Ông Trump vẫn được ủng hộ

Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tụ tập trước Trung tâm hội nghị Palm Beach ở bang California Ảnh: Sun Sentinel
Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tụ tập trước Trung tâm hội nghị Palm Beach ở bang California Ảnh: Sun Sentinel
TP - Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Donald Trump vẫn nhận được sự ủng hộ không nhỏ sau 4 năm cầm quyền với quá nhiều biến động. Ðiều này không chỉ là thực tế với nước Mỹ mà còn có nhiều hàm ý với cả thế giới.

Chiến thắng của ông Trump năm 2016 được gọi là cú sốc, khiến nhiều người nghi ngờ. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, chiến thắng đó có lý do của nó. Thay vì phủ định ông Trump, kết quả bầu cử tổng thống Mỹ cho đến nay đang khôi phục tình trạng chia rẽ và cân bằng trong chính trị Mỹ từ thời Bill Clinton những năm 1990. Năm 2016, ông Trump thua đối thủ về số phiếu phổ thông, nhưng năm nay ông tiếp tục chiến thắng áp đảo ở những thị trấn nhỏ và vùng nông thôn của người Mỹ da trắng. Dù có những phát biểu và chính sách chống nhập cư, ông Trump vẫn gặt hái được kết quả đáng kể trong cộng đồng người Mỹ Latin. Ông cũng chiếm được nhiều phiếu của những phụ nữ và đàn ông da trắng thuộc các thành phần đa dạng.

Trong bài viết đăng trên The Guardian, ông Adam Tooze, giáo sư lịch sử tại ĐH Columbia, cho rằng nước Mỹ và thế giới không nên ảo tưởng rằng lực lượng dân tộc chủ nghĩa và bài ngoại chỉ là số nhỏ. Ngoài nước Mỹ, các nhà lãnh đạo như Viktor Orban của Hungary hay Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ mạnh mẽ tư tưởng này.

Theo GS Tooze, ở một quốc gia chia rẽ, gần như mọi mặt của thực tế đều được nhìn qua lăng kính đảng phái. Không phải vô lý mà phe Dân chủ cố biến bầu cử năm nay thành cuộc trưng cầu ý dân về cách ông Trump xử lý khủng hoảng COVID-19. Nhưng điều đó cuối cùng không phải lá bài chiến thắng. Gần một nửa người Mỹ không đồng ý rằng, cách làm việc thất thường và cảm tính của ông Trump khiến ông không đủ tiêu chuẩn làm tổng thống. Điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho nỗ lực phòng chống COVID-19 của ông Biden nếu ông trở thành tổng thống. Nếu không có ý chí tập thể để cùng phòng bệnh, Mỹ chỉ còn trông chờ vào một viên đạn thần kỳ: vắc-xin.

Nhưng ngay cả vắc-xin cũng không bảo đảm chiến thắng. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, chỉ hơn nửa số người trả lời khảo sát đồng ý sẽ tiêm phòng, và đặc biệt số người Mỹ ủng hộ đảng Cộng hòa không thích tiêm. Hàm ý của điều đó là Mỹ sẽ không thể kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, sẽ phải tái phong tỏa nhiều lần. Tác động lên các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp nhỏ sẽ rất lớn.

Cuộc chiến trong quốc hội

Nếu ông Biden lên lắm quyền, dù sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chính quyền của ông sẽ đối diện những cuộc chiến chính trị gay gắt. Đối thủ đáng gờm của họ là phe Cộng hòa trong Quốc hội, dẫn đầu là Thượng nghị sĩ Mitch McConnell. Trước cuộc bầu cử, quá tự tin về chiến thắng đã khiến Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tham gia trò chơi nguy hiểm. Bà đề xuất gói kích thích kinh tế thứ hai rất lớn, với hơn 2.000 tỷ USD. Tuy nhiên, nỗ lực đánh bại phe Cộng hòa tại Quốc hội đang trở nên mờ mịt. Bà Pelosi chắc sẽ phải ngồi vào bàn mặc cả với ông McConnell.

Để làm hài lòng Phố Wall, ông McConnell thông báo sẵn sàng thương lượng, nhưng đây là dấu hiệu đáng ngại. Bất kỳ gói hỗ trợ nào mà ông McConnell đồng ý cũng sẽ cho thấy tính nghiêm trọng của một cuộc khủng hoảng xã hội khiến hàng chục ngàn người Mỹ mất việc, các thành phố và bang trên cả nước gặp khó khăn. Và để cứu nền kinh tế khỏi thảm họa, phe Dân chủ sẽ phải chấp nhận những điều kiện của ông McConnell.

GS Tooze cho rằng, bất kỳ thỏa thuận nào với ông McConnell cũng nên được coi là viên thuốc độc. Bất kỳ mục nào trong chương trình hành động tiến bộ của ông Biden, trong y tế, chăm sóc sức khỏe trẻ em và giáo dục, cũng sẽ bị chặn. Thế giới sẽ hài lòng khi thấy chính quyền Biden đảo ngược quyết định của ông Trump về việc rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Nhưng bất kỳ bàn luận nào về kế hoạch đối phó biến đổi khí hậu và bất công kinh tế mang tên Green New Deal sẽ bị vùi dập.

MỚI - NÓNG