Hồi hộp chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ

Ông Biden rộng đường chiến thắng

Ông Joe Biden đang rộng đường vào Nhà Trắng Ảnh: NYT
Ông Joe Biden đang rộng đường vào Nhà Trắng Ảnh: NYT
TP - Ðường đến Nhà Trắng của ông Joe Biden rộng mở hơn sau khi dẫn trước Tổng thống Donald Trump ở 2 bang Nevada và Arizona, đồng thời đe dọa chiếm lợi thế của đối thủ ở bang Pennsylvania. Nhóm của ông Trump đang kiện tụng khắp nơi, nhưng một số đơn kiện đã bị gạt.

Cơ hội chiến thắng của ông Trump đang nhỏ dần. Ông cần thắng ở Pennsylvania và Geogia, đồng thời vượt mặt ông Biden ở Nevada hoặc Arizona. Tại Pennsylvania (20 phiếu đại cử tri), cuộc đua đang cực kỳ gay cấn khi khoảng cách của 2 ứng viên quá nhỏ (khoảng 0,3 điểm phần trăm). Tại Georgia, ông Biden đang dẫn trước và 99% phiếu đã được kiểm.

Đến hôm qua, ông Biden bắt đầu xây dựng hình ảnh người chuẩn bị nhậm chức. Ngày 5/11, ông gặp các cố vấn kinh tế và y tế để nghe báo cáo về tình hình dịch COVID-19. Phát biểu ngắn trước các phóng viên ở Delaware, ông Biden thúc giục người dân “bình tĩnh thêm một chút” khi công việc kiểm phiếu ở các bang chiến trường đã kéo dài sang ngày thứ ba. “Dân chủ đôi khi có thể lộn xộn”, ông nói. Trong khi đó, phát biểu từ phòng họp của Nhà Trắng, ông Trump tiếp tục tuyên bố cuộc bầu cử có gian lận, và đây là âm mưu tinh vi của các bang Dân chủ ở hai bờ đông và tây, của báo chí và Thung lũng Silicon nhằm tước đoạt nhiệm kỳ 2 của ông.

Dù chiến thắng có vẻ đang trong tầm với của ông Biden, cả hai ứng viên vẫn phải chờ thêm, trong khi quá trình kiểm phiếu vẫn đang nhích từng bước. Trong phòng của hai nhóm tranh cử, các nhân viên liên tục liên lạc với lực lượng ở hiện trường để cập nhật tình hình số phiếu và lợi thế thuộc về ứng viên nào. Tại Pennsylvania, ông Trump chỉ dẫn trước đối thủ chưa đến 20.000 phiếu. Trong khi đó, hơn 175.000 phiếu vẫn cần được kiểm, gồm hơn 58.000 phiếu của Philadelphia, cứ địa của đảng Dân chủ. Tại Georgia, ông Biden dẫn trước ông Trump 917 phiếu (tính đến tối qua), trong khi 99% phiếu đã được kiểm. Nếu lấy được Georgia, ông Biden sẽ là ứng viên Dân chủ đầu tiên làm được điều đó kể từ khi ông Bill Clinton vào Nhà Trắng năm 1992.

Nếu các bang chiến trường miền đông nghiêng về ông Biden, nhóm của ông Trump chuyển hy vọng sang miền tây. Tại Arizona, số phiếu tiếp tục được kiểm đã rút ngắn đà dẫn trước của ông Biden xuống chưa đến 47.000 phiếu. Sau khi hoãn kiểm phiếu từ hạt Maricopa, nhóm phụ trách kiểm phiếu tiếp tục xử lý hàng chục ngàn phiếu từ Phoenix và các vùng ngoại ô. Tại Nevada, việc kiểm phiếu cũng đang diễn ra chậm chạp, ông Biden chỉ dẫn trước khoảng 11.000 phiếu, trong khi lượng phiếu bầu vắng mặt của hạt Clark (nơi có thành phố Las Vegas) vẫn chưa được kiểm.

Các quan chức phụ trách bầu cử của Georgia và Pennsylvania hy vọng hoàn thành kiểm phiếu vào ngày 6/11, nhưng Arizona và Nevada vẫn cần mấy ngày nữa mới xong. Quy trình chậm chạp này khiến cả hai đảng nóng ruột, nhưng lo ngại về nguy cơ bất ổn lan rộng đã không xảy ra. Phản ứng khác nhau của 2 ứng viên cho thấy lộ trình mà họ sẽ đi trong những ngày tới, với hàng loạt đơn kiện đã được nộp, nhiều yêu cầu đếm lại phiếu và khả năng chuyển giao quyền lực không êm đẹp.

