80 năm Khởi nghĩa Bắc Sơn

Hào khí xưa, khát vọng nay: Chuyện sợ muối và kỷ vật bí ẩn của vợ liệt sỹ

TP - Một trong những thủ lĩnh nghĩa quân được sử sách và nhân dân các dân tộc xứ Lạng ca tụng, đó là Hoàng Văn Hán, chỉ huy trưởng Khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940. Cuộc đời bi tráng của ông cũng như những người thân sau này có những giai thoại độc đáo, xúc động.
Hào khí xưa, khát vọng nay: Chuyện sợ muối và kỷ vật bí ẩn của vợ liệt sỹ ảnh 1

Bà Phát (bìa phải) nhẩn nha kể chuyện về cha mình. Ảnh: Duy Chiến

Tôi vốn là đồng nghiệp cũ của nhà văn Nguyễn Trường Thanh (nguyên Chủ tịch Hội VHNT Lạng Sơn, người chuyên “kể chuyện bằng sử” ở địa phương) nên thường xuyên đến nhà thăm chơi thủ trưởng cũ.

Bên trang viết, ngọn đèn, bà Hoàng Thị Phát, người vợ tảo tần của nhà văn thường xuyên kề cận, thuốc nước cho chồng, thi thoảng bà lại thuật lại những câu chuyện về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, mà cha bà là thủ lĩnh nghĩa quân- ông Hoàng Văn Hán.

 Bi tráng

 Bà Hoàng Thị Phát năm nay 83 tuổi, mái tóc bạc trắng, khiêm nhường trong từng lời nói. Bà là con gái cả trong 2 người con của ông Hoàng Văn Hán.

 Bà Phát cầm cuốn “Lịch sử đảng bộ Bắc Sơn” một cách trân trọng. Trong đó có những dòng ghi rõ: “Tối 26/9/1940 tại đình Nông Lục (xã Hưng Vũ, Bắc Sơn), chi bộ xã Hưng Vũ họp bàn phương án cướp chính quyền ở đồn Mỏ Nhài. Nghị quyết thành lập Ban chỉ đạo khởi nghĩa và Ban chỉ huy trận đánh gồm: Hoàng Văn Hán, Hoàng Đình Ruệ, Dương Công Bình do đồng chí Hoàng Văn Hán làm chỉ huy trưởng. Thời gian khởi nghĩa là 20 giờ ngày 27/9/1940. Sau đó, dưới sự chỉ huy của Hoàng Văn Hán, khoảng 600 chiến sỹ cách mạng và quần chúng nhân dân chia làm 3 mũi tấn công đồn Mỏ Nhài. Trước sức mạnh của cách mạng, chỉ độ 15 phút, địch phải rút chạy. Ngay sau khởi nghĩa thành công, đồng chí Hoàng Văn Hán thay mặt quân khởi nghĩa cách mạng tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân và thiêu hủy tài liệu, sổ sách, bằng, triện thu được của địch. Bắc Sơn hoàn toàn giải phóng sau 60 năm nô lệ dưới ách thống trị của thực dân Pháp.

 “Tôi vừa trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh, nhưng lòng vẫn không yên vì “món nợ” với cha. Thương mẹ, nhiều lúc con cháu đành khuyên: Thôi thì, có tấm giấy ấy, vừa là kỷ vật đã tồn tại gần thế kỷ, cũng là sự ghi nhận của Tổng bộ Việt Minh. Đành cứ coi như mảnh giấy là tấm huy chương Tổ quốc đã ghi tặng”. Bà Hoàng Thị Phát tâm sự.

 Bà Phát như nghẹn lời, nói với chúng tôi: Tin mừng chiến thắng chưa được bao lâu thì giặc Pháp cấu kết với Nhật, điều số lượng quân, vũ khí rất lớn quay lại đánh chiếm đồn Mỏ Nhài. Đồng thời địch dùng mọi thủ đoạn để truy sát những cán bộ, gia đình tham gia khởi nghĩa.

 Nhà văn Nguyễn Trường Thanh đã viết những giai đoạn khốc liệt nhất về cuộc khởi nghĩa: “Trong 5 năm từ 1940 đến 1945, ông Hoàng Văn Hán liên tục đi lại, hoạt động bí mật ở vùng Hưng Vũ, Bắc Sơn. Là một cán bộ quan trọng, thông thuộc vùng đất và con người Bắc Sơn, lại có khả năng lãnh đạo chiến tranh du kích, ông Hán bị coi là cái gai trong mắt thực dân Pháp và tay sai.

 Đầu năm 1945, ở nhiều địa phương khí thế cách mạng sôi sục, giặc càng khủng bố ráo riết hơn. Ở Bắc Sơn, tên Tri châu Nguyễn Văn Phú cho dựng sẵn 7 giá treo cổ ở Mỏ Nhài, nói là để xử 7 Việt Minh “đầu sỏ”. Riêng với Hoàng Văn Hán, giặc treo giải thưởng đặc biệt với 200 đồng bạc trắng, 2 tạ muối (phần thưởng có thể coi như cả gia tài thời kỳ đó).

