Ký họa chiến trường

Ðường số 9
Ðường số 9
TP - Mùa thu năm 2017, tôi có dịp thăm người thân tại Ðại học Quốc gia Singapore (NUS) bất ngờ thấy trong bảo tàng của trường triển lãm VIỆTNAM 1954-1975. Vào xem thì bất ngờ hơn: Ðó là một triển lãm treo hơn 300 tranh ký họa về chiến tranh Việt Nam do chính các họa sỹ Việt Nam vẽ...

Rất nhiều họa sỹ nổi tiếng góp mặt trong triển lãm lần này như Huỳnh Văn Thuận, Lê Lam, Quang Thọ, Văn Đa, Huy Toàn, Bùi Quang Ánh... với những bản gốc! Chủ nhân của nó là chính là cựu Đại sứ Malaysia tại Việt Nam từ năm 1990 đến năm 1993, ông Dato’ N Parameswaran. Ông đã bỏ tiền túi ra dày công sưu tầm trong ba năm được hơn 1.000 tranh cả ký họa và tranh cổ động. Triển lãm này chỉ là 1/3 số tranh ông có! Nhân dân yêu hội họa Singapore qua triển lãm  hiểu thêm về tâm hồn và đời sống nhân dân Việt Nam, một dân tộc trường kỳ chiến tranh nhưng rất yêu hoà bình.

Ký họa chiến trường ảnh 1 Cô giao liên ở binh trạm

Tôi xem hết phòng tranh rộng, kỹ từng bức và chợt thấy tranh “Bà Mẹ Vĩnh Linh” của mình được treo. Bức ký họa tôi vẽ tháng 6/1969, khắc họa một bà mẹ đang hút thuốc rê trong phút giải lao khi đào địa đạo chống bom Mỹ! Nó là một trong hơn 200 ký họa của tôi vẽ trong suốt cuộc chiến tranh. Thật xúc động khi gặp lại đứa con của mình sau 48 năm! Tôi lại nhớ đến phòng triển lãm ký họa của tôi tại Boston (Mỹ) 1992 với rất đông người xem và họ bất ngờ về cuộc sống của nhân dân Việt Nam, một dân tộc mà chính phủ họ dội bom xuống đầu!... Và mỗi khi! Ngày 30/4 tới! Tôi không thể không bồi hồi nghĩ về những bức tranh ký họa và những người vẽ nó...

Ký họa chiến trường ảnh 2 Bà Mẹ Vĩnh Linh

Nhưng những bức ký họa vẫn sống mãi tuổi thanh xuân, nó minh chứng cho một thời hào hùng mà ở đó người ta được đề cao nhân phẩm qua các cuộc chia ly màu đỏ... Và những bức ký họa vẫn âm thầm chứng nhân cho một thời cao đẹp trường tồn.

Trên thế giới, ký họa thường chỉ dùng để phác thảo, từ đó làm phương tiện dựng những tranh sơn dầu khổ lớn. Ký họa không được coi là một thể loại tranh! Khi đến Việt Nam, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ, đói, khát, sống chết vô thường, bom đạn dữ dội... máy ảnh không có, người ta đã biến ký họa thành một phương tiện đắc lực ghi chép lại những khoảnh khắc hiếm có của chiến tranh. Trong hoàn cảnh ấy... ký họa đã phát huy sở trường động viên tinh thần chiến đấu của toàn dân có khi còn nhanh nhạy kịp thời hơn các chất liệu đàn anh khác như sơn dầu, sơn mài, tuy nó không lộng lẫy vàng son, hay đặc tả kỹ càng lâu công như các chất liệu đàn anh kia, bù lại, nó có cái phóng khoáng ào ào của nét bút, cái sôi sục của hồn người vẽ được thổi vào trong khói lửa chiến trường! Rất khác với những bức tranh sau này công phu được dàn dựng bố cục tại xưởng vẽ và đôi khi mất hàng tháng trời... Ký họa thâm diễn thường vài giờ đồng hồ. Kỷ lục thời gian thuộc về cố họa sỹ Huỳnh Văn Thuận, hai ngày/bức, hồi cụ vẽ bến phà Long Đại. Còn lại, thường chỉ mất chừng một tiếng. Tốc họa thì nhanh hơn, chỉ vài phút. Bởi khi đó, người mẫu (những chiến sỹ) đã biến theo cuộc hành quân thần tốc rồi.

Ký họa chiến trường ảnh 3 Vượt trọng điểm

Có những kỷ niệm khó quên: Năm 1969, tôi vào vẽ bộ đội tiểu đoàn 27 đánh Quảng Trị. Vẽ xong một người lính, chưa kịp ký tên và hỏi tên  thì anh phải đi ngay, chỉ kịp hỏi với theo, anh trả lời ngắn gọn: Tôi tên là Tùng, nhà ở số 6 xóm Hạ Hồi... Bức ký họa ấy cứ nằm trong cặp vẽ tròn 51 năm nay mãi tháng trước, trốn “Cô Vy”, tôi post lên facebook, hàng trăm bạn đòi tìm anh Tùng xem sống hay đã hy sinh? Họa sỹ Thành Chương đã nhiệt tình tìm giúp vì là hàng xóm với Tùng và cuối cùng đã tìm ra Tùng.

Nhiều bức vẽ vừa vẽ xong người vẽ đã hy sinh ngay sau đó, những bức vẽ phải đựng trong ống Rốc-két, ống pháo sáng, ống tre, những cuộc triển lãm lưu động tranh ký họa giữa rừng già giấu quân, trong binh trạm đầy hố bom hay bên vách chiến hào địa đạo, đã góp phần động viên quân dân kiên cường đánh giặc!

Vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, người dân Việt Nam xúc động khi được xem những bức ký họa có cái tên: TỪ MIỀN NAM GỬI RA. Chính Bác Hồ đã đến câu lạc bộ Thống Nhất xem triển lãm này và yêu cầu Hội Mỹ thuật gửi gấp các họa sỹ vào chiến trường miền Nam để ghi chép ngay các hình ảnh sinh động của cuộc chiến tranh nhân dân. Ngay lập tức, các họa sỹ nổi tiếng Việt Nam đã ba lô cặp vẽ vượt Trường Sơn vào các chiến trường miền Nam. Nhiều bức vẽ vừa vẽ xong người vẽ đã hy sinh ngay sau đó, những bức vẽ phải đựng trong ống Rốc-két, ống pháo sáng, ống tre, những cuộc triển lãm lưu động tranh ký họa giữa rừng già giấu quân, trong binh trạm đầy hố bom hay bên vách chiến hào địa đạo, đã góp phần động viên quân dân kiên cường đánh giặc!

Ký họa chiến trường ảnh 4 Chân dung người lính quên tên. (Toàn bộ ký họa trong bài của Lê Trí Dũng)

Năm tháng cứ trôi đi, nhiều bức ký họa trải qua thời bao cấp đã bị mối xông, nhiều bức bị cháy sém vì bom pháo địch, nhiều người vẽ đã qua đời. Những người còn sống đến ngày nay hầu như đã quên ký họa để lao vào vẽ các thể loại khác trước thúc bách của kinh tế thị trường! Nhưng những bức ký họa vẫn sống mãi tuổi thanh xuân, nó minh chứng cho một thời hào hùng mà ở đó người ta được đề cao nhân phẩm qua các cuộc chia ly màu đỏ... Và những bức ký họa vẫn âm thầm chứng nhân cho một thời cao đẹp trường tồn.

MỚI - NÓNG