Cách ông Biden chuyển hướng sang tập trung các vấn đề chính sách có vẻ là chiến lược có tính toán nhằm tạo không khí chắc chắn về chiến thắng của mình. Cuộc họp của ông để nghe báo cáo tình hình COVID-19 là lời nhắc nhở nước Mỹ ghi nhận mức kỷ lục 116.255 ca mắc mới trong ngày 5/11. Còn ông Trump vẫn tập trung vào vận mệnh chính trị của mình. Hôm qua, bài phát biểu của ông bị 3 đài lớn cắt ngang. Biên tập viên các đài nói rằng, họ cần chỉnh lại nhiều câu nói của ông.

Gieo rắc hoài nghi vào dân chủ

Ông Trump đăng hàng loạt tweet sáng sớm qua, nhắc lại phát biểu trước đó tại Nhà Trắng. “Tôi dễ dàng THẮNG vị trí tổng thống Mỹ với PHIẾU BẦU HỢP PHÁP”. Nhưng ông không đưa ra bằng chứng nào. Twitter dán nhãn thông điệp này là có thể gây hiểu nhầm. Twitter từng làm như vậy nhiều lần với ông Trump từ ngày bầu cử. Ông Trump còn tung hàng loạt thông điệp lên Twitter để đòi dừng kiểm phiếu, nhưng dù có dừng bây giờ, phe Dân chủ cũng vẫn có đủ số bang để chiến thắng. Trong khi đó, nhóm của ông Trump tiếp tục theo đuổi các vụ kiện ở nhiều bang, dù thẩm phán 2 bang Georgia và Michigan nhanh chóng bác đơn kiện.

Giới quan sát cho rằng, sự bám đuổi sít sao của 2 ứng viên phản ánh sự chia rẽ sâu sắc của nước Mỹ, còn quá trình kiểm phiếu chậm chạp là lời nhắc nhở rằng virus corona vẫn đang hoành hành nghiêm trọng ở quốc gia này.

Ông Trump bị chỉ trích là đang gieo rắc hoài nghi vào tiến trình dân chủ. Đó là lý do nhiều người của đảng Cộng hòa im lặng trước nỗ lực của ông nhằm cứu vãn tình thế. Thống đốc Maryland Larry Hogan, người của đảng Cộng hòa, một gương mặt tiềm năng cho cuộc đua tổng thống năm 2024, chỉ trích ông Trump. “Không có bào chữa nào cho những phát biểu của Tổng thống trong tối nay khi làm suy yếu tiến trình dân chủ. Người Mỹ vẫn đang kiểm phiếu, và chúng ta phải tôn trọng kết quả như chúng ta luôn làm trước đây”, ông Hogan nói.

Trong khi đó, một số người được đồn là sẽ tự tranh cử sau 4 năm nữa vẫn đồng tình với Tổng thống. Thượng nghị sĩ Josh Hawley viết trên Twitter: “24 giờ qua đã khiến một điều trở nên sáng tỏ, đó là chúng ta cần luật bầu cử toàn vẹn mới NGAY BÂY GIỜ”. Ông Trump cũng nhận được ủng hộ từ một số người trung thành ở Đồi Capitol, trong đó có Thượng nghị sĩ Lindsey Graham. “Bầu cử ở Philadelphia quanh co như một con rắn”, ông Graham nói với Fox News. Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện, ban đầu không trả lời câu hỏi rằng ông có đồng ý với Tổng thống Trump rằng nên dừng đếm phiếu. Nhưng đến tối 5/11, ông McCarthy trở nên cứng rắn hơn. “Các đảng viên Cộng hòa sẽ không im lặng. Chúng tôi đòi hỏi sự minh bạch. Chúng tôi đòi hỏi sự chính xác. Và chúng tôi đòi hỏi các lá phiếu hợp pháp phải được bảo vệ”, ông viết trên Twitter.   

Việc ông Trump hoài nghi quy trình bầu cử gây nhiều chú ý ở Trung Quốc. Trong một video đăng lên mạng, ông Shen Yi, một giáo sư về chính trị quốc tế tại ÐH Phúc Ðán, nói rằng, Mỹ đã thay đổi rất nhiều, khiến các nhà lập quốc cũng phải thất vọng. “Các nhà lập quốc của Mỹ chắc chắn không hy vọng Mỹ sẽ như ngày hôm nay khi họ lập ra hệ thống. Có gì sai về sự vận hành của hệ thống? Chúng ta có thể chỉ đổ lỗi cho ông Trump hay một vài chính trị gia vì điều đó không?”, ông Shen nói.

Ý kiến của ông Shen được chia sẻ rộng rãi trong nhiều thảo luận ở Trung Quốc về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Báo chí Trung Quốc đưa tin hạn chế về bầu cử, tập trung vào những mâu thuẫn và căng thẳng trong xã hội Mỹ.

MỚI - NÓNG