Nhiều nước tăng kỷ lục ca tử vong vì COVID-19, Việt Nam thêm nhiều người phải cách ly

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 441.920 ca mắc COVID-19 và 5.497 ca tử vong. Nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca tử vong mới cao kỷ lục. Tại Việt Nam, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang cách ly là 14.576 người, tăng thêm gần 500 người so với ngày hôm qua.

Việt Nam: Giám sát chặt người nhập cảnh về thực hiện cách ly phòng dịch COVID-19

Tính đến 9h00 ngày 25/10/2020, theo thống kê của worldometers.info:

*Thế giới: 42.916.332 người mắc; 1.154.301 người tử vong, 31,659.507 người khỏi bệnh.

215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
- Việt Nam đứng thứ 165 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 7/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.

* Việt Nam: 1160 ca mắc COVID-19

Trong đó:

- Số ca điều trị khỏi: 1051 ca.

- Số ca tử vong: 35 ca

Số người cách ly: 14.576 người

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 181 người

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 13.208 người

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.187 người

Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 469 ca

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, thành phố; đề xuất để UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.

Đồng thời, tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các địa phương, các sở, ngành duy trì triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế.

"Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; duy trì và thực hiện hiệu quả của tổ phòng chống dịch COVID tại cộng đồng"-Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Về xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19, Thứ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện theo hướng dẫn, tập trung xét nghiệm tất cả các trường hợp F1, các trường hợp đối tượng cán bộ y tế làm việc ở những nơi có nguy cơ cao

Đồng thời làm tốt công tác giám sát cách ly ở khu cách ly ngoài quân đội, phải thực hiện nghiêm theo quy định về vấn đề cách ly.

"Các địa phương phải quản lý chặt, giám sát chặt các chuyên gia, công nhân tay nghề cao đang cách ly tại khu ký túc xá. Hàng ngày phải cử cán bộ y tế theo dõi sức khoẻ, nếu có vấn đề gì lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và đưa đi cách ly ngay"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu

Đồng thời yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để các ổ dịch, khoanh vùng, không để bùng phát lan rộng. Đặc biệt duy trì, dự phòng các tình huống dịch có thể xảy ra.

Nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca tử vong tăng kỷ lục

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 9h ngày 25/10 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 42.916.332 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.154.301 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 31.650.029 người. Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (74.940 ca), Ấn Độ (50.224 ca) và Pháp (45.422 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 744 ca), tiếp theo là Ấn Độ (575 ca) và Mexico (418 ca).

Nước Mỹ đã trải qua một mốc đáng ngại mới: Nước này ghi nhận số ca lây nhiễm mới trong ngày cao nhất vào ngày 23/10, với trên 83.000 ca nhiễm, cao hơn 6.000 ca so với kỷ lục trước đó vào tháng 7. Giới chuyên gia cảnh báo, Mỹ có thể sẽ chứng kiến số ca lây nhiễm mới ở mức 6 con số. Trong 24 giờ qua, nước Mỹ ghi nhận74.840 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 8.822.223, bao gồm 230.028 ca tử vong, tiếp tục đứng đầu thế giới.

Tình hình dịch diễn biến nghiêm trọng nhất ở khu vực Bắc và Trung Tây. Hiện 35/50 bang của Mỹ chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng từng ngày. Trong tuần qua, ít nhất 34 tiểu bang của Mỹ đã thông báo số ca nhiễm mới COVID-19 tăng hơn tuần trước đó. Số ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày ở Mỹ tăng ổn định ở mức 700-800 ca kể từ đầu mùa Thu. Hiện có đến 14 bang của Mỹ ghi nhận số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Tại châu Âu, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khi nhiều nước tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất.

Séc ghi nhận thêm 15.252 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm trong ngày cao nhất ở Séc kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, Séc có tổng cộng 238.323 bệnh nhân COVID-19 trong tổng số 10,7 triệu dân, trong đó có 1.971 ca tử vong (sau khi có thêm 126 ca tử vong mới).Nga thông báo 16.521 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua sau khi ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trên 17.300 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 1.497.167 ca. Tổng số ca tử vong ở nước này đến nay là 25.821 ca.

Còn tại Đức, giới chức nước này đã hối thúc người dân hạn chế tối đa tiếp xúc xã hội cũng như các hoạt động đi lại không cần thiết để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Giới chức cũng khuyến cáo người dân không đi nghỉ Đông tại các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Áo, Italy và Thụy Sĩ.

Mặc dù nước Đức không bị đại dịch COVID-19 hoành hành nghiêm trọng như nhiều nước châu Âu khác, nhưng hiện số ca nhiễm mới mỗi ngày tại nước này đã vượt quá con số 10.000 người. Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 10.499 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 427.799, bao gồm 10.111 ca tử vong.

Trong khi đó, tại châu Á, số ca mắc COVID-19 "nhập cảnh" tại Trung Quốc đang tăng cao. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc đại lục có thêm 28 ca mắc COVID-19, đều là ca trở về từ nước ngoài. Ngoài ra, nước này phát hiện thêm 27 ca mắc COVID-19 không triệu chứng, cũng đều là ca "nhập cảnh".Tính đến ngày 23/10, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 85.775 ca mắc COVID-19, trong đó có 80.876 ca đã được chữa khỏi và 4.634 ca tử vong.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 385.980 ca nhiễm, tăng 4.070 so với hôm trước, trong đó 13.205 người chết, tăng 128 ca.Jakarta bắt đầu áp đặt hạn chế nhằm ngăn nCoV từ hồi đầu tháng 4 rồi dần nới lỏng vào tháng 6. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới ở thủ đô vài tuần sau tăng vọt. Philippines báo cáo 367.819 ca nhiễm và 6.934 ca tử vong, tăng lần lượt 2.057 và 19 ca. Các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh sẽ kéo dài đến ngày 31/10. Nhóm chuyên trách Covid-19 của chính phủ Philippines cho biết họ không thể lơ là, dù muốn thúc đẩy nền kinh tế. Philippines dỡ bỏ lệnh cấm người du lịch nước ngoài từ 21/10.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.