Tổng Thư ký Quốc hội: 'Tăng 1 biên chế cũng phải báo cáo Bộ Chính trị'

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
TPO - “Ở địa phương, biên chế bên này tăng lên thì bên kia sẽ phải giảm đi. 1 biên chế tăng lên cũng phải báo cáo Bộ Chính trị, không đơn giản đâu, nên tôi không ngại”, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Sáng 18/9, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, việc thành lập Văn phòng chung trên cơ sở hợp nhất 2 văn phòng: Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cần kế thừa và phát triển những mặt tích cực, ưu điểm của Văn phòng trước đây và khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Cùng với đó, Văn phòng này phải đảm bảo tinh gọn, đồng bộ, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao.

Văn phòng sau thành lập đương cấp Sở, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân.

Về số lượng lãnh đạo, có Chánh Văn phòng và không quá 3 Phó Chánh Văn phòng. Về số lượng, mỗi Văn phòng có 3 phòng: Phòng Công tác Quốc hội, Phòng Công tác Hội đồng nhân dân và Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị.

Trong đó, Phòng thuộc Văn phòng ở thành phố Hà Nội và TPHCM có từ 10 –14 biên chế công chức, còn Phòng thuộc Văn phòng cấp tỉnh loại I có từ 9 –14 biên chế công chức, với cấp tỉnh loại II và loại III có từ 8 – 14 biên chế công chức được bố trí không quá 2 Phó Trưởng phòng.

Riêng về thẩm quyền, Văn phòng Quốc hội đề xuất lựa chọn theo phương án 1 – giao Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thành lập, vì Văn phòng này là cơ quan tương đương cấp sở chứ không phải cơ quan cấp sở và không hoàn toàn thuộc địa phương giống như các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành phương án giao HĐND cấp tỉnh quyết định thành lập Văn phòng.

Về số lượng phòng, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc xác định số lượng phòng phải căn cứ vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc, số lượng vị trí việc làm và số biên chế được giao. Dự thảo Nghị quyết quy định cứng Văn phòng có 3 phòng và giao cho địa phươngcó thể quyết định thành lập thêm 1 phòng căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương là cần thiết.

Không ngại tăng biên chế

Để phù hợp với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tránh việc lạm dụng thành lập thêm tổ chức bộ máy, Ủy ban Pháp luật đề nghị trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện thành lập thêm phòng thứ tư của Văn phòng.

Bên cạnh đó, ông Tùng cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc giao địa phương quyết định thành lập thêm 1 phòng vì nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn đã được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên rất ít phát sinh thêm và nếu phát sinh thêm thì có thể tăng số lượng cấp phó, biên chế chuyên viên giúp việc mà không nhất thiết phải có thêm cơ cấu phòng.

Dự thảo Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, cùng thời điểm hiệu lực của Luật Tổ chức Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 để thuận tiện và kịp thời trong việc triển khai, tổ chức thực hiện.

Giải trình thêm trước lo ngại về biên chế và số lượng phòng, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, vấn đề biên chế được quy định rất rõ, 1 biên chế tăng lên cũng phải báo cáo Bộ Chính trị, không đơn giản đâu. “Ở địa phương, 1 biên chế bên này tăng lên thì bên kia sẽ phải giảm đi, tôi không ngại”, ông Phúc nhấn mạnh.

Còn về phòng thứ 4, ông Phúc nhấn mạnh, đã gọi là phòng phải bình đẳng về biên chế, đồng thời cần quy định rõ đc phòng có 1 hay 2 cấp phó, nhưng cũng không thể nào vượt đến 3 cấp phó được.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đồng tình phải có phòng thứ 4 thuộc Văn phòng. Ông nhấn mạnh, phòng 4 cũng phải có tính chất biên chế tối thiểu, ví dụ tỉnh, thành trung ương 7 biên chế, thì tỉnh nhỏ hơn cũng phải có 5, tránh 1 phòng chỉ 3 biên chế, vì như vậy so sánh với các sở, ngành địa phương sẽ không hợp lý.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, vấn đề biên chế sẽ giao cho địa phương quyết định căn cứ vào tình hình thực tế, song không vượt quá số lượng tổng biên chế theo quy định. Còn cấp phó cũng sẽ được căn cứ vào số lượng biên chế của mỗi phòng.

MỚI - NÓNG