Lo ngại tàu ngầm Trung Quốc, hải quân Nhật biên chế tàu giám sát đại dương mới

Nhật đóng mới tàu giám sát đại dương do lo ngại tàu ngầm Trung Quốc
Nhật đóng mới tàu giám sát đại dương do lo ngại tàu ngầm Trung Quốc
TPO - Các mối đe dọa gia tăng từ tàu ngầm Trung Quốc ở Thái Bình Dương đã làm hồi sinh chương trình giám sát tàu ngầm của Nhật Bản với một con tàu có giá 22,6 tỷ yen (205 triệu USD).

Aki, tàu giám sát đại dương đầu tiên của Nhật Bản trong gần 30 năm, dự kiến được triển khai đến căn cứ Kure của Hải quân Nhật Bản (MSDF) vào mùa xuân năm 2021, theo Asahi Shimbun.

 Tàu sẽ hỗ trợ Hải quân Mỹ ở một số khu vực, một quan chức thân cận với MSDF cho biết. “Các tàu giám sát đại dương là một trong các biểu tượng của sự hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ”, quan chức này nói.

Aki sẽ là tàu giám sát đại dương thứ ba của Nhật Bản và là tàu giám sát đại dương đầu tiên được bổ sung vào MSDF kể từ năm 1992.

Việc đóng hai con tàu khác là Hibiki và Harima, đã được lên kế hoạch trong thời Chiến tranh Lạnh.

Nhưng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhu cầu về các tàu trinh sát giảm mạnh - cho đến khi Trung Quốc nổi lên như một cường quốc quân sự.

Aki, cùng với Hibiki và Harima, được giao nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc và các quốc gia khác dưới đáy biển.

Con tàu hai thân màu xám dài 67 mét với lượng giãn nước tiêu chuẩn 2.900 tấn được chế tạo tại một xưởng đóng tàu ở Tamano, tỉnh Okayama.

Trong số 22,6 tỷ yen chi phí để xây dựng Aki, 2,3 tỷ yen đã được sử dụng để mua Hệ thống cảm biến mảng giám sát (SURTASS) từ Mỹ thông qua chương trình Bán hàng quân sự nước ngoài của Washington, nơi quản lý việc bán thiết bị quốc phòng của Mỹ cho chính phủ nước ngoài.

SURTASS là một phần của hệ thống giám sát dưới biển theo dõi các chuyển động của tàu ngầm.

Aki sẽ thu thập âm thanh từ các tàu ngầm nước ngoài di chuyển sâu trong vùng biển quanh Nhật Bản thông qua SURTASS được kéo bởi một sợi cáp dài vài km.

SURTASS có thể phát hiện xung động từ các cánh quạt của tàu ngầm cách xa hàng trăm km. Các âm thanh được thu thập được số hóa và một phần dữ liệu như vậy được sử dụng để xác định kiểu loại và quốc tịch của tàu ngầm.

Tàu giám sát đại dương đầu tiên là Hibiki đã được triển khai đến Căn cứ Kure năm 1991, sau đó là Harima năm 1992.

Nhật Bản đã dự tính đóng thêm tàu vào năm 1987 với sự thúc giục mạnh mẽ của Mỹ.

Nhưng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, dự án đóng thêm tàu giám sát đại dương đã bị gác lại, một người quen thuộc với tình hình MSDF cho biết.

Mục đích của việc làm sống lại chương trình cũ là để thu thập thông tin tình báo từ các tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc, ông cho biết.

Vào năm 2013, một loạt các sự cố đã cung cấp thông tin hiếm hoi về nơi các tàu giám sát đại dương hoạt động.

Vào tháng 5 năm đó, có tới 15 trường hợp được báo cáo về việc nhiều tàu đánh cá bị cắt đứt dây câu trên biển quanh Okinawa, tỉnh cực nam Nhật Bản. Một số trường hợp được cho là do các dây cáp kéo SURTASS bị vướng vào dây câu.

Trong khoảng thời gian đó, các tàu giám sát đại dương từ MSDF và Hải quân Mỹ đã theo dõi những gì dường như là một tàu ngầm Trung Quốc đang đi trong vùng biển ngoài khơi đảo Nansei, nằm giữa đảo Kyushu và Đài Loan (Trung Quốc).

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.