Kết quả xét nghiệm 50 người tiếp xúc ca nghi nhiễm COVID-19

Kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Dân
Kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Dân
TP - Ngày 17/11, theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng và hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, P.N.M (21 tuổi, sinh viên từ Nga về) âm tính với SARS-CoV-2, không có khả năng lây nhiễm. Đến nay, 50 mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc gần (F1) đều âm tính.
Đây là bệnh nhân nhập cảnh từ Nga về Việt Nam ngày 10/8, được cách ly tập trung tại Hải Dương. Sau khi xuất viện, bệnh nhân tự cách ly ở nhà 2 tuần. Ngày 7/11, bệnh nhân vào khám tại Bệnh viện Giao thông Vận tải Hà Nội, được chẩn đoán sốt vi-rút và được cho về điều trị tại nhà.
Ngày 14/11, bệnh nhân sốt 39 độ. Kết quả xét nghiệm ngày 15/11 dương tính SARS-CoV-2. Bệnh nhân và người nhà được chuyển sang cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT PCR tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư âm tính.

Tối 17/11 Bộ Y tế cho biết, có thêm 5 ca mắc COVID-19 nhập cảnh, được cách ly ngay tại tỉnh Hòa Bình và Khánh Hòa.

Tái dương tính không đáng lo

Theo truyền thông nước ngoài, một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những bệnh nhân COVID-19 có thể dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh, thậm chí là vài tháng sau vẫn dương. Một trong số đó là trường hợp của bác sĩ tại Trung tâm Y tế Ramat Gan’s Sheba ở Israel, được phát hiện nhiễm vi-rút vào tháng 4, âm tính vào tháng 5, đến cuối tháng 7 lại có kết quả dương tính.

Một nghiên cứu ở Ý trên 4.500 bệnh nhân COVID-19, được công bố trên tạp chí BMJ, cho thấy phải mất trung bình 36 ngày để vi-rút thải hết ra khỏi cơ thể. Nghiên cứu cũng khẳng định, với bệnh nhân cao tuổi, hay những ca nặng, thời gian đào thải vi-rút có thể kéo dài hơn nữa.

Lí giải cho việc xét nghiệm dương tính, các chuyên gia đều cho rằng, một số trường hợp tải lượng vi-rút cao bám sâu vào các mô cơ thể nên vi-rút bị đào thải chậm. Cũng có thể do người bệnh chưa hồi phục hoàn toàn, nhưng các triệu chứng đã hết, một số ca bệnh Ebola cũng có hiện tượng này. Tuy nhiên, với những ca dương tính ở giai đoạn phục hồi, các chuyên gia đều khẳng định, tải lượng vi-rút không đủ để lây nhiễm cho người khác.

Nghiên cứu công bố trên BMJ còn khẳng định xét nghiệm trong giai đoạn phục hồi có tỉ lệ 1:5 dương tính giả, nghĩa là cứ 5 người dương tính thì có 1 trường hợp là dương tính giả. Lí do dương tính giả, theo các chuyên gia, là khi cơ thể vẫn đang tiếp tục thải ra các mảnh vi-rút, làm cho xét nghiệm PCR bị nhầm lẫn.

MỚI - NÓNG