Hồi hộp trải nghiệm metro ở TPHCM

Người dân TPHCM cùng khách mời trải nghiệm cảm giác đi metro trong buổi lễ ra mắt đoàn tàu đầu tiên
Người dân TPHCM cùng khách mời trải nghiệm cảm giác đi metro trong buổi lễ ra mắt đoàn tàu đầu tiên
TP - Đoàn tàu điện cao cấp (metro) đầu tiên thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (lộ trình Bến Thành - Suối Tiên) sau khi được vận chuyển từ Cảng Khánh Hội (quận 4) về Depot Long Bình (quận 9) và đặt trên đường ray an toàn đã chính thức ra mắt nhân dân TPHCM vào sáng 13/10.   

Nhiều người dân rất vui khi chứng kiến metro chạy thử. Anh Quang Phương (42 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) và không ít khách mời đã quan sát trực tiếp bằng mắt thường metro 3 toa đến từ Nhật Bản đỗ trên đường ray. Anh là một trong những “hành khách” đã bước lên tàu, đi dọc các toa rộng rãi hay ngồi trên hàng ghế rộng rãi, chạm vào các tay nắm dọc lối đi…. Với anh Phương, đó là những trải nghiệm mới mẻ lần đầu trong đời. Phương nói: Nghe hồi còi tàu báo hiệu tàu sắp chuyển bánh và giọng ngọt lịm của cô gái thông báo đoàn tàu sắp đỗ anh lại có cảm giác hồi hộp rất khó tả.

Chúng tôi lên tàu, dễ nhận ra đoàn tàu metro được thiết kế rất hiện đại. Các toa được sản xuất bằng hợp kim nhôm, bên trong lắp hệ thống điều hòa không khí mát rượi. Nội thất bên trong tiện nghi và rộng rãi, tạo cảm giác thoải mái cho hành khách. Hai hàng ghế ngồi được bố trí dọc toa tàu, có ghế ưu tiên dành cho người khuyết tật, hành khách là người lớn tuổi, phụ nữ mang thai. Trên tàu trang bị đầy đủ các thiết bị hỗ trợ hành khách trong trường hợp khẩn cấp.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TPHCM (MAUR) Bùi Xuân Cường cho biết, đây là đoàn tàu đầu tiên trong 17 đoàn tàu hiện đại được sản xuất tại Nhật Bản cho tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Metro số 1 có hệ thống điều khiển chạy tàu thông qua vô tuyến và hệ thống vận hành tàu tự động. Trên toàn tuyến metro số 1 còn có hệ thống theo dõi chạy tàu tự động.

Theo ông Cường, việc thiết kế và hoàn thiện đoàn tàu trải qua hai giai đoạn chính. Giai đoạn từ 2014 đến 2015, mô hình đoàn tàu theo đúng kích thước thực tế đã được thiết kế, sản xuất tại Nhật Bản, vận chuyển về TPHCM và trưng bày tại Depot Long Bình để lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia và người dân. Từ những góp ý hữu ích của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân TPHCM, MAUR đã hoàn thiện thiết kế nội thất, ngoại thất của đoàn tàu về màu sắc trong và ngoài đoàn tàu, kiểu dáng đầu tàu, mẫu ghế ngồi, tay vịn… Năm 2017, nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) đã tiến hành sản xuất các bộ phận của đoàn tàu tại nhiều nhà máy ở Nhật Bản rồi lắp ráp tại nhà máy ở Kasado. Từ năm 2019, đoàn tàu được thử nghiệm, đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi xuất xưởng.

Theo báo cáo của MAUR, đoàn tàu vừa nhập về sẽ được vận hành thử nghiệm theo từng giai đoạn. Trong quý 1/2021, tàu sẽ vận hành thử nghiệm trong depot. Đến quý 3/2021, metro sẽ vận hành thử nghiệm từ depot Long Bình đến nhà ga Bình Thái và trong quý 4/2021 sẽ vận hành thử nghiệm từ Depot đến Tân Cảng và toàn tuyến cùng với vận hành thử nghiệm 11 hệ thống khác như điện, thông tin tín hiệu (điều khiển tàu), đường ray.

Khai thác cuối năm 2021

Sáng 13/10, tại lễ ra mắt metro, Đại sứ đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết, để đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam và người dân TPHCM, các nhà tư vấn và nhà thầu đã áp dụng kỹ thuật cao của Nhật Bản và có những điều chỉnh kỹ lưỡng, cẩn trọng khi thực hiện dự án. Việc xây dựng nhà ga Bến Thành đang được thực hiện thuận lợi. Đoạn thi công ngầm từ Nhà hát thành phố đến ga Ba Son và đoạn trên cao về cơ bản đã hoàn thành. Việc tập huấn cho lái tàu để vận hành đoàn tàu đã bắt đầu từ tháng 7/2020.

“Có thể nói những hỗ trợ về phần mềm, phần cứng của dự án đều sử dụng những kinh nghiệm, bí quyết của Nhật Bản được thực hiện rất hiệu quả”, ông Yamada Takio đánh giá.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên là dự án tiên phong của TPHCM về đường sắt đô thị, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán về hạ tầng giao thông đô thị. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn tất thi công, đạt gần 77% khối lượng toàn tuyến. Việc đón đoàn tàu đầu tiên còn hướng tới những cột mốc quan trọng tiếp theo của dự án. Đó là việc bàn giao các đoàn tàu còn lại và đảm bảo mục tiêu đưa dự án vận hành vào cuối năm 2021.

Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu MAUR cùng các nhà thầu và nhà tư vấn nỗ lực nhiều hơn để đẩy nhanh tiến độ, quản lý dự án theo đúng quy định, đặc biệt là tuân thủ chặt chẽ trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, tiêu chuẩn, quy trình, quy định kỹ thuật… để triển khai dự án đảm bảo chất lượng. Những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện phải báo cáo ngay cho lãnh đạo thành phố để xử lý.

“TPHCM sẽ tạo nhiều điều kiện hơn nữa để tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Và đặc biệt là đến ngày người dân TPHCM đi trên những toa xe được chế tạo tại Nhật Bản và vận hành bởi công nghệ và kỹ thuật Nhật Bản, tôi tin rằng, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ tạo thêm nhịp cầu giao lưu giữa TPHCM và Nhật Bản”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Gần 45% các hộ dân bàn giao mặt bằng thi công tuyến metro số 2

Theo MAUR, tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) qua địa bàn 6 quận, gồm 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với 603 trường hợp bị ảnh hưởng. Tổng diện tích thu hồi mặt bằng là 251.136 m2. Từ đầu năm đến nay, UBND các quận, huyện đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường cho 590/603 trường hợp, đạt 97,8%, trong đó tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 44% (265/603 trường hợp).

Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km, gồm 14 nhà ga với tổng kinh phí đầu tư gần 2,5 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.

MỚI - NÓNG