80 năm Khởi nghĩa Bắc Sơn: Hào khí xưa, khát vọng nay

Đội du kích Bắc Sơn. Ảnh tư liệu
Đội du kích Bắc Sơn. Ảnh tư liệu
TP - Từ vùng châu lỵ khuất nẻo, nằm ở phía tây nam xứ Lạng, địa danh Bắc Sơn vang dội bằng cuộc khởi nghĩa với  vũ khí thô sơ, tinh thần thép đánh chiếm đồn giặc Pháp một cách oanh liệt, vẻ vang.  

Kỳ 1: Máu thắm cây rừng

Trải qua 80 năm, kể từ khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra (ngày 27/9/1940), dấu ấn về một vùng đất với các di tích lịch sử vẫn còn sừng sững, hiên ngang cùng đó là những cánh đồng cùng dãy nhà sàn thấp thoáng hiền hoà.

Ông Dương Xuân Nguyệt, dân tộc Tày, cán bộ tiền khởi nghĩa trú tại thôn Khau Ràng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn năm nay bước sang tuổi 98 nhưng còn khỏe, minh mẫn. Ngước nhìn về phía xa xa, nơi có khu di tích Mỏ Nhài, ông cho biết: Khu đó xưa thuộc xã Hưng Vũ nằm trong tổng Bắc Sơn, châu Bắc Sơn. Mảnh đất có địa hình thung lũng lớn, hai bên có rừng núi đá cao nên về quân sự, có vị trí chiến lược quan trọng trong toàn bộ khu vực. Chính vì vậy tại thôn Mỏ Nhài, năm 1885 thực dân Pháp cho xây dựng một khu đồn binh rất kiên cố gọi là đồn Mỏ Nhài.

Đồn được xây dựng trên một quả đồi cao án ngữ và kiểm soát cả một vùng rộng lớn từ thị trấn Bắc Sơn đi vào Vũ Lăng. Đỉnh đồi khá bằng phẳng và rộng, trên đó là hệ thống đồn, bốt, hầm hào rất kiên cố. Xung quanh được bao bọc bởi tường đá dày, hàng rào dây thép gai chằng chịt và chỉ duy nhất một con đường để lên xuống. Đây được coi là biểu tượng cho sức mạnh của thực dân Pháp trên đất Bắc Sơn. Từ vị trí đỉnh đồi có thể quan sát cả một vùng rộng lớn trong vòng bán kính vài ki-lô-mét. Với vị trí lợi hại và được xây dựng phòng thủ kiên cố như vậy thì việc đánh đồn Mỏ Nhài được coi là khó khả thi.

Nhất tề khởi nghĩa

Trước Cách mạng Tháng Tám, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nhân dân Bắc Sơn vô cùng nghèo khổ. Phần nhiều người dân nơi đây là dân tộc Tày, Nùng, đồng bào có tấm lòng chân thật, thủy chung và gan dạ.

Ông Hoàng Doãn Thạch, người Tày ở thôn Xuân Giao, xã Hưng Vũ, nguyên là chiến sĩ Đội du kích Bắc Sơn tham gia đánh trận đồn Mỏ Nhài nhớ lại: “Lúc đó lực lượng của ta tuy còn rất yếu, vũ khí thô sơ, nhưng thật không ngờ ta lại có thể đánh chiếm đồn chớp nhoáng như vậy”.

Rồi ông kể lại: Trước tình thế chín muồi cho cuộc khởi nghĩa vùng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, vào tối ngày 26/9/1940, tại đình làng Nông Lục (xã Hưng Vũ), Chi bộ xã Hưng Vũ tổ chức một cuộc họp để thảo luận, phân tích tình hình và quyết định phương hướng, hành động đánh đồn Mỏ Nhài và thành lập Ban chỉ huy khởi nghĩa.

80 năm Khởi nghĩa Bắc Sơn: Hào khí xưa, khát vọng nay ảnh 1 Lão thành cách mạng Dương Công Nguyệt nhóm ngọn lửa tiếp nối truyền thống cách mạng. Ảnh: Duy Chiến

Sáng ngày 27/9/1940, tổ đảng Bắc Sơn và các chiến sĩ cộng sản từ Lạng Sơn về đã thông qua chủ trương khởi nghĩa và quyết định phát động đấu tranh vũ trang.

