Đức- Nga lại căng thẳng vì vụ 'đầu độc'

Lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny
Lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny
TP - Thủ tướng Đức Angela Merkel đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các phe cánh trong nước đòi bà chấm dứt ủng hộ Nord Stream 2, dự án đường ống chung Đức-Nga, sau vụ việc mà một số người Đức gọi là “đầu độc” nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny.

Đảng Xanh của Đức kêu gọi thủ tướng sử dụng dự án hạ tầng gần như đã hoàn thành để ép Kremlin trả lời các cáo buộc về cái mà bà Merkel gọi là “hành động bịt miệng” Navalny bằng chất độc thần kinh novichok.

Katrin Goring-Eckardt, đại diện của đảng Xanh trong quốc hội Đức được Guardian dẫn lời, nói: “Nord Stream 2 không còn là thứ mà chúng ta có thể cùng theo đuổi với Nga”.

 Trong khi đó, phía Nga khẳng định không có lý do gì để phương Tây cáo buộc họ về Navalny và nói rằng, bất kỳ phản ứng nào từ Đức hoặc các nước khác sẽ là quá sớm. Điện Kremlin tuyên bố các cuộc kiểm tra tại bệnh viện được thực hiện đối với Navalny tại Nga trước khi ông này được đưa đến Berlin không tìm thấy gì đáng ngờ.

 “Không có căn cứ nào để buộc tội nhà nước Nga. Và chúng tôi không có ý định chấp nhận bất kỳ cáo buộc nào về chuyện này”, thư ký báo chí của Tổng thống Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, nói.

 Những lời kêu gọi dừng vĩnh viễn việc xây dựng hai đường ống dài 1.230 km bên dưới biển Baltic, từ vịnh Narva ở Nga đến thị trấn Lubmin của Đức, đã được nêu ra trong các cuộc họp đảng CDU của thủ tướng Đức.

Norbert Rottgen, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Đức và là ứng cử viên cho chức vụ lãnh đạo CDU, nói với truyền thông Đức hôm 2/9: “Liên minh châu Âu nên cùng quyết định dừng Nord Stream 2”

Tờ báo lá cải Bild cũng kêu gọi sự thay đổi ý kiến từ thủ tướng Merkel, người gần đây đã nhắc lại ý định của chính phủ của bà là hoàn thành dự án trị giá hàng tỷ euro.

 “Chính phủ có thể lên án vụ đầu độc bằng những điều kiện mạnh mẽ nhất có thể ”, một bài xã luận trên tờ Bild viết.

Sergei Naryshkin, người đứng đầu cơ quan tình báo đối ngoại của Nga cho rằng rất có thể có bóng dáng của các cơ quan tình báo phương Tây đằng sau vụ việc ầm ĩ này, theo tường thuật của RIA Novosti.

Không chỉ Mỹ mà các quốc gia ở Đông Âu và vùng Baltic đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về đường ống kể từ khi cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroder phê duyệt việc xây dựng nó vào năm 2005, nói rằng nó sẽ làm tăng ảnh hưởng địa chính trị của ông Putin.

Hôm 2/9, Berlin tuyên bố rằng một phòng thí nghiệm quân sự của Đức sở hữu bằng chứng không thể chối cãi về việc Navalny, 44 tuổi, bị nhiễm một loại chất độc thần kinh nhóm novichok, theo Sputnik.

Phản ứng trước các tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lưu ý rằng, quan điểm của chính phủ Đức thiếu bằng chứng và nói thêm thật khó hiểu là Berlin lại làm việc với EU, NATO và các bên thứ ba, chẳng hạn như Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), liên quan đến vụ việc, thay vì liên hệ trực tiếp với Nga.

Theo Sputnik, vào ngày 20/8, Navalny bị ốm nặng trong một chuyến bay nội địa Nga. Sau khi hạ cánh khẩn cấp ở thành phố Omsk ở Siberia, anh được đưa đến bệnh viện địa phương, theo các bác sĩ, chỉ 17 phút sau khi hạ cánh.

Trong 44 giờ tiếp theo, các bác sĩ đã liên tục nỗ lực để giành lấy sự sống cho Navalny khi anh ta hôn mê và phải sử dụng máy thở nhân tạo.

Ngay sau khi Navalny đổ bệnh, người phát ngôn của anh ta là Kira Yarmysh cho rằng anh có thể đã bị đầu độc.

Sau khi tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, các bác sĩ Nga nói không tìm thấy dấu vết chất độc nào trong cơ thể anh ta, nói rằng tình trạng của Navalny là do giảm đột ngột lượng glucose trong máu do mất cân bằng trao đổi chất.

Vào ngày 22/8, Navalny được đưa đến Berlin để điều trị thêm. Các bác sĩ Đức tuyên bố, họ đã tìm thấy dấu vết của một chất thuộc nhóm ức chế men cholinesterase trong cơ thể Navalny, điều mà các bác sĩ Nga bác bỏ.

MỚI - NÓNG