình. EU đang chuẩn bị danh sách các quan chức Belarus sẽ bị EU trừng phạt.

“Bất kỳ nhà lãnh đạo tương lai nào của Belarus sẽ phải giữ quan hệ tốt với Kremlin và tôn trọng những vấn đề nhạy cảm. Cố đi một con đường khác sẽ là điều phi thực tế, nguy hiểm và đi ngược lại thái độ của dư luận Belarus”. FT dẫn đánh giá của ông Eugene Rumer, Giám đốc chương trình về Nga và Á-Âu tại Viện Carnegie (Mỹ).

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo châu Âu chớ can thiệp vào Belarus, khi các lãnh đạo EU thúc giục nhà lãnh đạo Nga giúp đưa Belarus khỏi khủng hoảng chính trị. Ông Putin nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc điện đàm ngày 18/8 rằng cuộc khủng hoảng ở Belarus có thể leo thang nếu “các nhân tố bên ngoài cố can thiệp vào vấn đề nội bộ của họ”, thông báo của điện Kremlin cho biết.

Ảnh hưởng quan trọng

Trong nhiều năm, Mátxcơva ủng hộ ông Lukashenko. Tuy nhiên, Kremlin lần này vẫn đứng ngoài lề trong khi cuộc khủng hoảng ở Belarus đang diễn biến nhanh chóng. Ba cuộc điện đàm của bà Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 18/8 cho thấy sự công nhận tầm ảnh hưởng của Mátxcơva đối với cả ông Lukashenko và nền kinh tế Belarus. EU hy vọng rằng ông Putin sẽ dùng ảnh hưởng đó để tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Nhiều lãnh đạo EU muốn thấy sự chuyển đổi quyền lực hòa bình ở Belarus và sự ra đi của ông Lukashenko, nhưng họ cũng sợ rằng Nga có thể can thiệp quân sự để bảo đảm sự tồn tại của nhà lãnh đạo Belarus. Các cuộc điện đàm nói trên diễn ra trước thềm một hội nghị trực tuyến của lãnh đạo EU vào ngày 19/8, nơi tình hình Belarus được mang ra thảo luận.

Jurgen Hardt, phát ngôn viên liên minh đảng cầm quyền CDU/CSU ở Đức, cho rằng bà Merkel đã cảnh báo ông Putin chớ can thiệp quân sự vào Belarus để giúp ông Lukashenko. “Tôi có thể tưởng tượng bà ấy nói rõ rằng bất kỳ can thiệp nào cũng sẽ tàn phá hòa bình ở châu Âu và gây ra những hậu quả sâu rộng đối với quan hệ của châu Âu với Nga”, FT dẫn lời ông Hardt.

Ông Putin công nhận chiến thắng bầu cử của ông Lukashenko, nhưng không bày tỏ ủng hộ rõ ràng trong 2 tuyên bố đưa ra tuần trước. Đáp lại lời khẩn cầu từ ông Lukashenko về việc hỗ trợ dẹp bất ổn, Kremlin nói sẵn sàng cung cấp “hỗ trợ cần thiết” theo các hiệp ước an ninh chung giữa hai nước.

Xã hội Belarus phần lớn có quan điểm tích cực với Mátxcơva và đợt biểu tình chống ông Lukashenko lần này không bao gồm thông điệp thân phương Tây, nhưng điều đó có thể thay đổi nếu Nga sử dụng sức mạnh để ủng hộ nhà lãnh đạo đang bị nhiều chỉ trích của Belarus. Theo giới phân tích, Kremlin nhận ra vị trí của ông Lukashenko không còn vững chắc nữa nên muốn một sự chuyển giao quyền lực cho một chính quyền vẫn giữ quan hệ gần gũi với Mátxcơva.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.