Chập tối 27/9/1940, nhân dân các dân tộc xã Hưng Vũ cùng nhân dân xã Bắc Sơn, Chiêu Vũ, Trấn Yên và Ngự Viễn đã có mặt tại địa điểm tập trung, với các loại vũ khí như: súng kíp, giáo mác, gậy gộc chia làm 3 bộ phận sẵn sàng hành động. Đúng 20 giờ cùng ngày, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn chính thức bùng nổ.

“Trận đánh chiếm đồn Mỏ Nhài ở châu lỵ Bắc Sơn ngày 27/9/1940 đã được lịch sử ghi nhận là ngày khởi nghĩa Bắc Sơn. Một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam “là tiếng súng báo hiệu cho khởi nghĩa toàn quốc, là bước đấu tranh bằng các lực lượng dân tộc”.

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn

Theo các hướng tấn công, đoàn quân khởi nghĩa dũng cảm xông lên, vừa nổ súng, vừa làm công tác địch vận, kêu gọi binh lính trong đồn về theo cách mạng. Nhân dân các làng xung quanh đồn Mỏ Nhài đồng loạt khua chiêng, gõ mõ tạo thanh thế. Vậy nên, đồn giặc bị chiếm chỉ sau một thời gian tấn công chớp nhoáng. Binh lính địch hoảng sợ bỏ chạy, chính quyền địch tan rã.

Trong hai ngày 27 và 28/9, tại đèo Dập Dị, quân dân cách mạng Bắc Sơn trong khi phục kích chặn đường rút lui của địch, đã tiêu diệt 1 tên quan ba, 4 tên lính Pháp.

“Tin chiến thắng truyền đi khắp nơi, nhân dân địa phương vô cùng phấn khởi, nô nức cùng nhau kéo về đồn Mỏ Nhài để dự cuộc mít tinh do Ban chỉ huy khởi nghĩa tổ chức, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến tay sai, mọi trật tự an ninh xã hội ở các thôn xóm, làng xã từ nay do nhân dân tự đảm nhiệm”, ông Thạch kể lại.

Khủng bố trắng

Bắc Sơn thất thủ, thực dân Pháp, Nhật thỏa hiệp với nhau để tập trung đàn áp cuộc khởi nghĩa. Pháp đưa quân với số lượng lớn cùng vũ khí tối tân để chiếm lại đồn Mỏ Nhài và đàn áp dữ dội, gây tổn thất lớn cho lực lượng khởi nghĩa.

“Ngày 29/10/1940, đồng chí Trần Đăng Ninh đã triệu tập cuộc họp gồm các đảng viên trung kiên của đảng bộ Bắc Sơn quyết định rút vào trong rừng để tiến hành hoạt động bí mật. Đối với những cán bộ chưa bị lộ thì kiên quyết bám quần chúng để củng cố và giữ vững cơ sở cách mạng. Tôi khi đó vừa tròn 18 tuổi đã cùng anh trai theo nghĩa quân vào khu căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Tại đây, đảng ta đã chỉ đạo tập hợp lực lượng, tạo sức mạnh đoàn kết, khơi dậy phong trào, tổ chức cho nhân dân tham gia vào các nhiệm vụ cách mạng”, ông Nguyệt nhớ lại.

 Xứ Lạng, cuối tháng 9/2020.

(Còn nữa)

Bắc Sơn - Đình Cả - Thái Nguyên, những địa danh thân thuộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, tại vùng căn cứ địa cách mạng này, ngày 27/9/1940 quân và dân ta đã tiến hành trận đánh đồn Mỏ Nhài, mở đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo.

Từ đây, lực lượng vũ trang cách mạng dần lớn mạnh, phát triển thành đội Cứu quốc quân II thành lập ngày 15/9/1941 tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, trở thành một trong những tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Từ Thái Nguyên theo quốc lộ 1B đi hướng Lạng Sơn, qua thị trấn Bắc Sơn (Lạng Sơn) bốn cây số đến chân đèo Tam Canh rẽ phải theo con đường nhựa qua địa phận các xã Quỳnh Sơn, Bắc Sơn khoảng 10 cây số, là đến xã Hưng Vũ của huyện Bắc Sơn. 67 năm trước, ngày 27/7/1940 tại đây đã diễn ra một sự kiện lịch sử, các chiến sĩ cách mạng Châu Bắc Sơn và nhân dân xã Hưng Vũ đã anh dũng nổi dậy, tự vũ trang tiến đánh đồn Mỏ Nhài, mở đầu cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn - cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.