Dịch COVID-19 diễn biến 'cực kỳ lo ngại', Việt Nam nguy cơ lây nhiễm cao

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Dịch COVID-19 diễn biến cực kỳ lo ngại bởi nó xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát dịch mới như ở châu Âu khi số ca bệnh tăng mạnh trở lại ở các nước thành viên. Tại Việt Nam đã 43 ngày liên tiếp không có ca mắc mới tại cộng đồng nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn rất cao.

Tính đến 9h00 ngày 15/10/2020, theo thống kê của worldometers.info:

*Thế giới: 38.730.171 người mắc; 1.096.323 người tử vong, 29.119.983 người khỏi bệnh.

215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

- Việt Nam đứng thứ 165 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 7/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.

* Việt Nam: 1122 ca mắc COVID-19

Trong đó:

- Số ca điều trị khỏi: 1029 ca.

- Số ca tử vong: 35 ca

Số người cách ly: 13.658 người

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 155 người

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.320 người

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.183 người

Đến 9h sáng ngày 15/10, toàn thế giới có gần 39 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 1 triệu người đã tử vong, dịch bệnh đã xuất hiện ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện có hơn 29 triệu người khỏi bệnh.

Trong 24h qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (67.988 ca), Mỹ (54.660 ca), Brazil (26.040 ca) và Pháp (22.591 ca); trong khi đó Mỹ (với 896 ca), Ấn Độ (694 ca), Brazil (684 ca) và Mexico (với 475 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Dịch bệnh diễn biến cực kỳ lo ngại bởi nó xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát dịch mới như ở châu Âu khi số ca bệnh tăng mạnh trở lại ở các nước thành viên.

- Tại Việt Nam, trong 24h qua ghi nhận 9 ca mắc mới, đây là những ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại tỉnh Đồng Tháp, đến nay Việt Nam đã chữa khỏi cho 1029 người. Tại thủ đô Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã sang ngày thứ 58 Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng, tại TP Hồ Chí Minh, đã 75 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng. Tại Việt Nam đã 43 ngày liên tiếp không có ca mắc mới tại cộng đồng. Hiện nay, ở các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm vẫn còn, tại nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân đối với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người…

Trong thời gian qua, số ca mắc mới tại Việt Nam đều là những ca nhập cảnh, đã được cách ly ngay từ khi vào Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19:

- Tiếp tục xây dựng hoàn thiện Hướng dẫn quy trình nhập cảnh cho hành khách trên chuyến bay thương mại.

-Triển khai tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn; cập nhật thường xuyên việc thực hiện bệnh viện an toàn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

-Thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triển để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh, người đi lại giữa các khoa, phòng để phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện; chú trọng bảo đảm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, nhất là tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; bảo đảm công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường.

- Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, yêu cầu tất cả người nhập cảnh bắt buộc phải khai báo y tế; khuyến cáo mạnh mẽ việc cài đặt ứng dụng Bluezone phục vụ truy vết nhanh; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức phân loại các trường hợp phải cách ly phù hợp theo quy định ngay tại cửa khẩu; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của người nhập cảnh hằng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế.

-Phổ biến và hướng dẫn thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập đông người- khai báo y tế.

- Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh; xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy định, tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội. Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực, không thực hiện cách ly theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ: Cho phép đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 với mẫu do ngân sách nhà nước chi trả

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1587/QĐ-TTg cho phép đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 đối với các mẫu xét nghiệm do ngân sách nhà nước chi trả.


Cơ sở y tế công lập được giao nhiệm vụ lấy mẫu, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 được đặt hàng tại các cơ sở y tế công lập khác, cơ sở y tế tư nhân có đủ khả năng thực hiện xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR do Bộ Y tế công nhận hoặc thông báo.

Thời gian thực hiện và đơn giá đặt hàng thực hiện theo Nghị quyết số 118/NQ-CP ngày 10/8/2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020.

Thẩm quyền quyết định đặt hàng, hình thức đặt hàng, nội dung đặt hàng, phân bổ và giao dự toán, điều chỉnh kinh phí đặt hàng, thanh toán, quyết toán kinh phí đặt hàng và các nội dung khác thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Nguồn kinh phí đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế, UBND cấp tỉnh quyết định hoặc giao cho cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp trực thuộc đặt hàng xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 thuộc phạm vi quản lý của bộ, địa phương theo quy định.

Bộ Y tế thông báo danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 để các đơn vị thực hiện đặt hàng.

Các cơ quan, đơn vị đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định tại Quyết định 1587/QĐ-TTg và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 theo phân cấp quản lý ngân sách.

MỚI - NÓNG