Trung - Mỹ họp bàn ngăn chặn 'khủng hoảng quân sự'

Ngày 19 và 20/10, hải quân ba nước Mỹ, Nhật, Australia tiến hành diễn tập chung trên Biển Đông
Ngày 19 và 20/10, hải quân ba nước Mỹ, Nhật, Australia tiến hành diễn tập chung trên Biển Đông
TP - Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến quan trọng từ ngày 28 đến 29/10 về kiểm soát khủng hoảng, nhằm ngăn ngừa các hành vi "khiêu khích trên biển và trên không".

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 29/10 cho biết lãnh đạo bộ này và các quan chức Trung Quốc đã tổ chức hội nghị lần đầu tiên của “Crisis Communication Working Group” (Nhóm Công tác về liên lạc giải quyết khủng hoảng) từ ngày 28 đến 29/10 để thảo luận về các khái niệm liên lạc chống khủng hoảng, ngăn chặn khủng hoảng và quản lý khủng hoảng; hai bên đã đồng ý tăng cường giao tiếp, kiểm soát bất đồng.

 Chiều 29/10, ông Ngô Khiêm, Cục trưởng Cục Thông tin Bộ Quốc phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cũng thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ: từ ngày 28 đến 29/10, quân đội Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức hội nghị trực tuyến lần đầu của Nhóm công tác liên lạc giải quyết  khủng hoảng.

Ông Ngô Khiêm giới thiệu, hai bên Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý tiến hành các cuộc hội thảo trao đổi về hoạt động cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai giữa quân đội hai nước năm 2020 thông qua hội nghị trực tuyến vào giữa tháng 11. Trước cuối năm nay, quân đội hai nước cũng sẽ tổ chức một hội nghị trực tuyến để tham vấn về an ninh quân sự trên biển.

Trung - Mỹ họp bàn ngăn chặn 'khủng hoảng quân sự' ảnh 1 Hình ảnh lính Mỹ diễn tập sử dụng máy bay không người lái mang phù hiệu in hình bản đồ Trung Quốc từng gây xôn xao dư luận

Theo thông tin trước đó trên các phương tiện truyền thông Mỹ, Washington đang nghiên cứu kế hoạch sử dụng các máy bay không người lái MQ-9 để tấn công các đảo và bãi đá ngầm mà Trung Quốc đang chiếm giữ, tôn tạo trái phép ở Biển Đông khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra không thuận lợi với ông Donald Trump.

Đáp lại các thông tin này, ông Ngô Khiêm cho biết mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã đặc biệt làm rõ vấn đề này thông qua các kênh quân sự và ngoại giao, nói rằng tin này không phù hợp với thực tế. Ngô Khiêm cho biết trong cuộc họp báo, ông Esper tuyên bố Mỹ không có ý định tạo ra một cuộc khủng hoảng quân sự chống lại Trung Quốc. Ông Ngô Khiêm cũng nói: “Chúng tôi kêu gọi Mỹ tiếp tục duy trì đối thoại, giữ lời hứa và thực hiện các biện pháp tránh khiêu khích quân đội Trung Quốc trên các lĩnh vực hàng hải và hàng không”.

Theo trang HK-01, “Điều bất ngờ Tháng 10” là trong bối cảnh chính trị của Mỹ, một đảng cố tình sắp xếp thời gian để tung ra một thông tin nhằm thay đổi suy nghĩ của cử tri, tác động đến dư luận và khiến kết quả bầu cử có lợi cho họ. Việc này thường sẽ xuất hiện trước đợt bỏ phiếu cuối cùng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

 Hãng tin Reuters của Anh ngày 30/10 đưa tin Lầu Năm Góc không nói rõ liệu ông Mark Esper có tham gia cuộc họp trực tuyến giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ hay không, nhưng nói rằng cuộc họp là cơ hội để hình thành các nguyên tắc “ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng, giảm thiểu rủi ro quân sự” giữa Trung Quốc và Mỹ. Bản tin chỉ ra rằng cuộc hội nghị trực tuyến này giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ diễn ra trước thềm cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Ngoại trưởng Mike Pompeo đang thăm 5 nước châu Á, kêu gọi các nước hợp tác với Mỹ và tạo thành liên minh chống lại sự đe dọa của Trung Quốc.

 Theo tin của báo Hong Kong South China Morning Post ngày 30/10, các nhà phân tích ở Trung Quốc và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều cho rằng, khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ liên tục leo thang trong nhiều lĩnh vực từ thương mại đến cạnh tranh địa chính trị thì cần phải thiết lập một cơ chế như vậy. Nhà bình luận quân sự nổi tiếng người Hồng Kông Tống Trung Bình cho rằng, khi Hoa Kỳ gia tăng gây sức ép và chiến lược ngăn chặn đối với Trung Quốc, do sự phán đoán sai lầm nghiêm trọng giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ, xung đột quân sự có thể bùng phát nếu không có các kênh liên lạc thích hợp.

 Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại S.Rajaratnam School of International Studies (Viện Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho rằng: Nhóm công tác liên lạc về giải quyết khủng hoảng phản ánh nỗ lực của Trung Quốc và Mỹ nhằm ngăn chặn mối quan hệ xấu đi giữa hai nước lan sang lĩnh vực quân sự.

Theo phân tích, điều này cũng phản ánh những phàn nàn gần đây của các nhà hoạch định chính sách và học giả Trung Quốc, những người cho rằng ngày càng khó liên lạc và giao tiếp với những người đồng cấp Mỹ. Một số người thậm chí còn suy đoán rằng ông Trump có thể tìm cách gây nên các sự cố quân sự để gia tăng cơ hội tái đắc cử.

Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11, Chính phủ Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép đối với Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ trong một tuần đã hai lần phê duyệt việc bán số lương lớn vũ khí cho Đài Loan. Quân đội Mỹ cũng công khai đe dọa gửi quân đến giúp Nhật Bản bảo vệ quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Chỉ huy Quân đội Mỹ tại Nhật Bản, tướng Kevin Schneider, ngày 26/10 tuyên bố rằng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ có thể tổng hợp khả năng triển khai của Nhật Bản và Mỹ, đưa quân đến bảo vệ quần đảo Senkaku (Điếu Ngư).

 Ông Dương Đơn Chí, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cũng cho rằng không thể loại trừ khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.