Thứ trưởng Bộ Tài chính: Đại học thu gấp 3 lần chi, nên sớm để tự chủ

Ảnh: Như Ý
Ảnh: Như Ý
TPO - Nguồn thu của các trường ĐH 1 năm khoảng 10.600 tỷ, trong khi đó, nguồn chi ngân sách chỉ có 2700 – 2800 tỷ, nên các trường ĐH hoàn toàn đảm bảo được tự chủ.

Sáng 8/12 tại trụ sở Bộ GD&ĐT diễn ra buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tưởng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã nhấn mạnh hai nội dung liên quan đến quản lý giáo dục đó là vấn đề tự chủ Đại học và SGK.

Đối với tự chủ đại học, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng cần phải có tổng kết đánh giá về tự chủ. Hiện nay, Nghị định 77 về thí điểm đã hết hiệu lực, hơn nữa, một chủ trương sẽ không thể phát triển bền vững nếu chỉ dừng lại ở thí điểm. Vì vậy, cần có Nghị định cụ thể về vấn đề này.  Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, theo số liệu năm 2019, nguồn thu của các trường ĐH 1 năm khoảng 10.600 tỷ trong khi đó, nguồn chi ngân sách chỉ có 2700 – 2800 tỷ. Nên các trường ĐH hoàn toàn đảm bảo được tự chủ. Do đó, Chính phủ nên sớm ban hành Nghị định tự chủ.  Mặt khác, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng cần xây dựng chỉ thị về cơ chế tài chính đầu tư nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục ĐH. Hiện nay ngân sách chi cho khoa học rất lớn, trên 30.000 tỷ. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng đề cập đến cơ chế phối hợp tài chính liên quan đến SGK của chương trình giáo dục phổ thông mới. “Phải có quản lý nhà nước về SGK, sách tham khảo. Giá SGK nhất định phải quản lý không thể “thả nổi”. Vấn đề này Chính phủ đã có văn bản trình Quốc hội. Tuy vậy, vẫn cần phải chỉnh sửa, bổ sung”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, thực hiện Nghị định số 63 năm 2010 của Chính phủ, ngay từ đầu năm 2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính. Theo đó, Bộ đã đưa vào rà soát 3 nhóm thủ tục hành chính trọng tâm.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã đơn giản hóa đối với thủ tục xét, cấp học bổng chính sách cho học sinh sinh viên, tiết kiệm được hơn 745 triệu đồng (tương đương 15,7%) chi phí tuân thủ thủ tục hành chính so với trước khi đơn giản hóa. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD&ĐT còn đơn giản hóa và cắt giảm 3 thủ tục hành chính tại 2 Nghị định và 4 Thông tư.

Như vậy, đến thời điểm hiện nay, Bộ GD&ĐT cắt giảm tổng số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính được gần 26 tỷ đồng (tương đương khoảng 28,89%).

Bộ cũng đã đơn giản hóa và cắt giảm được từ 85 chế độ báo cáo định kỳ xuống còn 20 chế độ báo cáo. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiến hành việc số hóa 20 chế độ báo cáo định kỳ này.

Bước đầu, Bộ GD&ĐT đã rà soát, lập danh mục các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, gồm: 214 thủ tục hành chính; 9 nhóm quy định; 1 nhóm ngành nghề đầu tư kinh doanh khác; 1 nhóm quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc và 20 chế độ báo cáo định kỳ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết năm học vừa qua, ngành giáo dục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, bão lũ. Bộ phải điều chỉnh nhiều kế hoạch và nhiều việc phát sinh; đồng thời phải triển khai nhiệm vụ theo chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thực hiện nhiều nhiệm vụ phát sinh do thực tiễn.

“Chúng tôi cố gắng phấn đấu hoàn thành, không nợ đọng văn bản. Bộ tham gia cải cách hành chính, chính phủ điện tử, bước đầu có khó khăn, nhưng sau đó chính tiện ích thực tiễn đã tạo động lực toàn ngành thực hiện”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay. 

Ông Nhạ thông tin thêm:  Bộ có kế hoạch, cùng sự hỗ trợ của các bộ ngành đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ngành giáo dục. Đây không chỉ thực hiện nhiệm vụ của ngành, Bộ mà còn thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Với nhận thức rõ vai quyết tâm cao, Bộ đã phối hợp với Bộ TT&TT và các tập đoàn công nghệ thực hiện. Sắp tới, Bộ tiếp tục rà soát lại các thủ tục hành chính, cơ cấu lại theo hướng số hóa.

MỚI - NÓNG