Phụ huynh vật lộn dạy con mỗi tối: Tiến sĩ giáo dục chỉ ra sai lầm ‘chết người’

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Nhiều phụ huynh ngồi kè kè dạy con buổi tối nhưng vẫn không hiệu quả. Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội đã chỉ ra sai lầm chết người trong cách dạy con.

Nhiều lúc chỉ muốn đánh con

Năm học mới bắt đầu cũng là lúc nhiều cha mẹ có con vào lớp 1 bước vào cuộc chiến nảy lửa: Kèm con học đọc, học viết, làm bài tập. Những ngày qua, trên các diễn đàn không khó để tìm những lời than vãn: "Sao mà dạy con khó quá?!". Hướng dẫn "rát cổ bỏng họng", “đến điên mất thôi” mà con vẫn không đánh vần đúng từ, chữ viết thì liêu xiêu, nghiêng ngả.

Chị Nguyễn Thị Thùy có con vào lớp 2 ở một trường tiểu học của quận Cầu Giấy cho biết, bài tập hàng ngày cô giao nhiều, chiều chiều nhận được tin nhắn vào điện thoại là tối con làm bài nào, hạn nộp ra sao nên tối cơm nước xong là vứt vội đống đĩa bát, hai mẹ con vào bàn học. Tuy nhiên, dạy con câu trước thì lại quên sau. Có lúc chị bất lực đến mức tự hỏi: "Hay thôi, chẳng kèm nữa, con học được chữ nào hay chữ ấy”.

“Thế là, tối nào hai mẹ con cũng nói nhau ầm ầm, thậm chí ức chỉ muốn đánh con. Việc quát tháo ầm ĩ quen đến mức sáng nào đi làm vợ chồng chị cũng được bác hàng xóm hỏi nhở: Tối qua nhà cháu có chuyện gì đấy”- chị Thùy chia sẻ.

Tương tự, chị Đỗ Thị Hương, ở Hoàng Mai có con mới vào học lớp 1 cho biết, chị luôn dặn mình không được cáu với con nhưng từ đầu năm học đến nay, ngày nào cũng phải cãi cọ, to tiếng với con vào chuyện học. Nhiều lúc, chị cảm thấy bất lực không dạy nữa yêu cầu chồng vào dạy thay thì chỉ 10 phút không chịu nổi lại yêu cầu chị vào dạy con. Nhiều hôm, con làm chậm, đến 11h mới xong, mẹ khóc, con khóc theo.

Cũng chính các vị phụ huynh chia sẻ, mình bực bội mà con cái khóc lóc, run lẩy bẩy, sợ học bài vào buổi tối. Việc làm bài tập cứ ngỡ tốt cho con nay lại thành ra gánh nặng. Bố mẹ thì mệt mà con lại sợ kinh hồn bạt vía. “Nhưng nếu không bảo con thì con làm sai, thiếu bài nộp là thường xuyên. Mà không làm bài thì y như rằng ngày mai co bị bêu tên trong sổ của lớp. Mình đã nỗ lực vì con, nhưng con chẳng khá hơn mà lầm lì, sợ học, kết quả vẫn dậm chân tại chỗ"- chị Hương chia sẻ.

Con học giỏi cũng chỉ vô giá trị?

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội đã chỉ ra, thực tế, có phụ huynh không có nhận thức đầy đủ về giáo dục. Họ cho rằng giáo dục chỉ là dạy chữ cho trẻ và bảo trẻ biết vâng lời. Trong khi giáo dục có mục tiêu rất rộng.

Cũng theo TS Hương, trong khi cha mẹ hiểu nhầm như vậy, cha mẹ thường lao vào can thiệp bài học của con ở lớp, giảng bài cho con vào buổi tối, nhắc nhở con liên hồi về các trách nhiệm cá nhân, chiều chuộng con quá đà, đáp ứng mọi yêu cầu của con dù đó là các yêu cầu hết sức vô lý, coi thường giáo dục đạo đức, tư cách cho con.

Điển hình là cha mẹ không nghĩ cần phải dạy con sống và làm việc trách nhiệm, tự giác, biết sống tử tế và không làm phiền người khác.

Theo TS Hương, nhiều phụ huynh mục tiêu trong giáo dục là con phải học giỏi. Tuy nhiên bà Hương cho rằng, giỏi ở trong suy nghĩ chả cha mẹ cũng không chính xác. Giỏi ở đây không phải là thực lực đứa trẻ biết sáng tạo, học hỏi và làm việc trách nhiệm. Giỏi trong nghĩa của các phụ huynh Việt Nam là điểm cao, được xung quanh ca ngợi và đỗ vào các trường danh tiếng.

“Rõ ràng, khi các quan điểm còn chưa thực sự ổn thì giáo dục trẻ còn nhiều vấn đề xảy ra”- bà Hương nói

Tiiến sĩ Vũ Thu Hương đã chỉ ra một số mặt tiêu cực của vấn đề dạy con học buổi tối. Hệ lụy đầu tiên là trẻ sẽ luôn cảm thấy không ai hiểu được mình. Trẻ sẽ cảm thấy bố mẹ là thế giới khác, mình là thế giới khác. Trẻ bơ vơ và cô độc trong chính ngôi nhà của mình.

Hệ lụy thứ hai là chính trẻ cũng trở nên hoang mang với mọi chân giá trị của cuộc sống, rối loạn trong đánh giá đúng sai và tốt xấu. Trẻ cứ nhìn theo bố mẹ mà làm nên thấy bố mẹ làm thì trẻ sẽ coi đó là chân lý. Khi thấy chân lý mâu thuẫn, trẻ sẽ thật sự hoảng loạn.

Do vậy, theo bà Hương, tỉ lệ lớn trẻ em vào tuổi teen thường đóng cửa với chính cha mẹ của mình, không chia sẻ, bày tỏ quan điểm và thường coi cha mẹ như những người lạc hậu với thời cuộc.

Trẻ cũng bị sức ép của thành tích, của những áp lực học hành thi cử làm cho rối loạn nên sau đó, gần như trẻ Việt Nam lại thừa kế chính quan điểm sai lầm trên và liên tục làm cho các thế hệ tiếp theo ức chế và mệt mỏi.

“Đối với tôi, học giỏi vô giá trị, sống tốt mới là quan trọng số 1. Bởi vì học hành chỉ là 1 góc nhỏ của con người. Điều quan trọng là đứa trẻ nhận được kiến thức, kĩ năng gì trong khi học và đã biến nó thành của mình hay chưa”- bà Hương nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, Thạc sỹ Ngô Thị Ngân, giảng viên khoa hội họa trường CĐ Nhạc họa sư phạm cho rằng, chị không ủng hộ việc bố mẹ kè kè kèm cặp con học suốt buổi tối. 

"Tôi chỉ ủng hộ việc phụ huynh chỉ nên kiểm tra lại bài cho con. Nếu con sợ học, sợ viết, tôi bảo con cứ thả lỏng tay, cố gắng nắt nót nhất có thể còn đẹp xấu không quan trọng. Mỏi quá, tôi còn bảo con tạm nghỉ ngơi, đi chơi đã"- bà Ngân nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.