Chuyện ghi ở làng vọng phu

Cảng cá lạch Quèn
Cảng cá lạch Quèn
Với ngư dân, biển là cuộc sống, cuộc đời, là hồn cốt. Ước nguyện của họ luôn là trời yên, biển lặng, tôm cá đầy khoang khi cập bến bờ. Dẫu biết biển hiểm nguy nhưng vì mưu sinh họ vẫn bám biển, gắn bó với biển. Chúng tôi đến một làng biển như thế, khác biệt chăng là ở đó nhiều người chồng, người cha đã hòa mình vào sóng cả. Còn lại vời vợi ánh mắt ngóng chờ của những người vợ, người con khi chiều xuống.

Kỳ 1: Trỗi dậy từ một xã nghèo
Vốn là một xã đói, nghèo, khó khăn nhất huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An),Quỳnh Long ngày nay đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Dạo quanh trên những con đường làng được đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ, tôi ngỡ ngàng như mình đang lạc vào phố. 

Sinh ra và lớn lên gắn bó trên mảnh đất Quỳnh Long hơn 80 năm nay, ông Võ Ngọc Thạn (SN 1936, trú thôn Minh Thành) là người chứng kiến sự thay đổi của làng chài. Ông bảo: “Cách đây khoảng hơn chục năm, Quỳnh Long tiêu điều, xơ xác lắm. Nhiều nhà đóng cửa, bỏ hoang suốt nhiều năm. Đường làng khúc khuỷu, lồi lõm. Người dân lam lũ, vất vả lắm. Nay, mọi thứ đã khác, không còn nhà bỏ hoang.Những ngôi nhà mới hai, ba tầng mọc lên san sát. Nhiều người xa quê trở về, đất đai trở nên đắt đỏ không kém đất thành phố. Con đê biển được gia cố, vừa dùng để chắn sóng, vừa trở thành đường giao thông thuận tiện. Một số đình, chùa được khôi phục, trùng tu. Đường làng được sửa sang, rải nhựa hoặc đổ bê tông. Dân làng đua nhau xây nhà tầng. Ở Quỳnh Long, người dân vay tiền chủ yếu để làm hai việc: đóng tàu đi biển và xây nhà”.

Người dân Quỳnh Long sinh kế bằng nghề đi biển. Trước đây, ngư dân chủ yếu sống bằng các nghề quen thuộc như lưới rút, lưới rê, câu mực, giã cào... Tất cả các loại nghề này hầu hết đều đánh bắt gần bờ. Có những thời điểm, ngư dân phá sản, không sống được bằng nghề truyền thống. Sau nhiều trăn trở, họ quyết định vay vốn, đóng tàu to, công suất lớn tham gia đánh bắt xa bờ. Mới đầu, có nhiều người thất bại vì chưa tìm ra cách đánh bắt hiệu quả. Cuối cùng, họ du nhập nghề lưới vây và tổ chức đánh bắt rất sáng tạo, bài bản. Để làm được nghề này, phải có tàu to, máy lớn, lưới rộng. Hiện nay, mỗi một con tàu làm nghề lưới vây có giá trị từ 5 - 7 tỷ đồng, khoảng 10 - 12 gia đình cùng hùn vốn.

Lão ngư U90 này cho biết, năm 2016, Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời tạo điều kiện cho ngư dân Quỳnh Long vay vốn đóng tàu lớn vươn khơi. Từ khi tàu hạ thủy đến nay, đa số các chuyến biển đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài kinh nghiệm nhiều năm bám biển, các trang thiết bị hàng hải hiện đại phục vụ cho khai thác như máy dò ngang, dò đứng, máy đo dòng chảy, radar, định vị toàn cầu, bản đồ số… giúp tăng hiệu quả khai thác, góp phần rất lớn cho chuyến đánh bắt xa bờ thành công. Đây đang là hướng làm giàu của bà con vùng biển Quỳnh Long. Điển hình là ngư dân Nguyễn Văn Minh (trú thôn Đại Bắc), có thâm niên 30 năm đi biển cùng với sự mạnh dạn trong đầu tư đóng tàu to, máy lớn, hiện đang sở hữu 4 chiếc tàu công suất từ 450 - 810 CV. Năm 2016, được nhà nước chấp thuận cho vay vốn theo Nghị định 67, anh Minh đóng tàu với công suất 810CV trị giá gần 11 tỷ đồng.Sau 3 tháng hạ thủy con tàu đã ra khơi đánh bắt được 2 chuyến. Chuyến đầu tiên được 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi lao động được khoảng 14-15 triệu đồng. Ngoài ra, trên địa bàn xã Quỳnh Long còn có nhiều ngư dân làm giàu từ nghề đi biển với mức thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng như các ông Nguyễn Sáng (thôn Đại Hải), Nguyễn Bá Thảo (thôn Phú Liên) và Nguyễn Văn Chắt...