 Sự cám dỗ kết hợp khủng bố của giặc đã khiến một số kẻ đầu hàng. Ngày 9/2/1945, ba kẻ phản bội người địa phương gồm: Hoàng Đình Thưởng, Hoàng Đình Tăng, Hoàng Văn Còn vờ mang đồ tiếp tế vào rừng Lân Áng (làng Minh Đán, xã Hưng Vũ) gặp ông Hán. Ngoài lương thực, mượn cớ gần Tết, 3 kẻ này còn mang theo rượu pha mật ong vào chúc tụng ông. Lúc này, bên cạnh ông Hán còn có một nữ đồng chí tên là Pèng. Lợi dụng khi bà Pèng có việc đi ra ngoài hang, lập tức 3 kẻ phản bội xông vào quật ngã ông Hán. Dù to khỏe, có võ, nhưng một mình ông không đánh nổi 3 người. Bọn chúng sát hại ông, chặt đầu và cắt cả hai bàn tay.

 Ở bên ngoài, nghe tiếng động rồi chứng kiến sự việc, bà Pèng vội trốn vào cây mạy sảng (cây gai dưới gốc rỗng ở giữa) nên thoát nạn. Còn 3 tên phản bội đem đầu và tay ông Hán về nộp. Giặc mang đầu ông bêu ở chợ Mỏ Nhài mấy ngày liền.

 Di chứng sợ muối

 Khởi nghĩa Bắc Sơn hào hùng ngày nào đã đi vào lịch sử tròn 80 năm. Vợ con ông Hoàng Văn Hán trở lại cuộc sống bình lặng của những người dân thường, giữ riêng cho mình niềm tự hào về người chồng, người cha đã vì nước quên thân.

 Tuy thế, có những khoảng lặng mà chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu. Bà Hoàng Thị Phát “tiết lộ” cho chúng tôi biết, xưa nay, muối là vật dụng thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày. Thế nhưng, từ sau cái chết của Hoàng Văn Hán, mẹ bà là Dương Thị Xưởng bỗng nhiên mắc chứng sợ muối. “Có thể do bị ám ảnh rằng cái chết của chồng là do những kẻ kia bị cám dỗ bởi 200 đồng bạc và 2 tạ muối, mẹ tôi không bao giờ dám chạm tay vào một hạt muối nào. Khi hoà bình lập lại, nhất là những khi Tết đến, xuân về, mọi nhà đều có phong tục ướp muối vào thịt treo gác bếp, nhưng mẹ tôi thì không. Mẹ đã thực hiện việc này trong khoảng 60 năm, đến khi về với tiên tổ ”. Bà Phát nói.

 Kỷ vật thiêng liêng

 Hai năm sau cái chết của ông Hoàng Văn Hán, Tổng bộ Việt Minh có chủ trương tặng huy chương cho chỉ huy trưởng khởi nghĩa Bắc Sơn. Tuy nhiên do điều kiện lúc đó chưa có hiện vật nên Việt Minh cấp cho bà Phát một tấm “Giấy chứng minh” để đảm bảo. Trong đó có đoạn: “Cấp cho đồng chí Hoàng Thị Phát ở xã Hưng Vũ, Châu Bắc Sơn, là con đồng chí Hoàng Văn Hán đã hy sinh về công cuộc cách mạng hồi năm 1945. Nay công cuộc cách mạng đã thành công. Tổng Bộ Việt-Minh không thể không nhớ đến đồng chí Hoàng Văn Hán đã bị hy sinh, muốn đáp lại công lao ấy. Vậy châu Bộ Việt-Minh thay mặt Tổng Bộ cấp giấy chứng minh này để bảo đảm tấm huy chương của Tổng Bộ ban thưởng”.

Hào khí xưa, khát vọng nay: Chuyện sợ muối và kỷ vật bí ẩn của vợ liệt sỹ ảnh 2 Dấu tích sự hy sinh anh dũng của chỉ huy trưởng Hoàng Văn Hán. Ảnh: Duy Chiến

 Theo bà Phát, tờ giấy trên được mẹ Xưởng cất giữ trong đáy hòm đồ riêng tư. Không biết chữ, bà Xưởng chỉ coi đó là một kỷ vật cần giữ gìn. Năm 2007, bà Xưởng mất, cái hòm được để lại cho con dâu trưởng là bà Dương Thị Then cất giữ. Đến năm 2015, bà Then cũng qua đời. Theo tục lệ, hòm đồ vật phải được giữ nguyên đến khi mãn tang (3 năm) mới được mở ra.

 “Khi đó, chúng tôi mới biết về kỷ vật này. Không hiểu sao, nó đã nằm dưới đáy hòm đã 70 năm mà chưa hỏng, mọt, mục nát. Ngược lại, chữ đánh máy trên đó còn khá rõ ràng”. Bà Phát tâm sự.

 Bà Hoàng Thị Phát mấy năm nay sức khỏe yếu đi nhiều, có thể do tuổi tác, bệnh tật và cả việc chồng bà, nhà văn Nguyễn Trường Thanh đã mất cách đây vài năm. Tuy thế, nỗi niềm về tấm huy chương cho cha chưa tròn làm bà canh cánh trong lòng.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.