Tranh chấp biên giới Trung -Ấn: New Delhi tố Bắc Kinh cố thay đổi nguyên trạng

Hồ Pangong Tso nhìn từ phía Ấn Độ. Ảnh: AP
Hồ Pangong Tso nhìn từ phía Ấn Độ. Ảnh: AP
TP - Ấn Độ hôm qua nói quân đội Trung Quốc di chuyển lực lượng nhằm thay đổi hiện trạng ở khu vực biên giới tranh chấp. Ảnh vệ tinh mới cho thấy có thể Trung Quốc đang lắp đặt hệ thống tên lửa gần biên giới Ấn Độ.

Chỉ huy quân sự cấp cao của hai bên hôm qua vẫn đang gặp nhau để giải quyết vấn đề. Ấn Độ nói rằng, họ cam kết duy trì đối thoại nhưng cũng “quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ”.

“Vào đêm 29-30/8, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vi phạm đồng thuận đạt được trong các cuộc đàm phán quân sự và ngoại giao giữa hai nước về tình thế đối đầu đang xảy ra ở phía đông Ladakh và thực hiện việc di chuyển quân mang tính khiêu khích nhằm thay đổi nguyên trạng”, tuyên bố của phía Ấn Độ nói và cho rằng, quân đội nước này đang thực hiện các biện pháp nhằm “củng cố vị trí của chúng tôi và cản trở ý định của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi thực tế trên thực địa”.

Tuyên bố nói rằng, sự việc diễn ra trên bờ phía nam của hồ Pangong Tso, một hồ băng được phân chia bởi đường kiểm soát giữa hai quốc gia và cũng là nơi quân đội hai bên đối đầu nhau hồi đầu tháng 5/2020. Đường biên giới dài 3.500km chưa được phân chia giữa Ấn Độ và Trung Quốc trải dài từ vùng Ladakh ở phía bắc xuống bang Sikkim của Ấn Độ. Sau chiến tranh biên giới năm 1962, hai cường quốc châu Á này cố gắng giải quyết tranh chấp biên giới từ đầu những năm 1990 nhưng không thành công. Đợt đối đầu giữa lực lượng hai nước hiện nay là vì tranh giành khu vực, nơi có một trong những hệ thống nước tưới tiêu lớn nhất thế giới và cũng là một nơi kết nối quan trọng trong dự án hạ tầng Vành đai Con đường mà Trung Quốc đang triển khai.

Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng các lực lượng ở biên giới đang trao đổi về những vấn đề gần đây, nhưng không nói cụ thể. “Quân đội Trung Quốc trên biên giới luôn tuân thủ nghiêm ngặt Đường kiểm soát thực tế và chưa bao giờ vượt qua đường kiểm soát này vì bất kỳ hành động nào”, AP dẫn lời ông Triệu nói tại cuộc họp báo thường kỳ.

Nhưng Ấn Độ tố Trung Quốc “vi phạm đồng thuận” giữa hai bên rằng sẽ giảm căng thẳng ở biên giới. Nhiều vòng đàm phán quân sự và ngoại giao đã được tiến hành để kết thúc khủng hoảng, nhưng đều không thành công.

Căng thẳng nghiêm trọng gần đây nhất là cuộc ẩu đả giữa binh lính hai bên hôm 15/6 ở khu vực tranh chấp, khiến 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng, trong khi phía Trung Quốc thừa nhận có thương vong nhưng không công bố số lượng.

Hệ thống tên lửa mới

Ngày 30/8, báo Ấn Độ Hindustan Times dẫn hình ảnh vệ tinh nguồn mở nói rằng, Trung Quốc đang củng cố hiện diện quân sự trên biên giới tranh chấp giữa hai nước. Ảnh vệ tinh do một nhà phân tích tình báo đăng trên Twitter cho thấy có vẻ Trung Quốc đang xây dựng hai hệ thống tên lửa đất đối không, một ở khu vực ngã ba biên giới giữa Ấn Độ, Bhutan và Trung Quốc, còn hệ thống kia được đặt tại vùng đất của Trung Quốc đối diện với  bang Sikkim của Ấn Độ. Hindustan Times dẫn lời các chuyên gia nói rằng, những hệ thống tên lửa phòng không gần trạm radar sẽ giúp phía Trung Quốc chọn vị trí tấn công chính xác hơn.

Hệ thống tên lửa mới cách giao lộ Doka La, nơi xảy ra cuộc đối đầu 73 ngày giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ hồi năm 2017, và cách Naku La, nơi quân đội hai bên đụng độ hôm 9/5, chỉ hơn 70km.

Căng thẳng biên giới giữa hai nước đã lan sang các lĩnh vực khác. Ấn Độ đã cấm hàng loạt ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có TikTok, với lý do là quan ngại vấn đề an ninh quốc gia.

Các nguồn tin nói rằng, Trung Quốc đang gây sức ép lên Bhutan để nhất trí với thỏa thuận ở Doklam, nơi giáp với cả Ấn Độ, để cho phép lực lượng Trung Quốc tăng cường hiện diện ở khu vực này, báo The Print đưa tin.

MỚI - NÓNG