Họa sỹ Phạm Luận: 'Đại gia' ẩn mình

Tác phẩm “Buổi sáng ở Venice”, tranh sơn dầu, 80x135cm
Tác phẩm “Buổi sáng ở Venice”, tranh sơn dầu, 80x135cm
TP - Họa sỹ Trần Khánh Chương xếp Phạm Luận vào hàng “đại gia” ít ỏi của làng mỹ thuật Việt. Lại có người tặng anh danh hiệu “quí ông lịch lãm” hoặc “phù thủy ánh sáng”… Trái với đình đám của dư luận dành cho mình, họa sỹ của phố cổ ít lộ diện, lặng lẽ vẽ và vẽ…

Hơn hai năm trước, tôi đến thăm Phạm Luận tại xưởng vẽ của anh và không khỏi bị ngợp bởi “view” đẹp như tranh. Xưởng nằm trên tầng 13 (nếu tôi nhớ không nhầm) ở một khu căn hộ cao cấp, không gian mở ra hồ mênh mông. Từ không gian trữ tình này, họa sỹ có thể ngồi ngắm những tia nắng sớm hoặc hoàng hôn dần tàn, gợi cảm hứng  sáng tác. 
Phạm Luận là một trong những họa sỹ mê mẩn ánh sáng và có khả năng khiêu vũ cùng ánh sáng bằng cọ. Anh từng có triển lãm mang tên “Nắng” ở Hà Nội vào tháng 2/2014. Nắng ngập tràn trong sáng tác của Phạm Luận, nắng ám ảnh từng khắc trong đời nghệ sỹ. “Nhiều lần đi xe trên phố cổ, thấy vệt nắng chiếu trên phố đẹp quá, tôi nhủ thầm phải quay lại ngay để ngắm, để chụp. Có điều lúc trở lại, vạt nắng ấy đã khác đi, không còn như cũ. Vậy là tôi vẽ để tái hiện vẻ đẹp của nắng đã in trong tâm trí tôi”. 
Phạm Luận sinh năm 1954, tại Hà Nội. Anh là một trong số ít họa sỹ Việt thành danh nhờ tự học (tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội). Người học vẽ qua trường lớp chớ coi thường những người tự học, bởi nhược điểm của họ có khi chính là ưu điểm. Có người khi xem triển lãm “Nắng” đã viết rằng, anh thích nhất tác phẩm “Quán La Terrasse”, sơn dầu trên vải, 173x193 cm. Trong những lí do yêu thích được vị giỏi “soi” này nêu ra, có một chi tiết đáng chú ý: “Nếu thêm một chút học thuật vào thì vì nó sử dụng những khoảng chia đều chằn chặn, nó có những lỗi bố cục mà chẳng tay học hành kinh viện nào muốn mắc phải, chỉ có Phạm Luận mới vẽ và vì thế mới thành công”. 
Con đường nào đưa Phạm Luận trở thành “đại gia” trong làng mỹ thuật Việt nhờ sáng tác và bán tranh? Anh nói: “Hữu xạ tự nhiên hương. Làm nghệ thuật nếu đặt ra mục tiêu vẽ để đi nước ngoài, sẽ thất bại. Cứ vẽ như sự cảm nhận của mình, vẽ đến tận cùng mới thôi. Đã gọi là cái đẹp thì đến lúc nào đó sẽ tự tỏa hương”. Năm 1991, Phạm Luận có triển lãm đầu tiên ở Hà Nội. Một triển lãm thành công ngoài mong đợi, không những tranh bán tốt mà còn lọt mắt xanh của gallery Lã Vọng ở Hong Kong. 
Cuối năm 1994, lần đầu tiên Phạm Luận ra nước ngoài, anh là lứa họa sỹ đầu tiên của Việt Nam tới Hong Kong. Sau này, những chuyến ra nước ngoài làm triển lãm hoặc lấy cảm hứng sáng tác với Phạm Luận trở thành chuyện bình thường. Nhờ thế, đề tài sáng tác trong tranh của anh được mở rộng. “Đầu tiên, tôi chỉ vẽ về Việt Nam. Vẽ rất nhiều về Hà Nội, vì Hà Nội là quê hương của tôi. Tôi vẽ phố cổ, vẽ làng hoa, vẽ hồ… Sau đó tôi vẽ biển, vẽ cảnh sắc thương yêu trên đất nước mình… Những chuyến đi nước ngoài khiến tôi nhận ra, cảnh sắc ở những nơi mình đến cũng cực đẹp, sao không vẽ? Thế là tôi bắt tay vào vẽ…”. Phạm Luận vẽ phố phường London, vẽ Venice xanh quyến rũ, vẽ vườn Monet… Những bức tranh vẽ phong cảnh nước ngoài của Phạm Luận  rất được lòng khách nước ngoài. Năm 2016, anh có triển lãm ở Tokyo với 25 bức tranh vẽ về đất nước và con người Nhật Bản. 
