Bão số 9 đặc biệt nguy hiểm, có thể gây mức độ rủi ro thiên tai gần cấp thảm họa

Bão số 9 đặc biệt nguy hiểm, có thể gây mức độ rủi ro thiên tai gần cấp thảm họa
TPO - Sáng 26/10, cơ quan dự báo khí tượng Việt Nam cho biết, cơn bão số 9 có khả năng mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 trên biển Đông, gây độ rủi ro thiên tai cấp 4 (gần cấp thảm hoạ là cấp 5). Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng lên kịch bản di dời gần 1,3 triệu dân. 

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, lúc 9 giờ sáng nay, Trung tâm đã phát tin cơn bão khẩn cấp- cơn bão số 9 (tên quốc tế là Molave) trên biển Đông. 

 Theo ông Khiêm, khác với những cơn bão trước đây, cơn bão số 9 đi rất nhanh, trong 36-48 giờ tới có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

 Ông Khiêm cho biết, qua thảo luận với các đài quốc tế, trong đó với cơ quan dự báo của Nhật, đều nhận định đây là cơn bão di chuyển nhanh, mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng, vùng gió mạnh cấp 6 trở lên gần như khắp biển Đông. Các đài quốc tế cho rằng, bão số 9 mạnh cấp 13-14, nếu vào vùng biển ven bờ có thể đạt cấp 12. 

 Trong khi đó, theo cơ quan dự báo khí tượng của Việt Nam, trên cơ sở 52 phương án khác nhau, nhận định bão số 9 đi vào các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, còn phạm vi ảnh hưởng kéo dài gần như cả dải miền Trung. 

 Ông Khiêm cũng lý giải, khác với cơn bão số 8, cơn bão số 9 này không có khối không khí khô lạnh ở phía trước, không có yếu tố làm suy yếu, nên cường độ bão vẫn rất mạnh. 

 Về thời gian bão đổ bộ, ông Khiêm cho biết, từ chiều 27/10, các vùng ven bờ chịu ảnh hưởng của bão sẽ có dông lốc và gió giật mạnh. Đêm 27 ngày 28/10, vùng đất liền chịu gió mạnh hoàn lưu của bão, kéo dài đến hết ngày 28. 

 Phạm vi ảnh hưởng Nam Nghệ An đến Khánh Hoà, trong đó trọng tâm Thừa Thiên-Huế vào Phú Yên. Khi bão vào vùng biển Đà Nẵng đến Phú Yên vẫn khả năng mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. 

 “Gió mạnh không chỉ ở ven biển, mà thậm chí gió giật cấp 8-9 ở Tây Nguyên. Tác động này giống như cơn bão Damrey năm 2017, cũng gây gió giật mạnh cấp 8-9, rất nhiều nhà bị giật tung mái”, ông Khiêm nói. 

 Giám đốc cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cũng cho biết, cơn bão số 9 mạnh, lại đi vào khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, nên nguy cơ gây mức độ rủi ro thiên tai cấp 4, là cấp gần tới mức thảm hoạ. 

 Ông Khiêm cũng cho hay, khi bão đi gần 200-250 km, chúng ta có 10 radar sẽ quan sát sẽ chính xác hơn. Vì hiện mới qua hệ thống vệ tinh thì mức độ lệch 1-2 cấp. 

 Cơ quan dự báo nhận định, bão sẽ gây sóng biển 8-10 mét, vùng ven bờ từ Quảng Bình đến Phú Yên 6-8 mét đặc biệt là nước biển khả năng dâng cao 1 mét, gây nguy cơ ngập lụt vùng ven biển, gây nguy hiểm cho tuyến đê biển. 

Bão số 9 đặc biệt nguy hiểm, có thể gây mức độ rủi ro thiên tai gần cấp thảm họa ảnh 1 Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn, nhận định cơn bão số 9 gây độ rủi ro thiên tai cấp 4, sau cấp thảm hoạ (cấp 5)

 Về lượng mưa, ông Khiêm cho biết, phạm vi mưa lớn từ Nam Nghệ An đến Phú Yên, lượng mưa 200-400mm, mưa từ chiều 27 đến ngày 29/10. 

 “Đáng lưu ý, cơn bão này, sau khi đi sâu vào đất liền, từ ngày 27-28/10, kết hợp với không khí lạnh tạo thành giải hội tụ, và gây mưa từ khu vực Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị sẽ gây đợt mưa kéo dài đến ngày 30-31/10 tới, với lượng mưa rất lớn đến 500-700mm. 

