Kỳ 1: ÁN OAN                                              

Nhiều câu hỏi sau một vụ án oan ở Quảng Trị

 Ông Phan Chí Lộc trong buổi nghe VKSND tỉnh Quảng Trị xin lỗi công khai nạn nhân oan sai (năm 2017). Ảnh: PXD
Ông Phan Chí Lộc trong buổi nghe VKSND tỉnh Quảng Trị xin lỗi công khai nạn nhân oan sai (năm 2017). Ảnh: PXD
TP - Họ đã sống, từng có cơ ngơi nhà cửa đàng hoàng, con cái du học tử tế và công việc cũng như thu nhập rất ổn định, nhưng rồi mất trắng phải đi ở nhà trọ hơn mười mấy năm qua trong tình cảnh lay lắt ốm đau, cay đắng tận cùng sau một vụ án oan sai.             

Đó là vụ án vợ chồng ông Phan Chí Lộc trú tại khu phố 3, phường 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Oan trái nhân đôi

Ngồi trong căn nhà trọ chật chội, ẩm thấp, nóng hầm hập giữa mùa hè, ông Phan Chí Lộc kể lại vụ án đời mình như đã thuộc lòng, kể cả các văn bản tố tụng, từ ngày tháng đến nội dung. Nó ám vào đời một ông lão tuổi đã bảy mươi.

Năm 2007, vợ chồng ông Phan Chí Lộc (sinh năm 1950) và bà Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1959) trú tại phường 1, TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) là Phó Giám đốc và Giám đốc Công ty TNHH Lộc Hòa Việt Úc (hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động) đang làm ăn bình thường thì bất ngờ tai bay vạ gió. Ông bà bị khởi tố, truy tố và xét xử trong vụ án hình sự môi giới đưa người ra nước ngoài lao động với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Số là năm 2006 ông Lộc sang Úc thăm con trai là Phan Chí Phương thì gặp Dương Thị Minh Phụng (người Việt, quốc tịch Úc). Với hành vi lừa đảo, Phụng tự xưng mình là Nguyễn Thị Hương làm việc ở Bộ Di trú Úc, có khả năng đưa người Việt sang Úc. Cụ thể mỗi suất du học 360 triệu đồng, mỗi suất du lịch 100 triệu đồng và mỗi suất xuất khẩu lao động là 270 triệu đồng. Khi ông Lộc về lại Việt Nam, Phụng đạo diễn cho Dương Thị Yến Nhi gặp ông kết nối để nhận tiền và hồ sơ xuất ngoại.

Có được thông tin từ Yến Nhi, ông Lộc đã về quê gốc ở Bố Trạch (Quảng Bình) thuật lại câu chuyện sang Úc và nhiều người đồng hương đã nộp tiền, đăng ký sang Úc. Tổng cộng số tiền này là 7,5 tỷ đồng, ông đã chuyển hết vào tài khoản Dương Thị Yến Nhi để Nhi trực tiếp đưa cho Dương Thị Minh Phụng.

Một tình tiết quan trọng, là chính vợ chồng ông Lộc đã cho 9 người vay khoảng 1 tỷ đồng với cam kết lúc nào họ nhận được visa thì hoàn trả tiền. Việc đã không thành vì chính vợ chồng ông cũng bị kẻ gian lừa, mất cả tỷ bạc, còn gần 30 nạn nhân xuất ngoại cũng mất tiền mà không đi được nên đâm đơn kiện tụng, kêu cứu. Vậy là vợ chồng ông bị cơ quan điều tra truy tố cáo buộc tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ông Phan Chí Lộc bị bắt tạm giam 368 ngày, sau đó bị kết án 9 năm tù giam, còn bà Hòa 7 năm tù giam. Sau thời gian tạm giam, ông Lộc được tại ngoại, và vợ chồng ông liên tục có đơn kêu oan. Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, ông Phạm Đức Châu thời điểm đó cũng đã đưa vụ án này ra nghị trường Quốc hội.

Vợ chồng ông Lộc kêu oan suốt 10 năm, và vụ án đã qua 4 phiên tòa xét xử. Đến năm 2016, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đình chỉ điều tra vụ án. Đến  năm 2017, VKSND tỉnh tổ chức buổi xin lỗi công khai nạn nhân oan sai và tiếp đó thương lượng với nạn nhân bồi thường 1,4 tỷ đồng (tính tròn).

