Vì sao nhà khoa học Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát?

Bộ trưởng Tư pháp Iran Ayatollah Ebrahim Raisi bày tỏ lòng thành kính trước thi thể nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh ảnh: Mizan/AP
Bộ trưởng Tư pháp Iran Ayatollah Ebrahim Raisi bày tỏ lòng thành kính trước thi thể nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh ảnh: Mizan/AP
TP - “Hãy nhớ cái tên Fakhrizadeh', Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói như vậy năm 2018 khi thuyết trình về một số tài liệu về các chương trình khoa học của Iran. Và thứ Sáu vừa rồi, thế giới lại được nhắc nhớ cái tên đó khi nhà khoa học Iran Mohsen Fakhrizadeh, bị ám sát.

Ông Fakhrizadeh đã sống một cuộc sống bí mật đến mức thậm chí tuổi của ông cũng được giấu kín nhưng nhiều điều về chương trình vũ khí hạt nhân bí mật mà ông được cho là đã điều hành từ lâu đã được nói đến.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế LHQ (IAEA) nói họ nghi ngờ Fakhrizadeh giám sát công việc bí mật lắp đầu đạn vào tên lửa đạn đạo, thử nghiệm chất nổ phù hợp với vũ khí hạt nhân và xử lý uranium, theo Reuters.

Iran khẳng định họ chưa bao giờ có chương trình như vậy và không có tham vọng chế tạo bom. IAEA và tình báo Mỹ tin rằng họ đã có một chương trình vũ khí phối hợp, tạm dừng vào năm 2003.

Việc giết chết nhà khoa học Fakhrizadeh là một đòn giáng mạnh vào Iran vì ông được bảo vệ chặt chẽ. Nhưng các quan chức Iran nói nước này có một mạng lưới các nhà khoa học để lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã thề sẽ trả thù cho Fakhrizadeh và nói các quan chức phải tiếp tục theo đuổi “những nỗ lực khoa học và kỹ thuật của liệt sĩ Fakhrizadeh trong tất cả các lĩnh vực mà ông ấy đã tham gia”.

Ngay cả khi các hoạt động của Fakhrizadeh được giữ bí mật, vào năm 2011 IAEA nói họ nghi ngờ ông là người đứng đầu Kế hoạch AMAD, được cho là đã được thiết lập cách đây khoảng hai thập kỷ để giám sát chương trình vũ khí hạt nhân.

Trong khi chương trình được cho là đã bị hoãn lại vào năm 2003, IAEA “dẫn thông tin từ một quốc gia thành viên” nói trong báo cáo năm 2011 rằng một số công việc liên quan vẫn tiếp tục và Fakhrizadeh vẫn giữ “vai trò tổ chức chính”.

IAEA nói trong báo cáo năm 2015 rằng ngay cả những nỗ lực liên quan đó dường như đã kết thúc vào năm 2009. Fakhrizadeh là nhà khoa học Iran duy nhất có tên trong báo cáo năm 2015.

Trong nhiều năm, IAEA đã đưa ra các báo cáo cho thấy Iran đang tuân thủ các giới hạn chính mà thỏa thuận hạt nhân áp đặt, mục đích là kéo dài thời gian cần thiết để sản xuất đủ nguyên liệu hạt nhân cho một quả bom, nếu đó là mục tiêu của Iran, từ hai đến ba tháng lên một năm.

Sau khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng và hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân, Israel tuyên bố rằng Iran đã nói dối về mức độ của các hoạt động hạt nhân trong quá khứ.

Năm 2018, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói Israel đã thu giữ một “kho lưu trữ” khổng lồ các tài liệu của Iran cho thấy Tehran đã làm nhiều việc hơn những gì được biết trước đây.

Israel đã chia sẻ phần lớn tài liệu này với IAEA và các đồng minh. Các nhà ngoại giao nói rằng kho lưu trữ dường như bao gồm thông tin bổ sung về các hoạt động được thực hiện trong thời gian Fakhrizadeh lãnh đạo Kế hoạch AMAD vào đầu những năm 2000.

“Hãy nhớ cái tên Fakhrizadeh”, ông Netanyahu đã nói trong bài thuyết trình năm 2018 về tài liệu nói trên.

Ariane Tabatabai, một nhà nghiên cứu về Trung Đông tại Đại học Columbia, cho rằng cái chết của Fakhrizadeh là một đòn giáng mạnh vào Iran, giống như vụ ám sát tướng Qassem Soleimani bằng máy bay không người lái Mỹ hồi tháng Giêng.

Nhưng bà nói công việc của ông Fakhrizadeh trong việc tạo ra cơ sở hạ tầng để hỗ trợ công tác hạt nhân của Iran có nghĩa là “cái chết của ông về cơ bản sẽ không làm thay đổi tiến trình chương trình hạt nhân của Iran”. Điều này đã được các quan chức Iran xác nhận.

Fereydoon Abbasi, một nhà khoa học hạt nhân người Iran và là cựu lãnh đạo Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, người sống sót sau một vụ ám sát năm 2010, nói với Reuters: “Ông ấy đã tạo ra một mạng lưới các nhà khoa học để tiếp tục công việc của mình”.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm thứ Bảy yêu cầu “trừng phạt thẳng tay” những kẻ đứng sau vụ giết hại ông Fakhrizadeh. Tehran nói Israel đứng đằng sau vụ giết người, theo tin của AP. Trong khi đó, chánh văn phòng Nội các Israel Tzachi Hanegbi nói ông “không có manh mối” về việc ai đứng sau vụ việc, Reuters tường thuật.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.