'Về đi thôi' - Không chỉ câu chuyện của phụ nữ

Nhiều câu chuyện xót xa về phận người bị lừa bán trong phim
Nhiều câu chuyện xót xa về phận người bị lừa bán trong phim
TP - Câu chuyện xót xa về tệ buôn người chưa bao giờ hết tính thời sự. Phận người, khát vọng đoàn tụ của họ trong phim tài liệu Về đi thôi một lần nữa chạm tới lòng trắc ẩn của người xem.

Phận người bị lừa bán

Về đi thôi chiếu khung giờ VTV đặc biệt tối 21/10 trên VTV1, khai thác những thân phận bị lừa bán lưu lạc nơi xứ người. “Đây là đề tài không mới nhưng cũng chưa bao giờ mất đi tính thời sự bởi sự tinh vi, thủ đoạn mới cũng như sự bất chấp của các đối tượng buôn người. Phim không đề cập nhiều việc giải cứu mà tập trung phản ánh số phận của những phụ nữ bị lừa bán ra nước ngoài làm gái mại dâm, làm “vợ người ta”. Chứng kiến cuộc sống của họ, những câu chuyện họ kể, chúng ta sẽ hiểu hơn về hậu quả của hoạt động buôn bán người, những bi kịch mà nhiều gia đình phải chịu đựng”, đạo diễn Lê Thanh Bình, Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam nói.

Những câu chuyện buôn người được gợi mở trong quá trình công tác tại nhiều vùng miền, địa phương. Ý tưởng nhen nhóm khi đạo diễn gặp được ông Georges Blanchard. Người đàn ông Pháp này sáng lập tổ chức phi lợi nhuận  tên là Liên minh phòng, chống buôn bán người, có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh.

 Phim được ghi hình tại TPHCM, Thanh Hóa, An Giang, Bình Phước, Hải Phòng cho tới Trung Quốc. Đạo diễn kỳ vọng hình ảnh chân thực về cuộc sống cùng lời kể, trao đổi của các nạn nhân sẽ làm bật lên thông điệp chính của bộ phim: Ước mong được sống giữa những người ruột thịt, lao động kiếm sống chân chính trên mảnh đất quê hương đã trở nên thật khó khăn và xa vời bởi những sai lầm, hám lợi và nhẹ dạ của một số cá nhân.Từng số phận đều là minh chứng, bài học cũng như lời cảnh báo đắt giá cho rất nhiều phụ nữ trẻ muốn tìm cơ hội đổi đời ở nước ngoài thông qua các dịch vụ môi giới.

“Mỗi nhân vật trong phim đều khá đặc biệt: Đặc biệt về thân phận, quá trình tồn tại và vượt lên số phận. Như bà Bùi Thị Oanh vì tham tiền nên bị lừa bán, bà vượt qua mặc cảm để đối mặt, dũng cảm lấy câu chuyện đời mình làm bài học cảnh tỉnh những cô gái, phụ nữ đang tìm kiếm, mơ mộng đổi đời bằng con đường ra nước ngoài lấy chồng. Dù bị đối xử bất công, hành hạ nhưng họ vẫn quyết tâm vươn lên, tìm kiếm cơ hội để khẳng định bản thân bằng lao động chân chính”, đạo diễn Lê Thanh Bình kể.

Khát vọng trở về

Ông Georges Blanchard gắn bó cả đời ở một đất nước mà ông coi như quê hương thứ hai để theo đuổi công việc vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Ông tâm niệm: “Nếu mỗi người cùng cố gắng một chút thì xã hội này sẽ hạnh phúc hơn”. Gần 20 năm tham gia giải cứu, hồi hương cho các đối tượng bị buôn bán ra nước ngoài, Liên minh phòng, chống buôn bán người của Georges Blanchard giải cứu trên 5.000 phụ nữ, tuy nhiên hầu như không ai muốn tham gia bộ phim bởi rất nhiều lý do, phần lớn là do mặc cảm.

'Về đi thôi' - Không chỉ câu chuyện của phụ nữ ảnh 2  

Hoặc nhân vật như bà Mến, dù có thể trở về sau mấy chục năm lưu lạc nhưng vì đứa con trai tâm thần 28 tuổi mà bà đành ở lại Trung Quốc làm lụng nuôi nấng và chữa bệnh cho con. “Chưa bao giờ là muộn nếu chúng ta làm cho họ hiểu điều gì đang chờ đợi họ, điều họ phải đối mặt nơi xứ người”, một phụ nữ Việt làm dâu 30 năm tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc nói.

Đạo diễn hứa hẹn phim đề cao tính chân thực, không chú trọng các yếu tố mang tính dàn dựng hay mô phỏng cầu kỳ. Đan xen giữa các câu chuyện, cuộc sống của các nạn nhân là các phỏng vấn, chuyện trò của cha mẹ, con cái, anh chị em … nhằm tạo nên sự khách quan, thuyết phục.

'Về đi thôi' - Không chỉ câu chuyện của phụ nữ ảnh 3  

Ngoài thông điệp chính mang ý nghĩa giáo dục một bộ phận thanh niên, phụ nữ, những người làm phim còn khẳng định tình mẫu tử, nghĩa đồng bào- một trong những giá trị tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Trong sự thống khổ vì bất hạnh,vất vả, thiếu thốn đâu đó vẫn thấy ấm áp tình người- tình thương yêu, tương trợ giữa những phụ nữ Việt nơi xứ người.

“Khi ghi hình, phỏng vấn, chúng tôi luôn dành cho các nhân vật sự tôn trọng và cảm thông. Đối với tôi, mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện đều để lại những cảm xúc, kỷ niệm nhất định. Kết thúc phần ghi hình hậu kỳ, tôi chỉ có một ước mong sẽ không phải gặp thêm những cảnh ngộ như thế nữa”, đạo diễn nói.

Về đi thôi còn mang thông điệp: Không nơi đâu bằng quê hương, Tổ quốc, nơi có người thân yêu ruột thịt và nơi ta được là chính mình. Một sự cảnh báo cho những phụ nữ đang có dự định, mong muốn ra nước ngoài lấy chồng, làm giàu thông qua giới thiệu và môi giới. 

MỚI - NÓNG