Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năng lực số không thể thiếu đối với học sinh

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năng lực số không thể thiếu đối với học sinh
TPO - Năng lực số là không thể thiếu đối với mỗi học sinh, do vậy việc rèn luyện kĩ năng số phải được triển khai từ sớm, ngay từ những cấp học đầu tiên ở các dạng thức đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Giáo dục và Lao động ASEAN với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực trong thế giới công việc đang thay đổi” do Việt Nam đăng cai tổ chức, chiều 16/9. Hội nghị được kết nối tới hơn 70 điểm cầu trong khu vực ASEAN. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự Hội nghị.

Phát biểu chào mừng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, thách thức lớn nhất mà ASEAN phải đối mặt hiện nay là làm thế nào để phát triển lực lượng lao động chất lượng cao trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, với những ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế, thị trường việc làm và những yêu cầu về kĩ năng thiết yếu.

Theo người đứng đầu ngành Giáo dục Việt Nam, thành công của một nền giáo dục không chỉ đơn thuần là tỷ lệ sinh viên, học viên tốt nghiệp, khả năng tìm kiếm việc làm của người học hay vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế, mà còn là sự phát triển bền vững và lâu dài, khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro, năng lực đổi mới và sáng tạo của người lao động.

Để chuẩn bị cho nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hoá, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục tại mỗi quốc gia. Trong thập kỉ vừa qua, khối ASEAN nói chung đã có bước tiến đáng kể trong các chỉ số tiến bộ xã hội, đặc biệt là về giáo dục cơ bản. Chính phủ các nước thành viên cũng thể hiện quyết tâm và ủng hộ đối với hội nhập quốc tế giáo dục đại học.

Chia sẻ thêm tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị với chủ đề “các hệ thống giáo dục và đào tạo sẵn sàng cho tương lai để thúc đẩy các kỹ năng của thế kỷ 21”, người đứng đầu ngành Giáo dục Việt Nam khẳng định, năng lực số là không thể thiếu đối với mỗi học sinh, do vậy việc rèn luyện kĩ năng số phải được triển khai từ sớm, ngay từ những cấp học đầu tiên ở các dạng thức đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.

“Nhận thức được vấn đề này, ngành Giáo dục đã tập trung trang bị cho học sinh những kĩ năng về chuyển đổi số ở mọi cấp học, hướng đến hình thành một thế hệ công dân số. Trong đó, môn Ngoại ngữ và Tin học đã đưa vào giảng dạy ngay từ đầu cấp tiểu học”, Bộ trưởng chia sẻ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thế giới đã và đang trải qua những biến đổi to lớn, trong đó có chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0, các vấn đề an ninh phi truyền thống và trực tiếp hiện hữu nhất vào thời điểm này là dịch bệnh.

Theo Phó Thủ tướng, trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19, trên thế giới, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ASEAN đã có rất nhiều diễn đàn ở các cấp độ bàn về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Dù ở cấp độ nào, giác độ nào, các diễn đàn này đều khẳng định phải tăng cường đổi mới giáo dục để mọi người dân, ngay từ khi còn nhỏ, phải được thôi thúc, khơi dậy sáng tạo, được rèn luyện kỹ năng thích ứng với sự thay đổi.

Bên cạnh giáo dục trong nhà trường cần đặc biệt chú ý giáo dục người lớn, học tập suốt đời và phổ biến tri thức cho người dân để tất cả mọi người, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, đều có thể tiếp cận nhanh, tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách chủ động nhất.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Không chỉ có giáo dục, đào tạo, mà tất cả các chính sách về an sinh xã hội, tạo lưới an sinh, xóa đói, giảm nghèo… cũng cần thay đổi. Bên cạnh những cơ chế truyền thống, cần có những cơ chế mới để tất cả người lao động có cơ hội và nhận thức được nghĩa vụ phải tự cập nhật kiến thức, được trang bị kỹ năng nghề nghiệp mới, thậm chí luôn sẵn sàng để chuyển đổi nghề nghiệp.

MỚI - NÓNG