Những nhạc phẩm trữ tình bất hủ về non nước Việt của Phó Đức Phương

Những nhạc phẩm trữ tình bất hủ về non nước Việt của Phó Đức Phương
"Trên đỉnh Phù Vân", "Hồ trên núi", "Huyền thoại hồ Núi Cốc"... là những nhạc phẩm ca ngợi non nước Việt của nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời trưa 19/9, sau thời gian chống chọi bệnh ung thư tụy. Ông sinh năm 1944 ở Hưng Yên, nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình Việt Nam. Nhiều ca khúc nổi tiếng của ông chung âm hưởng ca ngợi non nước Việt, như: Hồ trên núi, Trên đỉnh Phù Vân, Một thoáng Tây Hồ, Huyền thoại hồ núi Cốc, Khúc hát phiêu ly...

Trên đỉnh Phù Vân

Trên đỉnh Phù Vân được sáng tác theo đơn đặt hàng của đạo diễn Lê Hùng và tác giả Nguyễn Khắc Phục cho vở kịch Yêu trên đỉnh Phù Vân của Đoàn kịch Hải Phòng khoảng năm 1995. Ca khúc gửi gắm thông điệp về khát vọng tình yêu, mang âm hưởng dân gian đương đại với tiết tấu nhanh, chậm đan xen. Nhạc sĩ sử dụng ca từ đậm chất ma mị như: "Mênh mang mênh mang Phù Vân Yên Tử/ Vi vu vi vu Trúc Lâm thiền tự/ Thổn thức nỗi lòng ai kẻ tình si/ Nước mắt tràn mi tìm người trong mộng".

Ca khúc gắn liền sự nghiệp âm nhạc của Mỹ Linh. Ca sĩ lần đầu hát năm 1996 và nhanh chóng nhận được sự yêu mến của khán giả. Theo Phó Đức Phương, cô là người thể hiện đúng và hay nhất tinh thần bài hát. Tùng Dương cũng là một trong những ca sĩ thể hiện thành công ca khúc.

Chảy đi sông ơi

Năm 1997, đạo diễn Trọng Khôi mời Phó Đức Phương viết nhạc cho vở kịch Thuyền lá (kịch bản Chu Thơm) của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ông sáng tác Chảy đi sông ơi, kể lại mối tình đẹp, cháy bỏng nhưng cuối cùng phải chia xa. Người thất tình đau khổ đến mức ra sông tự tử. Tuy nhiên, đứng trước dòng sông mênh mông, hiền hòa, lòng họ như được cảm hóa. Tác giả sử dụng ca từ giàu hình tượng văn học, lấy hình ảnh con sông "trẻ mãi không già", "không hề tiếc vơi đầy"... để gửi gắm tâm sự tình buồn.

Nhạc sĩ kết hợp âm nhạc dân gian và tiết tấu hiện đại tạo cảm giác gần gũi với công chúng. Ca khúc được Việt Hoàn, Ngọc Tân, Quang Lý và nhiều ca sĩ thể hiện.

Hồ trên núi

Bài hát được nhạc sĩ sáng tác năm 1971 cho bộ phim tài liệu nghệ thuật Sông nước quê hương của đạo diễn Khánh Dư. Ông cùng đoàn phim lên Lục Ngạn (Bắc Giang) thăm một số công trình thủy lợi, trong đó có hồ Cấm Sơn. Khi đang ngồi trên thuyền, nhạc sĩ bỗng viết ra ca từ: "Núi (ư) núi, thuyền (ư) thuyền, mây (ư) mây, nước (ư) nước.../ Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi, giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi...".

Phó Đức Phương sử dụng lối điệp từ kết hợp âm hưởng dân ca quan họ khiến bài hát như một bức tranh thiên nhiên yên bình. Ca khúc lần đầu được biết tới qua giọng hát của ca sĩ Quang Phác, phát trên Đài tiếng nói Việt Nam.

Huyền thoại hồ Núi Cốc

Nhạc phẩm ra đời năm 1982 xoay quanh đập Núi Cốc ở tỉnh Thái Nguyên. Ông sử dụng tích truyện dân gian về đôi trai gái yêu nhau nhưng không thể thành vợ chồng. Họ hóa thành núi và sông nơi đây để bên nhau mãi mãi. Ca từ lột tả câu chuyện như: "Một người đau nước mắt thành sông. Một người chờ, chờ hóa núi. Ơi chàng trai ơi ngọn núi biếc. Ơi cô gái ơi dòng sông sâu".

