Súng nổ trên biên giới Trung - Ấn

Một lính Ấn Độ làm nhiệm vụ ở biên giới trên dãy Himalaya ảnh: DPA
Một lính Ấn Độ làm nhiệm vụ ở biên giới trên dãy Himalaya ảnh: DPA
TP - Trung Quốc và Ấn Độ hôm qua cáo buộc nhau nổ súng ở biên giới tranh chấp, vi phạm thỏa thuận mà hai bên đạt được từ năm 1996 và khiến căng thẳng gia tăng thêm trên vùng núi Himalaya. 

Ông Zhang Shuili, phát ngôn viên Quân khu miền tây của Trung Quốc, sáng qua nói quân Ấn Độ đã vi phạm thỏa thuận vì vượt qua đường kiểm soát thực tế (LAC) tại một tiền đồn chiến lược ở khu vực hồ Pangong Tso hôm 7/9. Tuyên bố nói rằng quân đội Trung Quốc đã “buộc phải có phản ứng khẩn cấp để ổn định tình hình”, yêu cầu Ấn Độ ngay lập tức dừng “hành động nguy hiểm” và rút quân.

Ông Zhang nói quân Ấn Độ đã bắn một số phát súng lên trời khi quân Trung Quốc đến hiện trường. “Hành động của phía Ấn Độ đã vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận song phương và làm gia tăng căng thẳng ở khu vực. Đó là hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng”, Reuters dẫn lời ông Zhang.

Vài giờ sau đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ bác bỏ cáo buộc lính của họ đã nổ súng và cáo buộc phía Trung Quốc nổ súng trong sự việc. “Chính quân Trung Quốc đã cố tiếp cận một trong các vị trí tiền tiêu của chúng tôi ở dọc LAC”, tuyên bố nói.

New Delhi nói rằng quân lính Trung Quốc đã bắn “vài phát lên không trung” nhằm dọa nạt quân Ấn Độ. Tuyên bố chỉ trích lính Trung Quốc “hành động hung hăng”. “Bất chấp những hành động khiêu khích nghiêm trọng, quân đội của chúng tôi đã hết sức kiềm chế và ứng xử một cách chín chắn và có trách nhiệm”, tuyên bố nói. Ấn Độ khẳng định cam kết vì hòa bình nhưng quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn quốc gia “bằng mọi giá”.

Gây sức ép

Ấn Độ và Trung Quốc ký một thỏa thuận vào năm 1996 về việc không nổ súng trong vòng 2km tính từ LAC. Báo chí Ấn Độ nói rằng vụ việc hôm qua đánh dấu lần đầu tiên có tiếng súng nổ kể từ xung đột năm 1975.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar mô tả tình hình ở biên giới là “rất nghiêm trọng”. Phát biểu tại một sự kiện do báo Indian Express tổ chức tại New Delhi tối 7/9, trước khi thông tin về vụ nổ súng được báo chí đăng tải, ông Jaishankar nói: “Nếu hòa bình và ổn định ở biên giới không được bảo đảm thì phần còn lại của quan hệ sẽ không thể tiếp tục trên cùng một nền tảng”.

Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu viết trong bài bình luận đăng ngày 8/9 rằng quân Ấn Độ có “nguy cơ bị tiêu diệt” nếu họ sử dụng súng một cách liều lĩnh. Ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ báo, viết trên Twitter: “Như tôi được biết, phân tích của quân đội Trung Quốc là: phía Ấn Độ đang đánh giá thấp ý chí của Trung Quốc như họ từng làm trước năm 1962 và cho rằng Trung Quốc không dám tiến đến chiến tranh”.

Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh gặp người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Mátxcơva vào cuối tuần trước và hai bên đồng ý giảm căng thẳng ở biên giới.

“Nếu những bài báo về việc nổ súng ở biên giới là thật thì căng thẳng Trung - Ấn rõ ràng đang leo thang, bất chấp thỏa thuận giữa hai bên và nhiều cuộc đối thoại nhằm hạ nhiệt tình hình”, ông Derek Grossman, nhà nghiên cứu tại hãng tư vấn RAND Corp tại Washington, đánh giá.

“Có tin đồn rằng Trung Quốc đang giận dữ với những sự kiện diễn ra với Ấn Độ, và có thể đang muốn gây sức ép để để xoay chuyển tình hình”, ông Grossman nói với Bloomberg. “Trung Quốc luôn đánh giá Ấn Độ là "dưới cơ", và thua thiệt ở biên giới, dù chỉ mang tính biểu tượng chứ không phải về lãnh thổ, cũng sẽ là đòn giáng tâm lý lớn và không thể chấp nhận đối với sự tự tin và hình ảnh quốc tế của Trung Quốc”, ông nhận xét.

Báo Ấn Độ Hindustan Times viết rằng mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là gây bất ổn cho Ấn Độ băng cách gây áp lực liên tục dọc LAC nhằm tác động lên chính thể và hình ảnh của Thủ tướng Narendra Modi. Báo này viết rằng trong khi kẻ thù chính của Trung Quốc trên biển Đông là Mỹ, thì đối thủ chính của họ ở Ladakh, vùng tiếp giáp với Tây Tạng và Tân Cương, là một Ấn Độ đang mạnh lên.

MỚI - NÓNG