Nhà thơ Thu Bồn và bài thơ về Bác Hồ

Nhà thơ Thu Bồn
Nhà thơ Thu Bồn
TP - Khoảng sân trường Đại học Văn khoa Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học xã hội nhân văn), rộng gần bằng một phần cái sân bóng đá đông kín người. Phần lớn họ là sinh viên trường này và một số trường khác. Nhìn qua, chỉ thấy một màu trắng sáng của những tà áo dài thiếu nữ và áo sơ mi nam giới... 

Trên cái nền trắng ấy, là những mái tóc đen mềm mại, những gương mặt trong sáng đầy nhiệt tình và háo hức. Khác với không khí náo nhiệt sôi động có phần thái quá bên ngoài cổng trường, họ tụm thành từng nhóm nhỏ hai ba người, chuyện trò, nụ cười luôn trên môi.

Theo chương trình, còn nửa tiếng nữa buổi nói chuyện đọc thơ của nhà thơ Thu Bồn mới bắt đầu, nhưng từ sáng sớm các chỗ trống đã được lấp đầy.  Sài Gòn giải phóng mới được mấy hôm, đây có thể coi là buổi sinh hoạt mang tính chất văn hóa, văn nghệ đầu tiên của thanh niên, sinh viên thành phố dưới chính quyền Cách mạng, mà diễn giả là một nhà thơ, chiến sĩ. Chưa một lần được tiếp xúc với “người của cách mạng”, cũng chưa khi nào được nghe một nhà thơ của “phía bên kia” đọc thơ, nên trong nỗi háo hức của họ còn có sự tò mò. Tò mò vì đã bao giờ họ được nghe, được nhìn tận mắt một chiến sĩ Quân giải phóng đọc thơ đâu. Nhiều cô cậu sinh viên còn đem theo cả sổ tay như muốn ghi lại những cảm xúc trước một sự kiện có tính bước ngoặt trong đời.

Rồi nhà thơ Thu Bồn xuất hiện, anh vẫn mặc nguyên bộ đồ lính trận, đầu đội chiếc mũ tai bèo. Chiều qua, khi anh ghé trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng (B2) trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, tôi có nghe anh thông tin với nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh, người phụ trách tạp chí về buổi nói chuyện, đọc thơ này. Cuộc gặp gỡ giữa hai người bạn chỉ diễn ra trong vòng vài chục phút, lúc đó, là một phóng viên trẻ của tạp chí, tôi chỉ ngồi nghe và “ngắm trộm” Thu Bồn. Có thể coi đây là dịp may hiếm hoi của một người mới viết như tôi. Tên tuổi Thu Bồn từ lâu đã “lừng lững” trong làng văn chương nước nhà và vượt ra ngoài biên giới đến tận các nước Á-Phi với giải thưởng danh giá cho tập trường ca “Bài ca chim Chơ rao”. Thế nên bây giờ tôi có mặt ở đây như một điều không thể khác... Biết tên và đọc thơ Thu Bồn đã nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe anh kể chuyện sáng tác và đọc thơ. Ngoài sự ngưỡng mộ còn có niềm tự hào được là đồng đội, đồng nghiệp của anh, tôi tự nhủ khi bước vào không gian văn hóa này.

Mọi người đang râm ran trò chuyện, bỗng lặng yên. Những tràng vỗ tay nổi lên, kéo dài cho tới khi Thu Bồn bước lên chiếc bục kê  giữa sân trường sau lời giới thiệu của một cán bộ trong ban tổ chức. Vóc người to cao, nước da ngăm đen vì nắng gió phố phường, trông Thu Bồn khỏe khoắn, mạnh mẽgiữa những gương mặt sinh viên trẻ trung non nớt đang ngồi phía dưới. Từ nơi đứng, nhà thơ nhìn bao quát khắp khuôn viên sân trường, dáng vẻ đầy tự tin, giọng nói trầm ấm được phóng to qua mấy chiếc loa. Anh kể về cuộc đời cầm súng và cầm bút của mình, cũng như bao  đồng đội khác. Những năm tháng ở rừng Khu 5 đói cơm, thiếu muối, phải phát rẫy tỉa ngô trồng sắn để có lương thực nuôi nhau.

