Ông Trump phải chiến đấu vì sinh mệnh chính trị

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty Images)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty Images)
TPO - Khi bước vào năm bầu cử 2020, câu chuyện chính liên quan đến sức khỏe trong bầu cử là bệnh tim của ông Bernie Sanders, ứng viên 78 tuổi bị đau tim khi đang vận động tranh cử ở Las Vegas. 

Sau đó là câu hỏi liệu ông Joe Biden có đủ sức chịu đựng để “chạy xô” với lịch trình vận động kín mít. Trong sân vận động có đến 70 chính trị gia, sức khỏe của ứng viên hàng đầu trở thành chủ đề bàn luận chính.

Khi đó, người Mỹ chưa nghĩ đến khả năng cái chết của hơn 225.000 người Mỹ sẽ phủ bóng lên tất cả.

 Nhiều người Mỹ cảm thấy họ sắp trải qua một cuộc bầu cử của thời đại, có lẽ quan trọng nhất trong 50 năm qua. Nhưng ít ai có thể dự đoán thực tế sẽ căng thẳng và nhiều người chết như hiện nay.

 Chỉ 10 tháng trước, ít người Mỹ từng nghe tên Vũ Hán. Khi đó, những chiếc áo phông, miếng dán vẫn nổi bật với những khẩu hiệu chính trị, chứ không phải những chiếc khẩu trang trên mặt.

 Bốn năm trước, khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Donald Trump được đánh giá là câu chuyện cảm tính. Thay vì tự đưa ra thời gian cụ thể, ông để cử tri tự nghĩ xem nước Mỹ vĩ đại lần cuối cùng là khi nào. Điều này khiến lực lượng cử tri ủng hộ ông phải lục lọi tâm trí, những điều đôi khi chỉ là trừu tượng.

 Đối với một số người, sự vĩ đại của nước Mỹ tồn tại ở thời Reagan trong những năm 1980, giai đoạn Mỹ hồi sinh sau cơn ác mộng trường kỳ ở Việt Nam, vụ bê bối Watergate và khủng hoảng con tin Iran. Đối với những người khác thì đó là những năm 1950, trước khi cộng đồng người Mỹ gốc Phi được trao quyền công dân đầy đủ, trước khi diễn ra phong trào giải phóng phụ nữ sau thời kỳ xã hội do đàn ông làm chủ.

 Nhưng trong những tuần vận động cuối cùng, ông Trump nói cụ thể hơn. Ông nêu ra mốc thời gian cụ thể hơn, đó là “trước khi có dịch bệnh”. Ông liên tục nói với cử tri rằng nước Mỹ khi đó có nền kinh tế mạnh nhất trong lịch sử thế giới.

 Nhưng nay, đại dịch COVID-19 khiến khẩu hiệu của ông bị nhiều người chế nhạo.

 Trước khi nước Mỹ bị virus corona tấn công, những chỉ số quan trọng đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông rất tốt. Ông vượt qua phiên tòa luận tội. Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông lên mức cao chưa từng có. Ông khoe nền kinh tế phát triển mạnh trong thời gian ông lèo lái.

 Việc đưa tin về cuộc bầu cử năm 2016 dựa trên dự đoán trật khấc rằng ứng viên vốn là ngôi sao truyền hình thực tế sẽ không bao giờ chiến thắng để trở thành tổng thống, đến đầu năm nay nhiều người cho rằng ông Trump sẽ không thể thua trong cuộc bầu cử lần hai.

 Sau đó, mọi thứ thay đổi. COVID-19 trao cho ông Biden tấm áo tàng hình, che đi hình ảnh mà nhiều người đánh giá là lóng ngóng và yếu đuối. Ông Trump tự tạo hình ảnh vị tổng thống thời chiến, nhưng trên chiến trường mà Mỹ nhanh chóng thất bại.

 Bầu cử năm 2020 không phải cuộc bầu cử năm 2016 được tổ chức lại. Ông Trump giờ là người đương nhiệm chứ không còn là nhân tố bất ngờ. Ông có nhiều thứ phải bảo vệ. Đối thủ của ông không bị ghét nhiều như bà Hillary Clinton, mà ông Biden giống một ông già dễ mến. Nụ cười rạng rỡ của ông Biden cũng được coi là vũ khí chính trị.

 Đó là lý do năm nay có ít người của đảng Dân chủ ủng hộ ông Trump và thêm nhiều người của đảng Cộng hòa ủng hộ ông Biden.

 Ông Trump đắc cử năm 2016 vì ông tự xây dụng hình ảnh anti-Obama và anti-Hillary. Một trong những lý do ông Biden đang dẫn trước trong các cuộc thăm dư luận là ông phù hợp với vai trò anti-Trump.

 Đối với nhiều người Mỹ, khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong chiến dịch năm nay là ngày thức dậy với tin tổng thống mắc COVID-19. Khi đó, phe Dân chủ cho rằng ông Trump đang tung tin giả còn phe Cộng hòa vẫn nói virus corona là trò lừa. Điều đó cho thấy hoài nghi và thông tin lẫn lộn lấn át nước Mỹ như thế nào.

 Trong những ngày sau đó, người ta hóng tin về tình trạng sức khỏe của tổng thống, nhưng không hoàn toàn chắc chắn rằng có nên tin thông tin cập nhật từ bác sĩ của Nhà Trắng hay không. Đối với những người ủng hộ, việc ông Trump tuyên bố khỏi COVID-19 giống như cái kết đẹp cho một bộ phim hành động, nhưng với những người phản đối thì giống một cảnh trong vở hài kịch.

 Sau những ngỡ ngàng vì dự đoán trật cách đây 4 năm, hầu hết mọi người giờ đều thận trọng khi dự báo kết quả cuộc bầu cử năm nay. Nhưng có một điều tương đối chắc chắn, là những ai coi cuộc bầu cử năm nay là liều thuốc chữa bách bệnh sẽ phải thất vọng.

 Washington vẫn chìm trong rối loạn. Ngoài virus corona, nước Mỹ vẫn phải đương đầu với tình trạng sử dụng súng tùy tiện, khủng hoảng chất gây nghiện opioid và rối loạn thông tin. Những nhóm cực đoan như Proud Boys vẫn chực chờ.

 Đối với những người cảm thấy bị bỏ rơi trong nền kinh tế hậu công nghiệp, Giấc mơ Mỹ vẫn sẽ là điều huyền ảo. Vấn đề kỳ thị chủng tộc tiếp tục ở đó, và luôn có một lời nhắc nhở rằng chia rẽ còn là chuyện lâu dài.

 Trong đêm trước bầu cử, mọi người chưa biết tổng thống có chấp nhận kết quả hay không. Một số người diễn giải đây là một triệu chứng nữa cho thấy nền dân chủ Mỹ đang suy tàn.

 Giờ đây, cuộc bầu cử tổng thống năm nay là khoảnh khắc định mệnh: tổng thống thời đại dịch của Mỹ đang chiến đấu cho vận mệnh chính trị của mình.

Theo theo BBC
MỚI - NÓNG