Hải quân Trung Quốc lớn nhất thế giới, vẫn kém hải quân Mỹ ở điều gì?

Khu trục hạm 052C của hải quân Trung Quốc
Khu trục hạm 052C của hải quân Trung Quốc
TPO - Báo cáo mới của Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố Hải quân Trung Quốc (PLAN) nay là lực lượng hải quân lớn nhất trên thế giới. Theo Lầu Năm Góc, PLAN có 350 tàu chiến, so với 293 tàu của Hải quân Mỹ. Trong khi Hải quân Mỹ lớn hơn nhiều về trọng tải, lợi thế đó có thể không còn do lịch trình đóng tàu dày đặc của Trung Quốc.

Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc luôn đạt mức tăng trưởng hai con số trong chi tiêu quốc phòng. Sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc đã cho phép nước này chi tiêu nhiều hơn cho các lực lượng vũ trang. Trên thực tế, ngân sách quốc phòng đã tăng gấp sáu lần trong sáu thập kỷ qua, với trọng tâm là hiện đại hóa các lực lượng tác chiến và xây dựng khả năng triển khai sức mạnh - đặc biệt là Hải quân Trung Quốc.

Vào cuối những năm 1970, Trung Quốc là một quốc gia tương đối nghèo và dựa vào khái niệm “Chiến tranh nhân dân” để chống lại các cuộc chiến tranh. Các lực lượng mặt đất, bao gồm quân đội và du kích, sẽ bao vây và tiêu diệt lực lượng đối phương trong một cuộc chiến tiêu hao. Hải quân Trung Quốc chủ yếu là một lực lượng bảo vệ bờ biển, hiếm khi triển khai sức mạnh quá 100 dặm từ bờ biển.

Năm 1979, PLAN có hơn 140 tàu tên lửa, 53 tàu hộ tống, 12 khinh hạm, 11 tàu khu trục, 75 tàu ngầm và 15 tàu đổ bộ. Ngay cả khi đó, hầu hết các tàu đều đã lỗi thời, trang bị các tên lửa và cảm biến cũ hơn khiến chúng không thể so sánh với Hải quân Mỹ — hoặc gần như bất kỳ lực lượng hải quân lớn nào khác.

Báo cáo Phát triển An ninh và Quân sự năm 2020 của Lầu Năm Góc về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho biết PLAN nay là “lực lượng hải quân lớn nhất thế giới” về số lượng với 350 tàu chiến hoặc các tàu có thể đóng góp vào các hoạt động chiến đấu. Số này bao gồm 86 tàu tuần tra tên lửa, 49 tàu hộ tống, 53 khinh hạm, 32 tàu khu trục, một tàu tuần dương, 52 tàu ngầm tấn công hạt nhân và thông thường, 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, 58 tàu đổ bộ chủ lực và hai tàu sân bay, chưa kể 100 tàu của các lực lượng khác.

Bốn thập kỷ qua đã tạo ra sự khác biệt to lớn cho PLAN. Đội bay lớn hơn và gần như được hiện đại hóa hoàn toàn. Khinh hạm Type 054A Giang Khải II ít nhiều ngang tầm với các tàu khu trục nhỏ của phương Tây, đặc biệt là các tàu châu Âu, trong khi tàu tuần dương Type 055 Nhân Hải mới có thể là đối thủ thực sự đối với các tàu lớp Ticonderoga cũ kỹ của Hải quân Mỹ.

Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay đầu tiên, Liêu Ninh, vào năm 2012, gần đây đã hoàn thành chiếc thứ hai và hiện đang đóng chiếc thứ ba. Các tàu đổ bộ có thể chở quân qua eo biển Đài Loan ngày càng lớn hơn và có năng lực hơn. Mặc dù Trung Quốc vẫn đang đầu tư vào các tàu tuần tra nhỏ hơn và tàu hộ tống hữu ích cho phòng thủ bờ biển, nhưng việc tăng cường các tàu có kích thước khu trục trở lên có thể thách thức các hạm đội của Mỹ và Nhật Bản ở Tây Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều này, hạm đội Trung Quốc vẫn nhỏ hơn Hải quân Mỹ ở một chỉ số quan trọng: tổng trọng tải. Tổng trọng lượng của tất cả các tàu trong Hải quân Trung Quốc là khoảng 1,8 triệu tấn, mặc dù con số đó hơi cũ và thậm chí có thể lên tới 2 triệu tấn.

Một số yếu tố giải thích cho sự chênh lệch. Hạm đội của Trung Quốc vẫn bao gồm gần 140 tàu tên lửa và tàu hộ tống để phòng thủ bờ biển. Đó là các tàu tên lửa lớp Hồ Bắc Type 022 và tàu hộ tống Type 056 lớp Giang Đảo. Mỹ, bao quanh bởi các nước láng giềng thân thiện và cách xa bất cứ kẻ thù tiềm tàng nào hàng ngàn dặm , thậm chí không cần bận tâm với tàu bảo vệ bờ biển. Các tàu của Hải quân Mỹ nói chung, từ tàu ngầm đến tàu sân bay, cũng thường lớn hơn các đối thủ Trung Quốc từ 10 đến 20%.

Nhưng theo Popular Mechanics, lợi thế thực sự của Hải quân Mỹ nằm ở hàng không mẫu hạm lớn và tàu tấn công đổ bộ. Hải quân Mỹ có 11 tàu sân bay từ 100.000 tấn trở lên, 9 tàu vận tải đổ bộ lớp Wasp và America (không bao gồm USS Bonhomme Richard, bị cháy hồi tháng 7). Trung Quốc có hai tàu sân bay khoảng 60.000 tấn, và đang chế tạo tàu vận tải đổ bộ đầu tiên, Type 075. Toàn bộ hạm đội hạng thấp của Trung Quốc - lực lượng gồm 137 tàu tuần tra tên lửa và tàu hộ tống - thậm chí không ngang bằng một tàu sân bay Mỹ nào về trọng tải.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong bốn thập kỷ qua và tiếp tục bắt kịp Hải quân Mỹ. PLAN đã trang bị hai tàu sân bay và có khả năng sẽ xây dựng một lực lượng từ sáu đến tám chiếc, điều này sẽ giúp thu hẹp đáng kể khoảng cách về trọng tải. PLAN gần như chắc chắn sẽ đóng thêm nhiều tàu đổ bộ Type 075 và có báo cáo về một tàu sân bay tấn công Type 076 mới. Trung Quốc đang đóng tàu nhanh đến mức báo cáo của Lầu Năm Góc thậm chí không thể theo kịp; dữ liệu trong báo cáo mới là 8 tháng, nhưng vào cuối tháng trước, Trung Quốc đã hạ thủy thêm hai tàu khu trục Type 052D mới và hai tàu tuần dương Type 055.

Trung Quốc có thể không bao giờ đuổi kịp Hải quân Mỹ; nền kinh tế của đất nước này dự kiến sẽ chậm lại do yếu tố nhân khẩu học và cải cách kinh tế xã hội sẽ làm giảm chi tiêu quốc phòng. Nhưng Trung Quốc thậm chí có thể không cần phải theo kịp tốc độ: Không giống như Hải quân Mỹ, Hải quân Trung Quốc không phải tuân theo các cam kết toàn cầu yêu cầu các tàu ở châu Âu, Trung Đông, Trung và Nam Mỹ và các nơi khác.

MỚI - NÓNG