Đó là khi địch đánh phá cắt đứt con đường tiếp tế từ hậu phương lớn miền Bắc hay mùa mưa nước sông dâng cao, chảy xiết, không cách gì qua được. Mối liên hệ với đồng bằng thì bị bao vây khống chế. Cả một vùng chiến trường rộng lớn không nơi nương tựa. Những trận đói kéo dài, các văn nghệ sĩ phải thay nhau phát rẫy làm nương tỉa ngô trồng sắn nuôi nhau. Rồi những cuộc chống càn, những lần đột ấp bắt mối cơ sở mua gom từng viên thuốc, cân muối. Không ít đồng đội đã nằm lại dọc đường. Sau mỗi lần như vậy về căn cứ lại loay hoay giở sổ tay ghi chép. Những trang văn, bài thơ như viết bằng máu đồng đội. Cứ thế nó được ra đời trong lúc bụng rỗng, hay giữa cơn sốt rét hai hàm răng va nhau lập cập, cũng có khi vừa thoát chết sau trận pháo kích hoặc B52 rải thảm. Vừa cầm súng vừa cầm bút, vừa cầm bút vừa cầm cuốc, đó là những nét đặc thù hiếm gặp của các nhà văn, nhà báo trên chiến trường.

Thật vậy, quá trình sáng tác của Thu Bồn có thể chia làm 2 giai đoạn, chiến tranh và hòa bình, với 25 đầu sách gồm thơ, trường ca, tiểu thuyết, truyện ngắn. Như các trường ca “Bài ca chim chơ rao” (1962), “Mặt đất không quên”, (1970), “Quê hương mặt trời vàng” (1975), “Ba zan khát” (1976),… hay “Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên” (thơ – 1992), Đánh đu cùng dâu bể(2002)… Văn xuôi có thể kể ra: “Chớp trắng” (tiểu thuyết -1970), “Những đám mây màu cánh vạc” (tiểu thuyết 2 tập-1975), Đỉnh núi (tiểu thuyết 1980), “Em bé vào hang cọp” (tiểu thuyết 2 tập-1986)… Với phong cách phóng khoáng, vạm vỡ và bạo liệt. Tác phẩm nào ông cũng để lại dấu ấn cho người đọc…

Những dòng chia sẻ, tâm sự của Thu Bồn đã thu hút sự chú ý của mọi người. Hàng trăm ánh mắt nhìn lên chờ đợi. Lần đầu tiên trong đời họ được nghe những câu chuyện có vẻ lạ lẫm và không kém phần hấp dẫn về người chiến sĩ, các văn nghệ sĩ, báo chí cách mạng. Đó có lẽ là bài học về lòng yêu nước đầu đời của những thanh niên vừa từ giã một chế độ không được lòng dân, mặc dù trước đấy các em đã có mặt trong các cuộc xuống đường, phong trào “hát cho quê hương”, “tiếng hát những đêm không ngủ”…

Sau phần nói chuyện, Thu Bồn chuyển sang đọc thơ. Anh đọc trường ca “Bài ca chim Chơ rao”, “Trên vách đá Hồ Chí Minh”… và kết thúc bằng bài thơ “Gởi lòng con đến cùng Cha”. Bài thơ này tôi viết khi nghe tin Bác Hồ mất - Thu Bồn chia sẻ-Đêm ấy tôi không sao ngủ được. Hình ảnh người Cha già hiện về và cứ chập chờn trong trí nhớ tôi. Cũng như tôi, bao người chiến sĩ khóc ròng. Suốt cả tuần đơn vị lặng im như mặc niệm, không một tiếng cười, từ chỉ huy đến chiến sĩ, ai cũng buồn đau. Những con suối cũng như cất tiếng khóc, đất trời rơi nước mắt. Bài thơ gởi lòng con đến cùng cha tôi viết trong nỗi đau thương ấy. Nó là tiếng lòng của những người lính đối với Bác, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Dừng lại giây lát, nhà thơ bắt đầu đọc: “Có người thợ dựng thành đồng. Đã yên nghỉ tại sông Hồng mẹ ơi. Con đi dưới một vòm trời. Đau thương nhưng vẫn sáng ngời niềm tin. Đã ngừng đập một trái tim. Đã ngừng đập một cánh chim đại bàng…”. Hồi ấy, giữa chiến trường miền Đông Nam bộ, nhiều đêm liền tôi và bao đồng đội ngồi ôm súng dựa lưng vách hầm nghe bài thơ này qua Đài tiếng nói Việt Nam từ chiếc radio nhỏ và chúng tôi đã ôm nhau khóc trong tiếng mưa rơi của đất trời. Bây giờ, sau 6 năm giữa Sài Gòn giải phóng tôi lại được nghe chính Thu Bồn đọc, thật không gì hạnh phúc hơn. 

