Thêm giải pháp cứu du lịch

Đề xuất loạt giải pháp bổ sung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch chịu tác động của dịchẢNH: KỲ SƠN
Đề xuất loạt giải pháp bổ sung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch chịu tác động của dịchẢNH: KỲ SƠN
TP - Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng vừa ký văn bản đề xuất bổ sung một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch trước tác động của dịch COVID-19.

Giữa tháng 3, Bộ VHTTDL có công văn đề xuất với Thủ tướng các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi sau khi dịch COVID-19 đi qua. Chính phủ và các bộ ngành đang xem xét một số giải pháp, nay Bộ VHTTDL bổ sung một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động.

Bộ VHTTDL đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các doanh nghiệp du lịch trong việc hoàn, hủy tua. Theo đó, gói hỗ trợ này giúp các doanh nghiệp phát hành “phiếu mua tua” thời hạn 12-18 tháng, giá trị tương đương tua khách đã mua nhưng không thể đi do dịch bệnh. Bộ cũng đề xuất có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ nhà có phòng lưu trú du lịch cho thuê, người lao động mất việc trong cơ sở lưu trú: đưa các đối tượng này vào diện được hỗ trợ trong gói 62 nghìn tỷ đồng giúp vượt dịch bệnh.

Đối với doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo du lịch và người lao động, Bộ đề xuất miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa cũng như thẻ hướng dẫn viên trong năm 2020. Đầu tư cho cơ sở đào tạo áp dụng chương trình đào tạo trực tuyến, hỗ trợ và ưu đãi dành cho cơ sở đào tạo du lịch và các học viên tham gia đào tạo lại, nâng cao tay nghề theo Tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam. Khi hết dịch, Bộ đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến du lịch quốc gia với một loạt ưu đãi.

Bộ VHTTDL cũng đề xuất các giải pháp khôi phục du lịch cho từng kịch bản khống chế dịch. Khi Việt Nam công bố hết dịch, Bộ đề xuất tập trung vào kích cầu thị trường nội địa, phối hợp với các hãng hàng không, vận chuyển và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan. Ngành sẽ tập trung vào chiến dịch truyền thông “Du lịch Việt Nam an toàn”, triển khai kích cầu nội địa. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ có các gói kích cầu tiêu dùng, trong đó có kích cầu người tiêu dùng trong nước sử dụng dịch vụ du lịch.

Đối với kịch bản Việt Nam và một số nước công bố hết dịch (dự kiến các nước trong khu vực châu Á hết dịch sớm hơn), Bộ mong được hỗ trợ ngành du lịch đẩy mạnh truyền thông tập trung vào “Việt Nam an toàn và hấp dẫn”. Với nội dung khẳng định Việt Nam thành công đẩy lùi COVID-19, du lịch tiếp tục là điểm đến an toàn, khách du lịch được chào đón trở lại, công bố gói sản phẩm, dịch vụ ưu đãi. Đồng thời, thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cần cơ cấu lại, tập trung quảng bá khách đến và đi tại các thị trường hết dịch, nhất là phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc…

Khi thế giới công bố hết dịch, ngành du lịch tăng cường xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, truyền thông, phát triển sản phẩm du lịch mới. Mở rộng các gói kích cầu du lịch đối với các thị trường cả nội địa lẫn quốc tế. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam như tăng tần suất, mở thêm đường bay đến thị trường quốc tế, miễn thị thực đối với nhiều thị trường, miễn giảm phí thị thực nhập cảnh.

Du lịch chịu tổn hại nặng nề từ dịch COVID-19. Tính hết quý 1, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,69 triệu lượt. Mức tăng trưởng của ngành dịch vụ như lưu trú, ăn uống, lữ hành chỉ đạt tăng trưởng 3,27% là mức thấp nhất cùng kỳ các năm từ 2011-2018. Các thị trường khách quốc tế lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ đều giảm mạnh, Trung Quốc giảm nhiều nhất gần 32%. Theo thống kê, lĩnh vực du lịch, lưu trú, nhà hàng cắt giảm từ 70-80%; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc.

MỚI - NÓNG