 Lũ trên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum có thể báo động 2-3, một số sông đến báo động 3.

Hồi 10 giờ sáng nay, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 620km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão, bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 27/10, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 280km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 10 giờ ngày 28/10, tâm bão ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 29/10, tâm áp thấp nhiệt đới ngay trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các mô hình dự báo cho thấy, cường độ bão số 9 trên Biển Đông có thể mạnh cấp 13-14, khi di chuyển vào vùng biển ven bờ vẫn mạnh cấp 12. Vùng trọng tâm hướng vào là các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ. Do không có địa hình không có vật cản nên dự báo gió mạnh rất nguy hiểm.

Dự báo từ chiều mai, vùng biển ven bờ các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ bắt đầu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão với dông, lốc, gió giật mạnh. Từ đêm mai đến hết ngày 28/10, các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ có thể có gió mạnh cấp 10, cấp 11.

Do ảnh hưởng bão số 9, từ ngày mai đến 29/10, mưa lớn diện rộng kéo dài từ Nghệ An đến Khánh Hòa, trọng tâm là nam Nghệ An đến Phú Yên với lượng mưa từ 200-400 mm/đợt. Một số nơi miền núi như huyện Trà My (Quảng Nam), Ba Tơ (Quảng Ngãi) có thể lên đến trên 500-600mm.

Đặc biệt, sau khi bão số 9 đổ bộ đất liền, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tạo thành một vùng hội tụ gió trên cao, gây mưa sau bão rất lớn ở các tỉnh từ nam Nghệ An đến Quảng Bình với tổng lượng mưa 500-700mm. Mưa có thể kéo dài từ 27-31/10.

Do ảnh hưởng của mưa lớn nên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ mới. Mực nước trên nhiều sông có khả năng lên BĐ2-BĐ3, có sông vượt BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt diện rộng.

"Xét trên các yếu tố gây nguy hiểm của bão số 9, nhất là khi miền Trung vừa trải qua đợt mưa bão kéo dài nên chúng tôi đã nâng mức cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 4, thay vì cấp 3", ông Khiêm nói.

Lên kịch bản di dời gần 1,3 triệu dân

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, với kịch bản của cơ quan dự báo bão đưa ra, khả năng Việt Nam sẽ phải di dời gần 1,3 triệu dân tại 7 tỉnh miền Trung để ứng phó với bão.

Ngoài ra, hiện trong khu vực ảnh hưởng của bão có hơn 65.000 tàu thuyền đang hoạt động trên biển, và các lực lượng chức năng, địa phương mới thông báo khoảng 45.000, còn 20.000 tàu nữa, đặc biệt là tàu vãng lai, cần hướng dẫn, kêu gọi khẩn cấp.

Ông Hoài cũng lưu ý, khu vực miền Trung hiện có 14.000 ha nuôi trồng thuỷ sản, và 200.000 lồng bè, trong đó nhiều nhất là Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Theo ông Hoài, sáng nay, Thủ tướng đã ký công điện chỉ đạo chi tiết cho từng bộ ngành, địa phương để ứng phó với bão. 

“Trước tối 27, chúng ta cần phải hoàn thành xong phần kiểm đếm, neo đậu tàu thuyền. Cơn 12 năm 2017 đã làm đắm 10 tàu vận tải lớn ở Bình Định, đây là một bài học lớn”, ông Hoài nói và kiến nghị Thủ tướng xem xét ra lệnh cấm biển ở các tỉnh ảnh hưởng. 

 Ông Hoài cũng kiến nghị ngoài tình hình di dân theo kịch bản, các địa phương cũng lên phương án cho học sinh nghỉ học. 

 “Chúng ta cần kiên quyết yêu cầu, di dời người dân ở các lồng bè, chòi canh, trên tàu thuyền lên bờ trước khi bão vào, và chưa để người dân quay lại lồng bè khi có lệnh của chính quyền. Cùng đó, chúng ta đảm bảo an toàn người dân trên đảo và ven biển, chuẩn bị các phương tiện cứu hộ cứu nạn, kể tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải, tàu hải quân, kiểm ngư…”, ông Hoài nói.

Ngoài ra, hiện các hồ thuỷ lợi, thuỷ điện cũng đã xả để sẵn sàng đón bão.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.