Năm 2018, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Singapore, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và Hội Hữu nghị Việt Nam-Singapore đã mở triển lãm Nghệ thuật Việt Nam-Singapore, giới thiệu tác phẩm của Phạm Luận và họa sỹ Singapore Jeffrey Wandly. Phạm Luận vẽ về đất nước, con người Singapore, còn họa sỹ Singapore vẽ về đất nước, con người Việt Nam.  
Khách mua tranh của Phạm Luận chủ yếu là khách nước ngoài, trong đó có những khách “VIP” làm trong ngành ngoại giao. Đáng nói, vị đại sứ đầu tiên của Singapore tại Việt Nam chính là khách “ruột” của Phạm Luận. Ông là một nhà sưu tập yêu thích hội họa phong cảnh Việt Nam; ông “chấm” Phạm Luận. “Ông ấy mua nhiều lắm. Từ những năm 90 đến tận bây giờ vẫn mua những sáng tác mới của tôi”. Khách “VIP” này sở hữu bộ sưu tập khoảng 200 bức tranh của Phạm Luận. Tôi hỏi Phạm Luận: “Anh có chiều khách “VIP” không?”. Họa sỹ cười: “Ngay từ đầu nếu tôi cố ý vẽ để ông yêu thích thì có lẽ sự việc đã khác. Bởi tôi vẽ như tôi thích nên ông mới thấy hay. Nếu vẽ theo ý của ông ấy thì có lẽ ông chỉ mua dăm bức là chán”.  
Phạm Luận mạnh mẽ bảo vệ “cái tôi” của mình. Anh yêu thích nghệ thuật ấn tượng, học hỏi từ Monet, Van Gogh, Cezanne… Với mỹ thuật Đông Dương, anh yêu thích Bùi Xuân Phái và cũng học hỏi từ ông. Song Phạm Luận học hỏi những “ông lớn” không phải để bắt chước, mà để tìm thấy bản thân mình. Chỉ khi vẽ bằng tâm, bằng bản sắc, họa sỹ mới tự tin. 
Nói đến vấn nạn tranh giả, họa sỹ “đại gia” chia sẻ: “Ai chẳng buồn”. Anh kể, một người làm trong ngành ngoại giao rất thân thiết với anh, có hôm gọi điện khoe mới mua một bức ở Singapore, rồi gửi cho anh xem. Phạm Luận giật mình nhận ra ngay tranh “dởm”, bèn gọi điện sang báo cho bạn. Cũng có lúc anh đang vẽ thì có người gọi điện, bảo sẽ dẫn anh tới một nơi đang chép tranh của anh. Phạm Luận từ chối, bởi: “Tôi mà lao vào mấy cuộc ấy thì mất hết cảm hứng sáng tạo”. Thị trường tranh giả ảnh hưởng đến sức mua rõ ràng song điều này lại khiến một số họa sỹ, trong đó có Phạm Luận, cảm thấy thảnh thơi. “Không áp lực càng tốt cho tôi”. Gác nỗi buồn tranh giả sang bên, Phạm Luận bận bịu với công việc hằng ngày: Vẽ và vẽ. 
Cuối năm 2018, Phạm Luận, Vi Kiến Thành, Hoàng Phượng Vỹ làm triển lãm “Khoảng lặng”. Cách đây một thời gian, tôi từng nghe Phạm Luận chia sẻ về dự án ký ức Hà Nội qua những ký họa của anh từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước. 
Phạm Luận không chơi Facebook, không phát ngôn ồn ào, nên những người yêu Phạm Luận chỉ có thể tìm anh trên tranh.  Chỉ tiếc tại thị trường Việt, tranh của các danh họa Việt đương đại vẫn ít tìm thấy “đối tác”. Tất nhiên, một phần vì giá tranh của họ “không phải dạng vừa”. Có những bức của Phạm Luận được bán với giá vài chục ngàn đô la. Bỏ vài chục ngàn đô la để mua một tác phẩm hội họa có khi người ta lại cho là “dở” cũng nên. Một họa sỹ nổi tiếng nói vui: Ở ta, không lo mất tranh. Kẻ trộm vào nhà sẽ lấy những thứ khác, lấy tranh làm gì? 

Họa sỹ Phạm Luận: 'Đại gia' ẩn mình ảnh 1 Một tác phẩm của Phạm Luận
Họa sỹ Phạm Luận: 'Đại gia' ẩn mình ảnh 2Phạm LuậnPhạm Luận có nhiều triển lãm nhóm và cá nhân ở trong nước và nước ngoài, trong đó có triển lãm được giới thiệu ở London, Hong Kong, New York.  Tranh của anh có trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và nhiều nhà sưu tập nước ngoài, như Công tước xứ York. 
MỚI - NÓNG