Cái giọng trầm ấm, âm vang của Thu Bồn rung lên như tiếng đàn bầu. Cả khối người im phăng phắc. Không khí lắng xuống. Vài chiếc lá rời cành lặng lẽ thả mình vào khoảng không yên lặng như cũng muốn bày tỏ “nỗi niềm” của thiên nhiên đất trời. Tôi nghe được cả tiếng tim mình đập nhẹ. Thu Bồn tay cầm chiếc mũ, vẻ mặt xúc động chậm rãi đọc tiếp: “Hành trang Bác chẳng có gì. Một đôi dép mỏng đã lì chông gai. Cho con núi rộng sông dài. Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm. Tiếc rằng trước lúc chia ly. Con chưa thấy được dáng đi của Người. Hẳn trong đôi mắt sáng ngời. Vẫn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam…”.

Thu Bồn chợt run rẩy nghẹn ngào rồi nấc lên: “Hẳn trong đôi mắt sáng ngời. Vẫn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam. Con qua Cẩm Lệ sông Hàn. Ngũ Hành Sơn đứng mơ màng bóng Cha…”. Mấy trăm con người không kìm nén nổi. Xúc động vỡ òa, những tiếng sụt sịt nổi lên khắp sân trường. Nhìn sang bên, tôi bắt gặp những gương mặt ướt đẫm nước mắt. Không ai  che giấu, họ muốn tỏ bày niềm hãnh diện tự hào được rơi nước mắt vì một con người đã hiến trọn cuộc đời cho quốc gia dân tộc.

Những câu thơ sau cùng, Thu Bồn như cố dồn hết tâm sức và tình cảm: “Con xin gửi nắm đất nồng. Chắn che giữ nước sông Hồng đang lên. Con xin làm một mũi tên. Xòe năm cánh nhọn giương trên thành đồng”… Nhà thơ kết thúc bài thơ, cũng là khép lại buổi nói chuyện, nhưng không ai muốn đứng dậy, mọi người như muốn kéo dài thêm phút giây đáng nhớ và đáng quí trong cuộc đời mình. Có lẽ Thu Bồn cũng không ngờ hiệu ứng bài thơ về Bác lại sâu sắc đến thế. Và cũng không ai nghĩ một con người cá tính mạnh mẽ, bạo liệt như anh lại mang một tâm hồn nhạy cảm, dễ xúc động đến vậy...

Với những đóng góp trong sự nghiệp sáng tác văn học, năm 2001 nhà thơ Thu Bồn đã được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước. Năm 2017 ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cuộc đời sáng tác văn học của ông là một dòng chảy không ngơi nghỉ, nó chỉ dừng lại khi ông từ giã cõi đời - ngày 17/6/2003. Ông là một nhà thơ-Chiến sĩ đúng nghĩa.

Nhà thơ Thu Bồn và bài thơ về Bác Hồ ảnh 1 Bìa cuốn Tuyển tập trường ca Thu Bồn

Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng, quê xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Năm 11 tuổi, chàng trai Hà Đức Trọng vào thiếu sinh quân, và anh đã đi hết 3 cuộc kháng chiến: Chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Gắn bó với chiến trường Khu 5 từ khi bước vào cuộc đời lính cho tới ngày kết thúc chiến tranh. Sau khi thành danh, anh được điều về công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội rồi lại tiếp tục khoác ba lô trở lại chiến trường quen thuộc Khu 5 với tư cách nhà thơ chiến sĩ. Thu Bồn là bút danh lấy tên một dòng sông quê hương Quảng Nam của nhà thơ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.