Đề xuất thu phí tại cao tốc đầu tư công: Liệu phí có chồng phí?

Bộ GTVT đang nghiên cứu để thực hiện thu phí với các tuyến cao tốc được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. (Trong ảnh, xe xếp hàng dài chờ qua trạm thu phí). Ảnh: Mạnh Thắng
Bộ GTVT đang nghiên cứu để thực hiện thu phí với các tuyến cao tốc được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. (Trong ảnh, xe xếp hàng dài chờ qua trạm thu phí). Ảnh: Mạnh Thắng
TP - Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Đề án thu phí đối với ô tô sử dụng đường cao tốc được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, và đưa đề xuất này vào Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội.

 Một số ý kiến bày tỏ lo ngại, nếu thu loại phí này sẽ dẫn tới phí chồng phí, khi Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách sẽ không thu phí theo từng dự án (kể cả cao tốc), mà thu chung qua đầu phương tiện ô tô khi đăng kiểm.

Hiện tại, Bộ GTVT đang giao các đơn vị liên quan của bộ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng Đề án thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Trong đó, ưu tiên thu phí một số tuyến cao tốc như: TPHCM - Trung Lương, La Sơn - Túy Loan và 6 dự án thành phần đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trước đó, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT để xây dựng đề án này, để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung khoản phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo đúng quy định của Luật Phí và lệ phí. Mức phí phải phù hợp với chất lượng dịch vụ, nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc.

Cùng với đó, tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT cũng bổ sung quy định về thu phí các phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư, bên cạnh việc tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ trên từng phương tiện ô tô qua mỗi kỳ đăng kiểm. Theo đó, sẽ thu phí riêng với phương tiện sử dụng đường bộ cao tốc, đường cấp cao, đường vành đai đô thị được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Khoản phí này do Bộ Tài chính quy định với tuyến đường cao tốc do trung ương quản lý, hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu tại các tuyến đường cao tốc do địa phương quản lý.

Trả lời báo chí về phương án thu phí phương tiện lưu thông trên các đoạn cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, ông Lê Kim Thành (Vụ trưởng Vụ Hợp tác Công tư, Bộ GTVT) cho biết: Nghị quyết của Quốc hội về đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã nêu rõ nguyên tắc nghiên cứu thu phí với các đoạn đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Theo ông Thành, bên cạnh việc chuẩn bị đầu tư và khởi công xây dựng 6 đoạn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng đề án thu phí để hoàn vốn cho nhà nước.

Đề án sẽ được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào danh mục phí và lệ phí. Trước mắt, việc thu phí sẽ tập trung vào các đoạn tuyến cao tốc có sự lựa chọn khác cho người dân. “Cao tốc là tuyến đường dành cho xe chạy tốc độ cao, chạy riêng và song song với các tuyến đường khác, nên người dân có quyền lựa chọn, nếu trả phí thì đi cao tốc, không trả thì đi trên Quốc lộ 1”, ông Thành nói.

Không để xảy ra phí chồng phí

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm, với các đoạn cao tốc đầu tư bằng ngân sách, bộ sẽ xây dựng phương án thu phí để hoàn vốn cho nhà nước, điều này cũng đảm bảo khả thi vì người dân có sự lựa chọn giữa đi cao tốc trả phí và đi đường bộ thông thường không trả phí. Ông Đông thừa nhận, hiện tại, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, trên thế giới cũng có nhiều mô hình, có nước thu nước không thu. Ở nước ta, quy định chưa đồng bộ, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định đã đầu tư bằng ngân sách thì không thu phí, chỉ thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện ô tô khi đăng kiểm.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngân sách có hạn, là tiền thuế của người dân, sử dụng đầu tư các tuyến quốc lộ cơ bản, còn đường cao tốc chất lượng cao phải khác và Nhà nước cần thu hồi vốn để tái đầu tư.

Ông Nguyễn Ngọc Đông dẫn chứng với đầu tư bệnh viện, Nhà nước đầu tư để cung cấp dịch vụ y tế cơ bản, còn bệnh viện kết hợp huy động vốn tư nhân để đầu tư dịch vụ cao và thu phí cao hơn, người bệnh có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ cao hoặc không. Tương tự, đường cao tốc có chất lượng cao, phương tiện lưu thông nhanh hơn, an toàn hơn, hao tốn nhiên liệu ít hơn… thì người sử dụng phải trả phí để đi. Còn nếu chủ phương tiện không đi cao tốc có thể chọn đi trên Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh. Còn các trạm thu phí hiện nay trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh là do lịch sử để lại.

Pháp luật chưa đồng bộ, trong thời điểm ngân sách nhà nước khó khăn phải huy động vốn tư nhân, khi hết thời gian thu phí, đường và các trạm thu phí sẽ được bàn giao lại cho Nhà nước và sẽ không thu phí tiếp. Theo ông Đông, trước đây khi hoàn thành đưa vào sử dụng cao tốc Nhật Tân - Nội Bài (Hà Nội), nhà tài trợ vốn (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA) đã đề xuất cho thu phí để có tiền bảo trì, nhưng do vướng luật nên không thể thu. Vậy nên, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đã đưa vào đề xuất thu phí với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Trước những ý kiến lo ngại việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ dẫn tới phí chồng phí, ông Đông cho rằng: “Hiện tại, phí bảo trì đường bộ thu từ chủ phương tiện ô tô để bảo trì toàn bộ hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, xã… Còn với cao tốc, nếu chủ phương tiện sử dụng thì phải trả phí riêng cho đoạn đường đó, để bảo trì và thu hồi vốn đầu tư để Nhà nước đầu tư cho các tuyến đường mới.

Còn nếu chủ phương tiện không trả phí thì đi các tuyến quốc lộ khác, nên không xảy ra phí chồng phí. Trước mắt, chỉ thu phí với các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc mà ở khu vực đó đã có tuyến đường bộ khác chạy song song. Nếu chúng ta thu phí với cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ có nguồn lực để đầu tư các tuyến đường khác trong thời gian sớm hơn, nếu không thu sẽ phải đợi có nguồn lực mới đầu tư được, khi đó sẽ phải chờ đợi lâu hơn”, ông Đông nói.

Dân vẫn chưa có sự lựa chọn đường để đi 

Đề xuất thu phí tại cao tốc đầu tư công: Liệu phí có chồng phí? ảnh 1  

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, việc thu phí với tất cả phương tiện lưu thông trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư chỉ nên áp dụng với tuyến đường mà ở khu vực đó có đường khác để dân lựa chọn, đi miễn phí. Vì hiện tại, phương tiện ô tô đã phải đóng phí bảo trì đường bộ. Đặc biệt, theo ông Quyền, không nên “thả nổi” mức phí thu đối với các phương tiện lưu thông trên cao tốc, vì thực tế ở Việt Nam người dân vẫn chưa có sự lựa chọn đường để đi, nhất là khi nhiều tuyến đường song song với đường cao tốc hiện nay đều đang thu phí do xây dựng theo hình thức BOT, đặc biệt là Quốc lộ 1. Ông Quyền dẫn chứng, tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình và tuyến Quốc lộ 1 chạy song song đều đang được tiến hành thu phí. 

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.