Lời hát giàu hình tượng, kết hợp dân ca quan họ Bắc Ninh tạo cảm giác người nghe như đang ngồi trên thuyền, xuôi theo nhịp chèo trên mặt hồ lộng gió.

Về quê

Về quê được nhạc sĩ sáng tác năm 1998, theo đơn đặt hàng cho đoàn quan họ Bắc Ninh để đi hội diễn theo lịch của Bộ Văn hóa. Trong quá trình viết lời, ông nhiều lần phải buông bút, lau nước mắt vì xúc động. Phó Đức Phương từng nói khi nhận lời viết về nỗi lòng người xa quê, bản thân ông coi đó là mệnh lệnh của trái tim. Nhạc sĩ sử dụng âm nhạc đậm chất dân gian đồng bằng Bắc bộ, ca từ mang tính hình tượng gợi nhớ hình ảnh làng quê êm đềm.

Những cô gái quan họ

Những cô gái quan họ là sáng tác đầu tay của Phó Đức Phương, khi ấy ông 22 tuổi. Nhạc sĩ sáng tác ca khúc khi chờ đến giờ học tại trường Âm nhạc Việt Nam tại Xuân Phúc, Yên Dũng, Hà Bắc (tỉnh cũ). Ngắm nhìn khung cảnh làng quê quan họ, ông viết: "Trên quê hương quan họ. Một làn nắng cũng mang điệu dân ca. Giữa mùa lúa thơm cánh cò bay đẹp như trong mộng".

Nhạc sĩ Trương Quang Lục nhận định: "Nét độc đáo của bài hát là trong giai điệu hoàn toàn không có dấu vết của một làn điệu dân ca quan họ cụ thể nào, nhưng người nghe lại cảm thấy nét duyên dáng của các cô gái trên quê hương quan họ và cái hồn dân gian của nông thôn miền Bắc bàng bạc trong từng câu hát".

Khúc hát phiêu ly

Khúc hát phiêu ly ra đời khoảng năm 1996, là số ít tác phẩm sáng tác không theo đơn đặt hàng của Phó Đức Phương. Trong buổi chiều về Bắc Ninh, nhạc sĩ hoài niệm về dòng sông Tương và tiếng sáo của Trương Chi - chàng ngư dân trong truyện cổ tích Việt Nam. Mượn câu chuyện tình giữa Trương Chi và Mỵ Nương, ông viết nên khúc hát tình duyên tan vỡ với giai điệu mạnh, tiết tấu nhanh chậm thất thường: "Là Trương Chi ta hát khúc Trương Chi ứ hừ ư hừ. Là Trương Chi ta hát khúc phiêu ly. Dân nghèo cái tình chi chiều lạnh ra đi về bến sông đời chua cái khổ đau tiếc gì".

Nhạc phẩm được biết đến qua giọng hát của Thanh Lam, Tùng Dương... nhưng Minh Thu là người khiến Phó Đức Phương ưng ý nhất. Ông nói trong sự kiện năm 2006: "Tôi hài lòng ở mức tuyệt vời". Minh Thu hát với tâm hồn và sự trải nghiệm của người đàn bà nỗi niềm.

Dòng sông ký ức

Phó Đức Phương từng kể tuổi thơ của ông gắn liền với dòng sông ở Tân Tiến (Hưng Yên). Khi ra Hà Nội, ông luôn nhớ nhung, tiếc nuối thời ấu thơ ngụp lặn trên dòng sông. Khi nỗi nhớ dâng trào, ông viết Dòng sông ký ức với ca từ "Chảy mãi, chảy mãi trong lòng tôi. Con sông xưa ngọt ngào đến thế. Chảy mãi, chảy mãi trong lòng tôi. Ơi con sông thương nhớ đầy vơi". Nhạc phẩm mang âm hưởng dân gian và được yêu mến qua giọng hát của Minh Thu.

Một thoáng Tây Hồ

Một thoáng Tây Hồ sáng tác năm 1984, ca ngợi vẻ đẹp của thắng cảnh nổi tiếng thủ đô. Nhạc sĩ sử dụng ngôn từ giàu tính hình tượng - đặc trưng trong âm nhạc của ông - miêu tả cảnh hồ: "Mênh mông hồ sương thu tan trong gió. Bát ngát trăng ngân (ư) một khoảng trời. Một khoảng trời, khoảng tình lắng sâu bao trong đục vơi đầy". Ông kết hợp âm hưởng ca trù tạo giai điệu ma mị, huyền bí.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.