Nhiều câu hỏi sau một vụ án oan ở Quảng Trị ảnh 1 Ông Phan Chí Lộc hơn 10 năm lay lắt sống tại phòng trọ   ảnh: PXD

Sau khi trao đổi, không đồng ý với số tiền nói trên, ông Phan Chí Lộc đã khởi kiện VKSND tỉnh Quảng Trị ra TAND TP Đông Hà với yêu cầu bồi thường 32 tỷ đồng. Phiên tòa dân sự sơ thẩm ngày 14/1/2018 tuyên VKSND tỉnh bồi thường hơn 1,3 tỷ đồng. Ông Lộc kháng cáo bản án sơ thẩm. Phiên tòa phúc thẩm xử nhích lên bồi thường xấp xỉ 1,7 tỷ đồng. Vợ chồng ông Phan Chí Lộc lại tiếp tục đề nghị giám đốc thẩm nhưng cho đến nay vẫn không được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Ông Phan Chí Lộc kể xong lắc đầu bức xúc: “Vợ chồng tôi từng có 3 cửa hàng tại chợ tỉnh Đông Hà, một ngôi nhà ba tầng mặt tiền ở đường Nguyễn Huệ nhưng rồi mất trắng vì vụ án này. Hai đứa con tôi đang học đại học phải bỏ dở nửa chừng. Gia đình tôi bị buộc phải đẩy ra đường mới đến nỗi này. Một gia đình chỉ cần một người chịu cảnh oan sai đã khổ cực, cay đắng muôn phần, huống chi nhà tôi cả vợ lẫn chồng đều chịu oan trái. Vợ tôi chết, hay cả tôi cũng vậy thì sẽ làm đám tang ở đâu, thờ phụng thế nào đây?”.

Chị Phan Thị Thủy, con gái đầu của ông bà chia sẻ: “Mẹ tôi chạy thận giai đoạn dài cũng vì hậu quả vụ án gây ra. Khi vụ án xảy ra, mẹ tôi có lúc muốn tự tử vì không chịu nổi những thử thách nghiệt ngã. Còn giờ thì bệnh tật không biết sống chết lúc nào. Tôi đã lấy chồng, dẫn cả con còn nhỏ về chăm mẹ, vất vả không nói hết”.

Bà Nguyễn Thị Hòa nằm trên sàn nhà trọ, phều phào : “Nếu cấp trên không xem xét cho gia đình tôi, bồi thường tử tế và nhất là trả lại ngôi nhà cho chúng tôi thì tôi chết cũng không nhắm mắt”.    

Chị Phan Thị Thủy, con gái đầu của ông bà chia sẻ: “Mẹ tôi chạy thận giai đoạn dài cũng vì hậu quả vụ án gây ra. Khi vụ án xảy ra, mẹ tôi có lúc muốn tự tử vì không chịu nổi những thử thách nghiệt ngã. Còn giờ thì bệnh tật không biết sống chết lúc nào. Tôi đã lấy chồng, dẫn cả con còn nhỏ về chăm mẹ, vất vả không nói hết”.

Tiếng kêu cứu trong mưa lũ

Tôi còn nhớ như in một đêm mưa gió cách đây chưa lâu vào dịp cuối năm, trong đêm mưa lũ bất thường tại Quảng Trị, nhiều người chứng kiến trên mạng xã hội các clip do người nhà ông Phan Chí Lộc đưa lên kêu cứu. Phòng trọ chật chội, ẩm thấp chứa ba thế hệ đã ngập lụt. Đêm ấy, bà Nguyễn Thị Hòa, vợ ông Lộc điện thoại cho tôi nghẹn ngào khẩn thiết nhờ ghi nhận tình cảnh và giúp đỡ. Từ một gia đình có cơ ngơi, công việc đàng hoàng, giờ sống lay lắt ở nhà trọ trong cảnh ốm đau, chỉ vì một vụ án oan sai.

Đón xem Kỳ 2: VÌ SAO MẤT NHÀ?
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.