Chuyện ghi ở làng vọng phu ảnh 1

Ông Vũ Ngọc Thạn, người có thâm niên gần 70 năm đi biển kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về làng chài

Bám biển mưu sinh

“Ngày xưa đi biển cực lắm, ngư cụ đánh bắt đơn sơ, thức ăn thiếu thốn, không có máy dò cá hay la bàn, định vị mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Ban ngày thì nhìn vào hướng mặt trời, hướng gió để di chuyển thuyền, bè; còn về đêm nhìn trăng sao để xác định phương hướng. Nhưng được cái biển lắm cá. Hồi đó, tôi chỉ cần nhìn lên sao trời, nhìn xuống sóng biển là có thể đoán được hướng cá, biết vùng biển đó có cá gì để thả mồi câu. Giờ đây dù phương tiện tàu thuyền có vững chắc hơn, có phương tiện thông tin liên lạc hiện đại hơn, nên mỗi chuyến đi biển đều rất an tâm”,  anh Thạn bộc bạch.

Là người có thâm niên gần 70 năm đi biển, từng chinh chiến khắp chốn biển bạc, ông Thạn cho biết: “Chim trời, cá nước - nghề đi biển là nghề nguy hiểm, vất vả, phải chấp nhận rủi ro, thậm chí là cái chết”. Ngày nay, tuy phương tiện đi biển hiện đại hơn nhưng cũng không tránh được những “tai nạn nghề nghiệp” thương tâm.“Tôi đã từng chứng kiến bao nhiêu gia đình của vùng quê biển này phải chịu cảnh tang thương đau đớn ấy. Đó là người vợ ở nhà thấp thỏm đau đáu đợi chờ, tan cơn dông bão, con tàu bị đắm và người chồng thì mãi mãi không về. Đó là khi con tàu chỉ cách bờ 12 hải lý, một cơn lốc bất ngờ cướp đi sinh mạng của hai cha con trong một gia đình. Nỗi đau mất chồng, mất con cùng một lúc, khiến người đàn bà như thân chuối đổ gục. Đó là hai người yêu nhau, chuẩn bị đến ngày cưới, chàng trai gặp nạn, người vợ chưa cưới hóa hòn vọng phu. Đau lòng hơn, những đợt giông lốc càn quét, nhiều gia đình trắng màu khăn tang. Sau mỗi lần đó, trong thôn lại có thêm những hòn vọng phu mới… Cái nghề mưu sinh vất vả, đầy rủi ro, bất trắc, có khi phải đánh đổi bằng cả mạng sống nhưng như cái nghiệp đã gắn chặt không thể nào dứt ra được”, ông Thạn trải lòng.

Ở cảng biển lạch Quèn, nhiều chiếc thuyền tải trọng lớn có tuổi từ 8 - 15 năm, được tu sửa nhiều lần nên lung lay trước sóng to gió lớn. Người dân nơi đây vẫn ý thức được nguy hiểm luôn rình rập nhưng vì mưu sinh và nghèo khó nên những con thuyền nan, thuyền nhựa vẫn cứ lướt sóng ra khơi. Ngày thường, lạch biển thoáng lắm, nay chật chội bởi những hàng tàu cá xếp san sát trú chân. Tàu cá không ra khơi, làng chìm trong giấc ngủ dài như ngày đông giá. Khói lam chiều với mây đen giông lốc vần vũ trên những mái nhà thiếu vắng hơi ấm đàn ông. Ông Thạn bảo: “Đợt này, bão vào Quảng Bình, Quảng Trị thế mà mấy hôm ở đây sóng biển cũng ùng ục. Đáng sợ lắm. Mùa biển động, ngư dân chỉ đánh bắt gần bờ thôi. Mấy ai dám đi dài ngày”.

Ngoài kia, sóng vẫn rì rầm, biển vẫn luôn bí hiểm, rình rập và gầm gào mỗi khi lốc tố nổi lên. Hàng nghìn hộ dân ở các xã lân cận sống quanh lạch biển này vẫn cần mẫn mưu sinh và sống chết với biển.“Sinh nghề, tử nghiệp”, có lẽ câu nói đó đúng nhất đối với nghề đi biển. Có thể người ta thấu hiểu đời ngư phủ trọn kiếp lênh đênh trên sóng nước với bao hiểm nguy rình rập nhưng phận đời của những người vợ góa, những đứa con côi ở lại mấy ai hay?

(Còn nữa)

Ông Vũ Ngọc Chắt, Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Long cho biết, toàn xã Quỳnh Long có 149 phương tiện tàu cá, trong đó có 75 tàu cá trên 90 CV (chuyên đánh bắt xa bờ), với tổng lao động gần 3.000 người. Mỗi chuyến đi biển kéo dài từ 6 - 8 ngày. Mỗi tàu đánh bắt được khoảng 15 - 20 tấn cá mỗi chuyến. Mỗi tháng, các con tàu thực hiện từ 2-3 chuyến đi biển, sản lượng đánh bắt đạt từ 40 - 50 tấn cá/tàu/tháng. 

MỚI - NÓNG