Cuộc chuyển giao ghế chủ tịch Hội Nhà văn ngoạn mục

Ông Hữu Thỉnh giao lại ghế Chủ tịch Hội cho nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: KỲ SƠN
Ông Hữu Thỉnh giao lại ghế Chủ tịch Hội cho nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: KỲ SƠN
TPO - Chiếc ghế Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam được giao lại êm đẹp cho nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Sau 20 năm nhà thơ Hữu Thỉnh tại vị, ông chấp nhận rút lui.

Tại phiên bế mạc, sau phần báo cáo tổng kết nhiệm kỳ vừa qua, ông Hữu Thỉnh cười tươi giới thiệu tân Chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều lên để chuyển giao chiếc ghế chủ tịch sau 20 năm ông nắm giữ.

Trong diễn văn đầu tiên ở tư cách tân Chủ tịch Hội, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói các cấp lãnh đạo, quản lý và hội viên đã đặt cược lòng tin vào thệ hệ mới. “Khi chúng tôi đón nhận niềm tin đó, chúng tôi sẽ khơi dậy tất cả những gì tốt đẹp nhất của bản thân, từ đó khơi dậy những điều đẹp đẽ nhất còn ẩn chứa trong những tấm lòng, trí tuệ của các hội viên để làm nên thời đại mới hơn cho Hội Nhà văn Việt Nam”, ông Thiều nói.

Cuộc chuyển giao ghế chủ tịch Hội Nhà văn ngoạn mục ảnh 1

Tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Kỳ Sơn


Khẳng định sứ mệnh của Ban Chấp hành khóa mới là hạnh phúc, là trách nhiệm nặng nề, nhà văn Nguyễn Quang Thiều hứa tiếp bước các nhà văn chân chính chọn đồng hành với đất nước. “Tôi muốn nói rằng, việc đặt cược lòng tin vào chúng tôi và thế hệ mới là một cuộc đặt cược chắc chắn thành công”, ông Thiều nói.

Chia sẻ bên lề đại hội, nhiều đại biểu cho rằng cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo này lẽ ra phải diễn ra từ lâu. Sự chuyển giao giữa thế hệ nhà văn trưởng thành trong thời cách mạng và thế hệ nhà văn trưởng thành sau chiến tranh. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho rằng đây là dấu hiệu phấn khởi, tiến bộ cho những người cầm bút, bởi: “Trong thời điểm thế giới và nước ta có nhiều biến động, Ban Chấp hành mới càng phải biết đối nhân xử thế với lớp người đi trước, biết dung hòa với lớp trẻ để có cái nhìn rộng lớn hơn, may ra mới có thể đem lại điều tốt đẹp và sự công bằng”.
Nguyễn Quang Thiều cũng nhận định cuộc chuyển giao này cho thấy một bước đi kỳ vĩ của sự dân chủ mang tính thời đại, thể hiện niềm tin của thế hệ đi trước đối với thế hệ kế tiếp.

Cuộc chuyển giao ghế chủ tịch Hội Nhà văn ngoạn mục ảnh 2 Nhà thơ Hữu Thỉnh rời ghế Chủ tịch Hội sau 20 năm nắm giữ
“Thách thức với BCH mới là vô cùng lớn nhưng thách thức thực sự lại thuộc về mỗi nhà văn Việt Nam, những người ngồi trong căn phòng nhỏ bé của mình trước trang giấy mênh mông vô tận và phải trả lời biết bao câu hỏi của chính bản thân, thân phận quanh mình và dân tộc trong thời đại đầy biến động. Các nhà văn đã bước vào đại hội với tinh thần dân chủ, thái độ tôn trọng, công bằng và nghiêm khắc nhìn lại hoạt động của Hội Nhà văn cũng như BCH khóa 9 trong 5 năm qua, cùng nhau chỉ ra con đường cho văn học Việt Nam trong 5 năm tới”, Chủ tịch Hội nêu. Nhận định hội nhà văn phức tạp, Nguyễn Quang Thiều cho rằng khó có thể lựa con đường chung cho hơn nghìn hội viên, nhưng cần tìm được con đường đúng. “Trên cánh đồng ngô mọc, lúa mọc, khoai mọc và những thứ khác nữa, mỗi nhà văn một cá tính nhưng làm sao để họ đều phải hướng những cá tính đó đến những điều thiện nhất, làm cho con người bớt đi bất công, bớt đi bất hạnh và khổ đau”, ông nói.
MỚI - NÓNG